Có nên giao cho Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp?
Ngày 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Bổ sung Kiểm toán Nhà nước sẽ khách quan, chính xác
Nhiều ĐBQH đã nêu quan điểm trước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước vào trong Dự thảo luật khi Dự thảo luật đã bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, đụng chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định và bản thân những người tham gia giám định. Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế cho thấy, mặc dù cơ quan giám định, người có thẩm quyền trưng cầu giám định nhưng giữa các cơ quan vẫn có sự đùn đẩy, né tránh. Báo cáo từ năm 2013 đến năm 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng cũng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy. Do đó nếu Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính sẽ có thêm một kênh để lựa chọn và bản kết luận sẽ mang tính khách quan, chính xác hơn.
Theo ông Học, trong nhiều vụ việc, vụ án xảy ra trong lĩnh vực tài chính, nếu trưng cầu giám định của tài chính liệu có khách quan? Ví dụ cần giám định vụ việc xảy ra tại Bộ Tài chính mà giao cho ngành tài chính giám định sẽ khó có thể khách quan, trong khi kiểm toán và giám định tư pháp đòi hỏi tính độc lập, tính khách quan và tuân theo pháp luật. Vì vậy cần cho phép Kiểm toán Nhà nước tham gia vào giám định tư pháp.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cần thiết phải bổ sung Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định tư pháp vì thực tế cho thấy giám định trong lĩnh vực tài chính, có những trường hợp cán bộ quản lý của các bộ, ngành có liên quan nên dễ dẫn đến trường hợp từ chối, hoặc đùn đẩy, né tránh thực hiện giám định hoặc giám định không khách quan khi trưng cầu bộ, ngành đó. Cho nên, việc có thêm một cơ quan chuyên môn cao như Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc giám định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giám định khách quan, chính xác, kịp thời.
Tuy nhiên theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), nếu bổ sung thêm Kiểm toán Nhà nước sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức. Bởi Đảng có nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan làm, nếu cứ vì khó khăn trong thực tiễn, nói đảm bảo tính độc lập, tính khách quan mà “cơi nới” thẩm quyền thì sẽ không ổn về mặt tổ chức bộ máy.
Không nên bổ sung thời gian giám định
ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, cần giảm thời hạn giám định xuống còn 2 hoặc 3 tháng, bởi nếu như quy định của Dự thảo là từ 3-4 tháng là hơi dài. Đặc biệt trong thời gian bao lâu người giám định cần bàn giao hồ sơ cho cơ quan lưu trữ, cũng như cần xử lý vi phạm với cá nhân, tổ chức trong giám định tư pháp. Theo ĐB Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh), giám định lại trong trường hợp nghi ngờ về kết quả lần đầu thì trưng cầu giám định lần 2 nhưng Bộ luật Hình sự không nêu về kết quả giám định lại lần 2 có được sử dụng hay không? Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát yêu cầu giám định lại thì kết quả giám định đó mới được dùng để giải quyết vụ án, tuy nhiên để giám định theo trường hợp đặc biệt rất khó khăn.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, không nên bổ sung thêm quy định về thời hạn giám định và gia hạn giám định. Bởi theo bà Thủy việc bổ sung quy định này sẽ mâu thuẫn với thời hạn giải quyết án vì thời hạn án dân sự ngắn hơn 3 tháng nhưng luật lại quy định thời gian đến 4 tháng, như vậy còn dài hơn thời hạn chuẩn bị xét xử, hay các vụ án nghiêm trọng thời gian phải trong 1 tháng nhưng luật lại kéo dài đến 4 tháng. Hay như các vụ án gia hạn thời gian phải do Viện Kiểm sát quyết định, chờ gia hạn mới được gia hạn nên sẽ làm chậm vụ án. “Ví dụ còn 10 ngày là hết thời hạn điều tra mà thời gian kéo dài từ 3-4 tháng là quá dài và mâu thuẫn với các quy định hiện hành”- bà Thủy cho hay.
Xóa tư cách chức vụ đối với cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm
Chiều 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 88,2% ĐBQH tán thành. Theo đó, Luật quy định về xử lý kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” đối với cán bộ nghỉ hưu mắc sai phạm trong thời gian công tác.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: UBTV Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, xin được quy định trong luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong Dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng ngày, với 88,41%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.