Có nên gắn camera trong trường học? (*): Camera không giúp chống bạo lực học đường

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, niềm tin phải được đặt lên hàng đầu trong môi trường giáo dục, nếu lắp camera không đúng cách rất dễ ảnh hưởng đến tâm sinh lý cũng như quyền riêng tư của học sinh (HS) và giáo viên (GV).

Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt và sử dụng hệ thống camera giám sát sẽ tạo nên sự nghi kỵ giữa ban giám hiệu với GV, GV với HS, nhân viên nhà trường.

Vai trò hiệu trưởng rất quan trọng

Thực tế, ngành giáo dục chưa có những chế tài xử lý thực sự đủ mạnh để chống tình trạng bạo lực trong trường học. Trong đó, điều quan trọng nhất là nghiệp vụ GV phải chắc, có đạo đức nghề nghiệp.

Ông Lâm Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (TP HCM), cho rằng việc lắp camera trong lớp học là không nghĩ đến cảm xúc của GV, khiến GV cảm thấy bất an mỗi khi đứng lớp. Đã có những trường hợp HS mang điện thoại vào lớp ghi âm lời GV, sau đó chỉnh sửa, bóp méo sự thật gây ảnh hưởng đến GV. "Chúng ta nên tìm những giải pháp để khắc phục bạo lực học đường chứ không thể trông chờ vào camera. Nên đào tạo những kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ trong lớp học cho mỗi GV khi còn là sinh viên sư phạm. Nhà trường phải thường xuyên đến lớp kiểm tra tình hình các buổi học. Đồng thời, ban giám hiệu nhà trường phải quán triệt, hướng dẫn, mở các lớp tập huấn để định hướng GV trong giao tiếp với HS cho đúng mực" - ông Hoàng nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng để có một trường học, lớp học an toàn thì không thể không nhắc đến vai trò của hiệu trưởng. Có bao nhiêu hiệu trưởng đi quan sát các lớp, đến giờ ăn xem HS ăn có ngon không, GV có tâm tư, tình cảm gì? Cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, cho rằng một trường học hạnh phúc, GV hạnh phúc mới tạo ra một lớp học an toàn, hiệu quả. Việc này phụ thuộc rất lớn vào vai trò của hiệu trưởng.

Liên lạc chặt chẽ với phụ huynh

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho rằng nếu các GV và nhà trường thực hiện đúng như Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thì các lớp học sẽ không còn cảnh ngột ngạt, áp lực. Thông tư 22 là cách đánh giá HS theo hướng cá thể, khen thưởng những mặt mạnh của trẻ, GV phải chấp nhận những đứa trẻ với cá tính, sự phát triển, năng lực khác nhau. Trong vụ việc bạo hành trẻ lớp 2 ở trường tại Tân Phú, TP HCM, GV này đã nóng vội khi muốn đồng nhất sự tiếp thu của nhiều đứa trẻ khác nhau theo ý mình, do đó đã tự tạo áp lực lên chính mình và xem HS là nguyên nhân của những áp lực đó.

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam, người có phương pháp dạy con không đòn roi, chia sẻ phụ huynh không phủ nhận việc phạt trẻ, nhưng đừng phạt bằng cách đánh trẻ, đừng biện minh rằng vì lớp học quá đông nên phải dùng những hình thức như thế trẻ mới sợ, nói vậy là đang thừa nhận thua cuộc trước hành vi của trẻ. "Nhà trường nên báo cho phụ huynh nếu trẻ có các biểu hiện như: khó chơi với bạn, bị cô lập… Những điều này rất quan trọng đến sức khỏe tinh thần mà cha mẹ rất khó biết" - chị Điệp nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-10

Nguyễn Thuận - Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-nen-gan-camera-trong-truong-hoc-camera-khong-giup-chong-bao-luc-hoc-duong-20191009213819252.htm