Có nên giao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài cho tòa khu vực?
Theo chuyên gia, nên giữ nguyên như quy định hiện hành là tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết việc hủy phán quyết trọng tài.
Hôm nay (24-4), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Cơ chế giám sát, hỗ trợ của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài”.

GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: YC
Giải pháp để trọng tài là địa điểm tin cậy
Phát biểu khai mạc, GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trọng tài viên VIAC cho rằng trọng tài VN có phát triển hay không phụ thuộc vào đội ngũ trọng tài, khung pháp lý và vai trò của tòa án. Hội thảo nhằm trao đổi tìm ra giải pháp để trọng tài VN phát triển, là nơi tin cậy để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Nói về vai trò và thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động của trọng tài tại Việt Nam trong bối cảnh thay đổi của dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Nghị quyết thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại VN…, GS.TS Đỗ Văn Đại cho biết ở VN khi một bên không hài lòng với phán quyết trọng tài thì có quyền yêu cầu tòa án hủy. Tuy nhiên trên thế giới, một số nước như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ đã ghi nhận đối với tranh chấp thương mại, các bên có quyền từ bỏ yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài. Họ chọn trọng tài vì tính bảo mật, họ không thích tố tụng tại tòa án và tôn trọng sự thỏa thuận của đôi bên. Đây là một bước tiến đã được luật hóa trong luật của một số nước.
Ở VN hiện nay, Điều 31 dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại VN có quy định về từ bỏ quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài. Cụ thể “các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận từ bỏ quyền yêu cầu tòa án hủy quyết định công nhận hòa giải thành hoặc phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp luật của Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc tế. Tòa án không được giải quyết yêu cầu hủy phán quyết, quyết định của Hội đồng trọng tài khi các bên đã có văn bản thỏa thuận từ bỏ quyền này”. Đây là điểm mới để biến trọng tài trở thành nơi tin cậy.
Tuy nhiên, theo ông Đại, nếu đương sự không có thỏa thuận loại trừ thì tòa án vẫn giải quyết. Trong bối cảnh đang tinh gọn bộ máy như tòa án chỉ còn có 3 cấp là cấp khu vực (cấp thấp), cấp tỉnh (cấp trung) và cấp Tối cao. Dự thảo mới nhất của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND đề xuất giao cho tòa cấp khu vực giải quyết (dự thảo trước đó giao cho tòa án cấp tỉnh). Vậy dự thảo đề xuất như vậy đã phù hợp chưa?
Theo ông Đại, ở Pháp, tòa có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài là tòa án cấp tỉnh. Còn Thụy Sĩ thì chỉ có tòa Tối cao mới có thẩm quyền hủy, tức chỉ có cấp cao nhất mới có quyền hủy phán quyết trọng tài.
"Ở đây không phải vấn đề thủ tục trọng tài đơn giản mà vấn đề pháp lý trọng tài không hề đơn giản, vì vậy nên duy trì vẫn để tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết", ông Đại nêu quan điểm.
Cũng theo ông Đại, vấn đề nữa là hiện nay không có ai giám sát về phán quyết của tòa về trọng tài. Điều này dẫn đến quan điểm giải quyết giữa các tòa án có sự khác nhau nhưng không có cấp trên giám sát, có những phán quyết gặp nhiều ý kiến nhưng vẫn tồn tại.
“Ở Thụy Sĩ thì tòa Tối cao duy nhất có thẩm quyền nên không có tranh cãi, còn ở Anh phải có cấp giám sát ở Tối cao để thống nhất pháp luật, tránh trường hợp mỗi tòa mỗi quan điểm”, ông Đại nêu kinh nghiệm nước ngoài.
Cạnh đó, ông Đại cho biết ở Pháp có bộ phận chuyên giải quyết tranh chấp quốc tế bằng tiếng Anh. "Vì vậy, VN có nên tạo cho tòa thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài, sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Anh và chuyên giải quyết tranh chấp quốc tế hay không?”, ông Đại nêu.

TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: UL
Không nên giao cho tòa khu vực
TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đồng tình là nếu tòa án cấp khu vực (cấp thấp nhất) được giao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài là không phù hợp. Theo ông Hiếu, việc giao việc cho tòa nào không phải dựa trên số lượng công việc mà phải theo chuyên môn. Việc xem xét phán quyết trọng tài giống như bước thứ hai. Do đó, nên phải giữ nguyên như hiện nay là để cấp tỉnh giải quyết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích rằng Luật Trọng tài thương mại tại Điều 68 có quy định về hủy phán quyết trọng tài. Trong đó có quy định phán quyết trọng tài bị hủy do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN. Sau đó, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có hướng dẫn phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật VN. Tuy nhiên dù đã có hướng dẫn nhưng vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến các thẩm phán vận dụng không thống nhất.
Cạnh đó, ông Hậu đồng tình phải có cơ chế giám sát phán quyết của tòa và thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài nên là tòa án cấp tỉnh. Đồng thời, nên bỏ quy định phán quyết của tòa án về trọng tài không bị kháng cáo kháng nghị, điều này tránh được sự tồn tại của phán quyết không hợp lý và phát sinh các vụ kiện bồi thường về dân sự.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: YC
Đào tạo phải có thời gian
Nêu quan điểm cá nhân, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng về thẩm quyền giải quyết phán quyết trọng tài có 2 quan điểm khác nhau là giao cho tòa khu vực và quan điểm ngược lại là giữ nguyên thẩm quyền như hiện nay là tòa cấp tỉnh giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung (Phó Chánh án TAND TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: YC
Quan điểm cho rằng nên giữ nguyên là bởi thủ tục xem lại phán quyết trọng tài rất đặc biệt vừa sơ thẩm mà cũng là chung thẩm. Việc xem xét lại các phán quyết trọng tài đòi hỏi rất chuyên nghiệp, ngày càng khó, giá trị tranh chấp lớn và mang tính đặc thù nên thẩm phán cần rất nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Trong khi đó, để đào tạo đội ngũ này cho tòa khu vực thì phải có thời gian, vậy có kịp để đáp ứng nhiệm vụ mà luật đề ra?
Theo bà Dung, lý do nữa là nếu trao cho tòa khu vực trong khi các trung tâm trọng tài chỉ tập trung ở quận 1 và quận 3 thì chỉ có tòa khu vực đó giải quyết. Điều này sẽ tạo áp lực cho tòa khu vực đó…