Có nên kéo dài việc bán vàng bình ổn?

Chương trình bán vàng bình ổn xem như đã thành công bước đầu khi nhanh chóng thu hẹp được khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Song càng bán vàng bình ổn, cơn khát vàng dường như càng cao...

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, nhu cầu sở hữu vàng của người dân vẫn rất cao. Nhiều người dân vẫn xếp hàng chờ đợi trực tiếp để được mua vàng miếng cùng với đó là chủ động đặt mua vàng online khi các ngân hàng chạy chương trình bán vàng online.

Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn rất cao

Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn rất cao

Sáng ngày 17/6, tài khoản có tên K.T. trên diễn đàn giá vàng đã đặt câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm: “Mua vàng miếng JSC như thế nào cho nhanh?” và nhận được câu trả lời: “Lên tivi mà mua, mua vàng online rất khó vì bị báo hạn mức trong ngày".

Một khách hàng có tên Trần Tuấn Ngọc (Khâm Thiên – Hà Nội) cũng trực tiếp chia sẻ thông tin, các điểm bán vàng đông người xếp hàng chờ mua. "Mua vàng vàng mắt", người này nói.

Để phục vụ nhu cầu của người dân đến thời điểm ngày 17/6 đã có thêm BIDV, Agribank thông báo bán vàng miếng trực tuyến và chỉ giao dịch với khách hàng đặt trước thành công. Như vậy cùng với Vietcombank, hiện 3/4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến để bán vàng miếng SJC.

Chương trình bán vàng bình ổn xem như đã thành công bước đầu khi nhanh chóng thu hẹp được khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Giá vàng trong nước thời điểm tháng 4 năm 2024 cao hơn giá vàng thế giới từ 18 – 20 triệu đồng/ lượng thì nay đã rút ngắn về 5 – 6 triệu đồng/ lượng.

Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong ngày 17/6, giá bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc NHNN Việt Nam (NHNN) phê duyệt là 75.980.000 đồng/ lượng (bảy mươi lăm triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng/ lượng). Cơ quan này vẫn khẳng định tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.

Tuy nhiên cũng có câu hỏi đặt ra, có nên kéo dài chương trình bán vàng bình ổn? Chuyên gia kinh tế - giám đốc công ty luật ANVI – LS Trương Thanh Đức cho rằng, NHNN không cần bình ổn giá vàng mà cần chấp nhận giá vàng lên xuống theo như quy luật thông thường của thị trường.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc của NHNN là không mua bán vàng, không bình ổn giá vàng, không quản lý chất lượng vàng, bỏ việc quản lý vàng miếng, đồng thời hạn chế tối đa việc kinh doanh và giao dịch vàng, bất kể vàng gì, qua hệ thống ngân hàng thương mại. Buông cái gì thuộc về thị trường, xiết cái gì thuộc về ngân hàng.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, thị trường vàng cần minh bạch hơn nữa. Yêu cầu việc kinh doanh mua bán vàng, đầu tư vàng cũng phải có hóa đơn là rất cần thiết,từ đó Nhà nước sẽ thu được thuế, nhất là khi giao dịch vàng thường có giá trị lớn nên càng cần phải minh bạch. Về mức thuế là bao nhiêu thì sẽ phải có sự tính toán để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và những người kinh doanh, mua bán vàng.

Quan trọng hơn, nhiều chuyên gia còn khẳng định, các giải pháp về bán vàng bình ổn, hay trước đó nữa là đấu thầu vàng chỉ là những biện pháp tình thế để trị cơn nóng sốt thị trường vàng. Thị trường vàng muốn đi vào ổn định dài lâu phải sửa đổi nhanh Nghị định 24/2012/NĐ-CP ( Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Thị trường vàng là một bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính tiền tệ. Cơ quan quản lý thị trường vàng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chỉ đạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; trong đó có việc tiếp tục củng cố quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước bao gồm ngoại tệ và vàng, hạn chế tình trạng đô-la hóa và vàng hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam…

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nghị định 24 nhấn mạnh một số nội dung quan trọng, như NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, nên thương hiệu vàng SJC trở thành thương hiệu vàng duy nhất và thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Việc sản xuất vàng miếng chỉ được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần. Hơn nữa, Nghị đinh 24 đã thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng; quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động sản xuất mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ…

Với những quy định nêu trên và quá trình thực thi cho thấy, từ khi có Nghị định 24 thì thị trường vàng trong nước đã ổn định, không còn “cơn sốt” giá vàng và vàng không còn là công cụ thanh toán trong nền kinh tế. Tuy nhiên đã qua hơn 10 năm thực hiện, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp và cần phải thay đổi.

H.H

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-nen-keo-dai-viec-ban-vang-binh-on-10283531.html