Có nên dồn sức vô địch AFF Cup bằng mọi giá?

Đã từng có thời điểm AFF Cup là mục tiêu, khát khao lớn, đến nỗi ám ảnh những nhà làm chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam. Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể xem đây là nơi để dồn toàn lực kiểu 'một mất một còn', dù rằng cũng không thể lơ là với nó.

Việt Nam đã vô địch AFF Cup, giờ phải hướng mục tiêu ra sân chơi châu lục. Ảnh: Độc Lập

AFF Cup như một “World Cup thu nhỏ” của các quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy sân chơi này đã từng làm tiêu tốn rất nhiều “nội lực” của các quốc gia trong khu vực. Thái Lan, Singapore từng dốc sức để ghi dấu ấn và trở thành 2 quốc gia giàu thành tích nhất giải đấu này. Việt Nam từng nhiều lần dồn toàn lực, quyết tâm chinh phục nó bằng mọi giá. Vì vậy khi lần đầu tiên chúng ta giành cúp vô địch năm 2008, cả nước gần như bùng nổ mà âm vang và hương vị chiến thắng kéo dài rất lâu sau đó.

Đến năm 2018, khi thầy trò ông Park Hang-seo tái lập thành tích này thì sự hưng phấn của mọi người có vẻ không cao như lần trước. Sở dĩ như vậy không phải vì chúng ta không trân trọng thành quả đó, mà với sự tiến bộ và ngưỡng năng lực dần được nâng lên, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải biết vươn đến những mục tiêu xa hơn.

Tuy nhiên hiện tại, với những khó khăn khách quan từ dịch bệnh, chấn thương, thẻ phạt của nhiều thành viên đội tuyển, lại thêm V-League có thể thi đấu “dồn toa”, nên thật khó để thầy trò ông Park Hang-seo cùng lúc đạt được 2 mục tiêu là bảo vệ chức vô địch AFF Cup và lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khi 2 giải đấu này rất gần nhau. Dù Việt Nam là số 1 Đông Nam Á, cũng đang có thứ hạng FIFA cao nhưng về căn bản, chúng ta chưa đủ lực dàn trải lực lượng để “diễu võ giương oai” ở tất cả các mặt trận.

Các tuyển thủ cần được sắp xếp thi đấu cho hợp lý để không quá tải. Ảnh:Ngọc Linh

Bài học đội U.22 Việt Nam sau khi giành HCV SEA Games đã không thể gặt hái kết quả như mong muốn ở VCK U.23 châu Á 2020 trên đất Thái Lan là một ví dụ điển hình. Các cầu thủ chúng ta không thể đạt điểm rơi phong độ ở 2 giải đấu gần nhau về thời gian nhưng rất khác nhau về bản chất như không gian, đối thủ và cả mục tiêu...

AFF Cup vốn không phải là giải đấu thuộc hệ thống FIFA nhưng suốt một thời gian dài, nhiều quốc gia khu vực đã dành quá nhiều tâm sức cho nó mà lơ đễnh sân chơi châu lục. Thành ra, không phải ngẫu nhiên mà suốt 39 năm từ Asian Cup 1976 đến Asian Cup 2015, các đội bóng Đông Nam Á không làm được trò trống gì, mãi đến năm 2019, Thái Lan vượt qua vòng bảng còn Việt Nam vào đến tứ kết một cách ấn tượng tại UAE.

AFF Cup giờ không phải là ưu tiên đầu của các đội Đông Nam Á. Ảnh: Ngọc Linh

Bây giờ, nhìn sang Thái Lan, Malaysia, thậm chí Indonesia, với những cải tổ mạnh mẽ, với những con người và mục tiêu mới, họ đang phóng tầm mắt vươn xa khỏi Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không thể lạc hậu mà khư khư theo giữ “ngai vàng” ngắn hạn 2 năm 1 lần như AFF Cup.

Thiết nghĩ chúng ta cần mạnh dạn trẻ hóa lực lượng khi tham gia AFF Cup sắp tới. Việt Nam nên xem đây là sân chơi để trui rèn bản lĩnh, phát hiện nhân tài bổ sung cho đội tuyển quốc gia chinh chiến ở các giải đấu tầm cao hơn như Asian Cup và vòng loại World Cup. Nếu không làm như vậy, có thể Việt Nam lại rơi vào cảnh “phú quý giật lùi”, dù rằng chúng ta đã và đang có được trải nghiệm rất ấn tượng ở những sân chơi lớn.

Huỳnh Sang (Thanh Niên)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/745/202005/co-nen-don-suc-vo-dich-aff-cup-bang-moi-gia-5680540/