Có nên 'độ' logo trên vô lăng xe hơi?
Việc độ logo vô lăng xe hơi đang được nhiều người lựa chọn để làm đẹp cho khoang cabin nhưng ẩn sau đó là hậu quả khó lường ít ai biết.
Các hãng xe và chuyên gia đã khuyến cáo vô lăng là nơi có hệ thống túi khí, do vậy tài xế không độ logo hoặc để bất cứ đồ vật, đồ trang trí nào tại nơi này, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.
Thời gian gần đây, nhiều người thích gắn logo lên vô lăng. Việc trang trí cho xế hộp của mình những món đồ sang chảnh này là nhu cầu của tất cả những ai sở hữu những chiếc xe xịn.
Nhiều nhân viên đăng kiểm xe cho biết, trong hạng mục kiểm tra của các trung tâm kiểm định đều có các yêu cầu về hình dáng, kích thước xe...
Ngoài ra, những quy định này đã được quy định rõ trong các bộ luật. Theo khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Việt Nam, việc độ xe gây mất an toàn và làm thay đổi kết cấu hình dạng ban đầu của xe là chưa được phép từ các cơ quan chức năng.
"Mặc dù việc độ logo trên vô lăng không làm thay đổi kết cấu hình dạng xe ban đầu nhưng để lại nhiều hậu quả nguy hiểm", một cán bộ đăng kiểm nói.
Túi khí bên trong ô tô luôn có một lượng nhỏ thuốc nổ nên lực bung rất mạnh. Chính vì vậy, những cảnh báo không để đồ vật trang trí trên bảng táp - ô đã được đưa ra để tránh đồ vật bay về phía người ngồi trên xe gây sát thương.
Mạng xã hội từng chia sẻ rầm rộ cảnh báo về việc độ/gắn logo trên vô lăng. Cụ thể, ảnh chụp bên trong một chiếc Mercedes-Benz bị bung túi khí sau khi gặp tai nạn và miếng kim loại gắn trên logo bật tung và ghim thẳng vào cửa xe, điều này cho thấy lực bắn của miếng kim loại rất mạnh.
Phân tích kỹ hơn về trào lưu độ xe, luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay, có một số kiểu dáng độ xe như độ bodykit, thay tem xe; độ mâm, vỏ ô tô; độ pô xe, đèn xe, âm thanh, nội thất; công suất động cơ; một số loại cảm biến, hệ thống dẫn đường, kiểm soát hành trình, camera…
Chủ phương tiện giao thông có thể bị xử phạt nếu độ xe làm thay đổi kích thước xe, không nhận diện được loại xe ban đầu.
Theo điểm a khoản 9, điểm i khoản 14 và điểm b khoản 15 Điều 30 Nghị định số 46/2016 quy định chủ phương tiện vi phạm bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ ô tô tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo Luật sư Hồng, việc độ xe mà không được sự cho phép của cơ quan chức năng, chủ xe còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện 1-3 tháng.
Ngoài ra, chủ xe bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-nen-do-logo-tren-vo-lang-xe-hoi-ar828887.html