Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?
Hệ lụy liên quan đến tai nạn giao thông do lái xe sử dụng rượu bia gây ra từ nhiều năm nay vẫn là vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Dù ý thức được việc tham gia giao thông trong khi cơ thể có chất kích thích nói chung hay rượu bia nói riêng đều rất nguy hiểm, nhưng rất nhiều người vẫn 'bỏ ngoài tai' vấn đề này. Do đó, việc xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến nồng độ cồn hiện nay vẫn đang được xem là 'bài toán khó'.
Trên thế giới, ngoài tám quốc gia (Barbados, Burundi, Gambia, Guatemala, Guinea-Bissau, Quần đảo Marshalls, Niger và Paraguay – đồ họa) không xử phạt hành vi lái xe khi say thì hầu hết các quốc gia/vùng lãnh thổ đều áp dụng hình phạt đối với các tài xế uống rượu lái xe. Nồng độ cồn có trong máu /hơi thở là căn cứ để xác định xử phạt.
Điển hình, 0.03% là mức giới hạn tối đa được quy định ở Cộng hòa Séc. Quy định tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0 – 0,03% sẽ bị phạt 500 – 700 euro và tước bằng 6 tháng.
Hungary có chút khác biệt khi mức giới nghiêm được nâng lên 0.08%. Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0-0.08% tài xế có thể bị cấm điều khiển phương tiện lên tới ba năm và số tiền phạt có thể lên tới 3.000 euro.
Đáng chú ý, tại Slovakia, chỉ cần vượt quá 0.01% tài xế đã bị xử phạt, con số gần như tuyệt đối. Tài xế có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tiền 200 – 1.000 USD và phạt tù tới 12 tháng.
Còn tại Đức, nơi mà bia là thứ đồ uống đã trở thành thương hiệu của họ thì trung bình mỗi người nơi đây tiêu thụ gần 100 lít một năm. Tiêu thụ lượng rượu bia khổng lồ như vậy, nhưng nhìn chung, đa số người Đức đều chấp hành tốt các quy định liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe, bởi pháp luật Đức rất nghiêm khắc đối với những người vi phạm trong lĩnh vực này. Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg lái xe sẽ bị phạt từ 500 – 1.500 euro, bị cấm lái xe trong vòng từ một đến ba tháng đồng thời sẽ bị trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe. Một người nếu bị trừ đến 8 điểm thì sẽ bị tịch thu bằng lái và phải thi lại.
Những người có nồng độ cồn cao hơn 1,1 miligam sẽ được coi là phạm tội hình sự, có thể bị tước giấy phép lái xe ít nhất 6 tháng và trong trường hợp nghiêm trọng người lái xe có khả năng sẽ bị cấm lái suốt đời. Đáng chú ý, ở Đức bộ quy tắc về sử dụng rượu bia và an toàn giao thông được áp dụng với cả ô tô lẫn xe đạp.
Tại một số quốc gia khác, việc xử phạt về vấn đề này còn mở rộng cả về đối tượng và hình thức. Ở Malaysia, nếu tài xế bị kết tội lái xe say rượu với nồng độ cồn vượt quá mức cho phép (trên 0,05%), vợ hoặc chồng của người đó cũng có thể bị phạt tù (tùy theo mức độ nghiêm trọng). Tại Pháp, sẽ bị cấm lái xe nếu không lắp thiết bị theo dõi nồng độ cồn EAD trong ba năm tiếp theo.
Trong khi đó ở Anh, người từng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe còn gặp nhiều rắc rối và rất khó để được nhập cảnh vào các quốc gia khác ở châu Âu hay Mỹ. Còn ở Australia, người lái xe khi say rượu (với nồng độ cồn vượt quá 0,05%) có thể sẽ bị phạt tù và bị nêu tên trên báo.
Mỗi nền văn hóa khác nhau lại có cách thức khác nhau trong việc quy định, xử lý những hành vi vi phạm nồng độ cồn. Vậy tại Việt Nam, vấn đề vi phạm nồng độ cồn được xử lý như thế nào?
Mới đây, sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố kết quả kỳ họp. Trong đó, có nội dung nhất trí quan điểm cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vấn đề này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận với những ý kiến khác nhau.
Thống kê 9 tháng đầu năm, trong tổng số các vụ TNGT xảy ra, có hơn 222 vụ tai nạn giao thông; 99 người chết; 168 người bị thương… nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe đã sử dụng rượu bia. Tình trạng lái xe khi đã sử dụng nồng độ cồn vẫn diễn ra phổ biến… Mặc dù lực lượng CSGT thường xuyên lập chốt xử lý. Đa số ý kiến cho rằng, khá khó để trông chờ vào ý thức tự giác của người tham gia giao thông, mà phải siết chặt hơn nữa bằng cách hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về trật tự ATGT… Việc cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu/ hơi thở có nồng độ cồn là hoàn toàn đúng, mở rộng hơn so với quy định tại luật Giao thông đường bộ hiện hành và thể hiện sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta. Quan trọng hơn cả, nó nâng cao đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.
Ngược lại, cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự không đồng thuận. Trên thực tế, Nghị định 100 khi có hiệu lực, phạt đến 40 triệu nhưng vẫn có người vi phạm. Không những vậy, mỗi người lại có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi sử dụng rượu, bia… Do đó, cấm tuyệt đối nồng độ cồn có khả thi và hợp lý hay không?
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về việc quy định nồng độ cồn bằng 0 là chưa phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, quy định cấm tuyệt đối là cần thiết, bởi quy định sẽ giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành, hình thành thói quen từ chỗ bị phạt… sang tự giác không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia mà thay vào đó có thể sử dụng các phương tiện công cộng khác.
Một lần nữa, chiến dịch xử lý thật mạnh hành vi điều khiển phương tiện mà trong người có nồng độ cồn lại được triển khai mạnh mẽ, sau hơn 4 năm Nghị định 100 ra đời. Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia có thể sẽ kéo giảm nhưng nhìn về lâu về dài, ý thức và sự tự giác tuân thủ, chấp hành luật của người dân mới chính là yếu tố cốt lõi để đảm bảo trật tự ATGT một cách bền vững.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-nen-cam-tuyet-doi-nong-do-con-207111.htm