Có nên cho con mang tiền đến lớp?

Vào đầu năm học, vấn đề 'có nên cho con mang tiền đi học' đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người thì cho rằng không nên cho con mang tiền đến lớp; người khác lại bảo rằng nên; người cho rằng nên dạy con cách quản lý tài chính cá nhân. Ai cũng có lý do riêng của mình. Vậy, quan điểm của bạn là gì?

Tôi có hai cô con gái năm nay 18 tuổi và 9 tuổi. Con gái lớn đang học năm thứ nhất ngành Tâm lý học Trường Đại học Eramus Rotterdam (Hà Lan), con gái nhỏ đang học lớp 4A3, Trường Tiểu học IQ. Qua 18 năm nuôi con, tôi đều áp dụng một công thức chung và thu được hiệu quả khá tốt đó là dạy con cách quản lý tài chính cá nhân từ khi con học lớp 1 và cho con mang tiền đến lớp tùy theo độ tuổi.

Bởi lẽ, quá trình dạy con quản lý tài chính cá nhân không chỉ đơn giản là dạy con kỹ năng sống, mà còn là quá trình truyền tải cách thức sống cho con một cách vô hình. Tôi luôn cho con quyền được kiểm soát số tiền mình quản lý và chịu trách nhiệm về những quyết định mình đưa ra. Như thế, con mới hiểu và có ý thức hơn trong việc quản lý tiền mình làm chủ.

Nguồn tiền con có được đa phần là tiền lì xì vào mỗi dịp Tết, tiền con được thưởng trong những kỳ thi, tiền được người thân trong gia đình thưởng mỗi khi con đạt thành tích đặc biệt trong học tập. Tất cả số tiền con nhận được, tôi đều dạy con ghi chi tiết vào nhật ký chi tiêu Excel, ghi rõ số tiền, ai là người cho con tiền, cho vào ngày tháng năm nào.

Khi con chưa đủ 15 tuổi thì tôi sẽ mở một tài khoản tiết kiệm riêng cho mỗi đứa. Khi con gái lớn tròn 15 tuổi được phép làm căn cước công dân, được quyền mở tài khoản, thẻ ATM, thẻ VISA, tôi đã dẫn con ra ngân hàng để làm. Tôi hướng dẫn con cách sử dụng, quản lý tài chính dù số tiền rất nhỏ. Sau mỗi dịp có tiền, con lại mang tiền ra ngân hàng gửi vào tài khoản hoặc đưa tiền mặt cho mẹ để đổi lấy tiền mẹ trả vào tài khoản cho con. Rồi con tự mở sổ tiết kiệm online trên ứng dụng của ngân hàng trong điện thoại.

Tôi thấy rằng, việc dạy con quản lý tài chính cá nhân từ khi học tiểu học là vô cùng cần thiết. Con được trải nghiệm ý nghĩa của sự tích trữ, tiết kiệm; con hiểu rằng tiền không chỉ được dùng để chi tiêu, mà còn được đầu tư để gia tăng giá trị; con biết cách san sẻ, yêu thương: Tôi khuyến khích con sử dụng một phần tiền tiết kiệm để làm thiện nguyện.

Việc làm này giúp các con hiểu rằng tiền không chỉ là công cụ, nó không chỉ đáp ứng một nhu cầu cuộc sống của con người, mà còn có thể mang lại hạnh phúc cho những người khác, thông qua việc cho đi. Khi con gái nhỏ học lớp 3, nghe thấy chị gái nói muốn xin mẹ mua giá sách mới. Con đã chủ động đề nghị rút tiền tiết kiệm của con để mua tặng chị giá sách chị thích.

Ngoài ra, dạy con cách quản lý tài chính cá nhân cũng chính là dạy con đối mặt với sự thay đổi của cuộc sống. Khi con làm chủ đồng tiền chúng có, chúng cũng sẽ dễ dàng làm chủ cuộc sống của chính mình. Bài học về tính tiết kiệm và thói quen tích lũy cho tương lai cần được bố mẹ vun bồi trong nếp sinh hoạt của con trẻ. Việc sử dụng tiền tiết kiệm là một cơ hội để các con thực hành bài học đó.

Cha mẹ nên dạy con để con hiểu được rằng: Không nên phung phí tiền bạc mà hãy phát triển thói quen tiết kiệm tiền. Phần tiền này có thể trở thành tiền đóng học phí khi con đi học đại học hoặc có thể trở thành quỹ khẩn cấp cho một số trường hợp nhất định. Tóm lại, phần tiết kiệm này là sự tự tin tài chính cơ bản của bạn dành cho con.

Trong thực tế tôi được biết, nhiều giáo viên nói đến sự rắc rối của việc cha mẹ cho con tiền đi học: Các em mua đồ ăn thức uống thiếu an toàn thực phẩm, ăn vặt trong giờ học, mua đồ chơi chơi trong giờ học, tình trạng mất cắp tiền... Có những học sinh mang số tiền mệnh giá lớn, giáo viên “điều tra” thì các em khai là lấy cắp của cha mẹ.

Vì vậy không ít giáo viên muốn cấm các em đem tiền đến lớp. Việc nên hay không nên cho con mang tiền đến lớp, giữa nhà trường và phụ huynh có những quan điểm, lý lẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Môi trường học tập, phương pháp định hướng trong việc sử dụng tiền, hoàn cảnh gia đình, cách dạy con tiêu tiền.

Có rất nhiều chuyện đã xảy ra khi những học trò tiểu học sử dụng tiền, thậm chí, có em đem theo một vài trăm nghìn đồng khi đến lớp. Có tiền trong tay, nhiều em thấp thỏm không yên, giờ ra chơi là chạy ngay ra ngoài cổng trường mua đủ thứ, từ thức ăn không hợp vệ sinh đến đồ chơi không rõ nguồn gốc. Nhiều người lo lắng rằng, cho con tiền tiêu sớm sẽ khiến chúng hoang phí, dùng tiền vào những mục đích không tích cực, chơi điện tử hoặc ăn quà vặt.

Cá nhân tôi đồng ý với cô giáo về những rắc rối từ việc học sinh đem tiền khi đi học. Tuy nhiên, tôi có cách nghĩ khác. Chúng ta có thể cấm con lúc này nhưng không thể cấm con lúc khác, không thể cấm con cả đời. Cách tránh được những sự việc không đáng có như trên thì chỉ có cha mẹ dạy con quản lý tài chính từ khi con học tiểu học.

Giáo dục tài chính từ tiểu học sẽ giúp các con hiểu rõ đồng tiền xuất phát từ đâu, giá trị đồng tiền, dần dần hình thành thói quen tiêu tiền đúng mức, chứ không chỉ biết xin tiền bố mẹ. Dạy cho con về quản lý tài chính cá nhân không phải là vấn đề quá to tát mà có thể lồng ghép vào sinh hoạt hằng ngày.

Chẳng hạn, vào đầu năm học mới, cha mẹ đưa con đến nhà sách mua sách vở, đồ dùng học tập, để cho con so sánh giá của từng loại sản phẩm, chất lượng khác nhau và nên chọn mua sản phẩm của hãng nào. Ngày Chủ nhật tôi thường dẫn con đi siêu thị mua đồ ăn cùng, tôi để con tự lựa chọn những thực phẩm mà con muốn ăn, so sánh sản phẩm của các hãng khác nhau, chọn loại có giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng.

Tôi nghĩ rằng, mỗi nhà có một hoàn cảnh riêng, mỗi đứa trẻ có một tính cách riêng, không thể áp dụng máy móc cách của nhà này sang nhà khác và sẽ đạt hiệu quả. Vấn đề là chúng ta phải chọn cách phù hợp với con chúng ta, với hoàn cảnh gia đình của chúng ta nhất. Khi trẻ quá tò mò mà bị ngăn cấm, chúng sẽ ăn trộm tiền để được tiêu tiền như chúng bạn.

Khi trẻ đã có tiền trong tay mà không được định hướng cách sử dụng thì còn nguy hiểm hơn nhiều. Cha mẹ không nên quá lo nghĩ về những điều tiêu cực của việc cho trẻ mang tiền đến trường mà mất cơ hội dạy con hưởng những điều tích cực như cách tiêu tiền, quản lý tiền và mua sắm như thế nào cho hợp lý. Vì vậy, tùy lứa tuổi, chúng ta có thể cho số tiền tương ứng. Các em dùng tiền không chỉ đơn giản là tiêu vặt, mà còn cho nhiều mục đích khác như chăm sóc bản thân, chia sẻ với bạn bè, bày tỏ sự quan tâm với người khác…

Tất nhiên, dạy con tiêu tiền cũng là một bài toán khó. Phải từ từ, giảng giải, để con hiểu làm ra tiền không dễ và biết quý trọng sức lao động. Mỗi lứa tuổi đều có thể có cách dạy phù hợp về đồng tiền. Dạy trẻ cách tiêu tiền cũng chính là dạy chúng học cách làm người, làm chủ bản thân trước sức hút của đồng tiền trong thời buổi hiện nay. Ngoài ra, dạy thói quen quý trọng tiền bạc, chi tiêu có kế hoạch.

Những trẻ em được giáo dục đầy đủ về quản lý và sử dụng tiền bạc sau này thường có khả năng sống tự lập rất tốt, không cần tới sự bao bọc của bố mẹ. Bố mẹ luôn có thể yên tâm hoàn toàn về con mình. Nếu không tin, bạn hãy thử áp dụng phương pháp của tôi thử xem có hiệu quả không nhé. Hy vọng rằng, qua bài viết này có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cùng với các phụ huynh trong việc dạy con quản lý tài chính cá nhân.

TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-nen-cho-con-mang-tien-den-lop-post702828.html