Có nên để cha mẹ sống tuổi già trong viện dưỡng lão?

Gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão là điều nhiều người ngại nói ra. Nhưng đôi khi, đó lại là cách để cha mẹ sống khỏe và con cái yên tâm.

Trong quan niệm Á Đông, con cái chăm sóc cha mẹ già yếu là đạo lý. Thế nhưng, trong guồng quay bận rộn của cuộc sống hiện đại, nhiều người trẻ bắt đầu nhìn nhận lại việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão như một giải pháp thiết thực, thay vì là điều cấm kỵ.

Giữa những tranh cãi về tình, lý và áp lực kinh tế, việc lựa chọn viện dưỡng lão ngày càng trở thành đề tài nóng, đòi hỏi sự thấu hiểu, đồng thuận và cách làm phù hợp để người già được sống an yên, con cháu cũng bớt gánh nặng lo toan.

 Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Khi chăm sóc cha mẹ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là năng lực

Ở Việt Nam, hình ảnh ba thế hệ chung sống dưới một mái nhà đã từng rất phổ biến. Ông bà là người trông nhà, trông cháu, quán xuyến công việc nội trợ, trong khi con cháu đi làm kiếm tiền. Nhưng xã hội thay đổi, mô hình gia đình hạt nhân lên ngôi. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ra ở riêng, làm việc xa quê, hoặc đơn giản là không đủ thời gian, kiến thức và kỹ năng để chăm sóc người cao tuổi vốn nhiều bệnh lý đặc thù.

Không ít trường hợp, cha mẹ già ở cùng nhưng cả ngày chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, bữa ăn qua loa, con cái đi làm đến tối mịt mới về, mệt mỏi, cáu gắt. Lúc này, chữ hiếu chưa chắc đã trọn vẹn, khi chính cha mẹ cũng cô đơn, buồn tủi trong chính ngôi nhà của mình.

Viện dưỡng lão không còn là chốn gửi gắm bất đắc dĩ

Trái với định kiến xưa, mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam hiện nay đã đa dạng hơn, từ các trung tâm công lập giá rẻ đến những viện tư nhân cao cấp với mức chi phí từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương…, nhiều viện dưỡng lão đã có dịch vụ đạt chuẩn quốc tế. Người già được ở phòng riêng hoặc phòng tập thể sạch sẽ, được phục vụ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, có bác sĩ theo dõi sức khỏe định kỳ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Đặc biệt, họ có môi trường giao tiếp, kết bạn, tham gia sinh hoạt cộng đồng như hát hò, tập dưỡng sinh, vẽ tranh, trồng cây.

Một số viện dưỡng lão còn tổ chức các buổi gặp gỡ gia đình, cho phép con cháu đến chơi, cùng ăn cơm, thậm chí ngủ lại để gắn kết tình cảm.

Khi nào nên và không nên?

Trường hợp nên cân nhắc

Cha mẹ cao tuổi, sức khỏe yếu, cần chăm sóc y tế thường xuyên, nhưng gia đình không có người túc trực 24/24.

Con cái đi làm xa, không thể về thăm nom thường xuyên.

Nhà chật chội, không có không gian riêng cho người già nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

Cha mẹ đồng thuận, muốn có môi trường bạn bè cùng lứa tuổi để trò chuyện, sinh hoạt.

Trường hợp không nên

Cha mẹ còn khỏe mạnh, minh mẫn, gắn bó sâu nặng với gia đình, làng xóm, việc đưa đi viện dưỡng lão có thể khiến họ tổn thương tinh thần.

Gia đình không đủ tài chính để chi trả cho các dịch vụ dưỡng lão chất lượng.

Viện dưỡng lão không đảm bảo uy tín, điều kiện sống kém, đội ngũ chăm sóc thiếu chuyên nghiệp.

Nỗi sợ mang tên tiếng đời

Một lý do lớn khiến nhiều người vẫn ngần ngại gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão chính là sợ miệng thiên hạ. Dư luận thường gắn viện dưỡng lão với câu chuyện con cái vô trách nhiệm, bất hiếu, bỏ cha mẹ cho người dưng trông nom.

Thực ra, quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch, đồng thuận giữa cha mẹ và con cái. Nhiều người già bây giờ cũng thay đổi tư duy, họ sợ trở thành gánh nặng cho con cháu, sợ con nghỉ việc chăm mình sẽ khổ cả gia đình nhỏ. Với họ, viện dưỡng lão không còn là “nơi chờ chết” mà là chốn nghỉ ngơi, được quan tâm bởi những người có chuyên môn.

Những lưu ý khi chọn viện dưỡng lão

Để cha mẹ an tâm, con cái cũng bớt day dứt, cần cân nhắc kỹ khi chọn nơi gửi gắm:

Tham khảo kỹ thông tin, đến tận nơi khảo sát: Xem cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ.

Chọn viện gần nhà: Tiện cho việc thăm nom thường xuyên, tránh cha mẹ cảm giác bị “bỏ rơi”.

Hỏi ý kiến cha mẹ: Nếu cha mẹ không đồng ý, không nên ép buộc. Quan trọng nhất là sự tự nguyện và thoải mái tinh thần.

Tìm hiểu mức phí rõ ràng: Tính toán lâu dài để tránh gánh nặng tài chính.

Viện dưỡng lão không thay thế được tình cảm gia đình

Dù viện dưỡng lão tốt đến đâu cũng không thể thay thế hơi ấm của con cháu. Cha mẹ cần được chăm sóc về y tế, nhưng cũng cần được yêu thương, trò chuyện, chia sẻ như những người thân thuộc.

Vì vậy, nếu đã quyết định gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, con cháu càng nên dành thời gian thăm nom, đưa cha mẹ về nhà chơi dịp cuối tuần, lễ Tết… Một chuyến thăm bất ngờ, một bữa cơm sum họp đơn giản cũng đủ để người già cảm thấy mình vẫn là một phần quan trọng trong gia đình.

Chọn gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão không phải là trốn tránh trách nhiệm, càng không phải là tội lỗi nếu làm đúng cách. Đó có thể là giải pháp phù hợp để người già được chăm sóc tốt hơn, an toàn hơn trong một xã hội đang đổi thay từng ngày.

Trương Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/co-nen-de-cha-me-song-tuoi-gia-trong-vien-duong-lao-post1554161.html