Có nên khai thác Casino để chống 'chảy máu' ngoại tệ?
Trước thực trạng 'chảy máu' ngoại tệ qua các ổ cá cược đỏ đen bất hợp pháp, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc lĩnh vực này phải được quản lý bởi một tổ chức để mang về cho ngân sách vài tỷ USD mỗi năm.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé. Đây là lĩnh vực có dư đại phát triển lớn, theo một số chuyên gia nếu được khai tác tốt có thể đóng góp cho Nhà nước vài tỷ USD mỗi năm. Đồng thời tránh “chảy máu" ngoại tệ qua các ổ cá cược đỏ đen bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi Casino ở nước ngoài.
Có nên khai thác Casino để chống “chảy máu” ngoại tệ?
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với nước ta là làm thế nào để khai thác được dư địa của ngành vui chơi giải trí có thưởng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, vừa đảm bảo được an ninh trật tự xã hội, tránh được tác động xấu do đam mê quá thể dẫn đến tệ nạn cờ bạc ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Đánh giá thực trạng này, GS -TSKH Nguyễn Mại đã trích dẫn một số quan điểm và mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Theo đó, 5 quan điểm mà giáo sư nhấn mạnh gồm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước; Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng; Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu; Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó có hai mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp và đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Song song với đó, GSTS Nguyễn Mại cũng đã khái quát lại thực trạng ngành Du lịch Việt Nam 2019 với kết quả đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt khoảng 720 nghìn tỷ đồng (khoảng 31 tỷ USD); được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Theo Tổng cục Du lịch, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch, hạ tầng dịch vụ du lịch cải thiện, hình thành nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế. Tính đến cuối năm 2019 cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao.
Tuy nhiên du lịch Việt Nam cũng có nhiều điểm cần khắc phục như quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế, phát triển về số lượng nhưng chưa coi trọng chất lượng, hướng dẫn viên còn yếu và thiếu,…
Ngoài ra, theo GS Nguyễn Mại, dịch Covid- 19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó du lịch là ngành chịu tác động lớn nhất, dự báo nếu du lịch quốc tế được khôi phục vào tháng 8 thì thể đón được khoảng 6 đến 7 triệu lượt khách quốc tế, bằng 40% năm 2019, nếu vào tháng 10 thì chỉ đón được khoảng 5 triệu lượt, chỉ đạt 1/4 mục tiêu của năm 2020.
Do vậy, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, GS Nguyễn Mại cho rằng, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino.
Dẫu vậy, dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã được cấp phép đã đi vào hoạt động lĩnh vực này nhưng kết quả còn quá khiêm tốn, gây lãng phí vốn đầu tư, nguồn nhân lực vì không khai thác có hiệu quả tiềm năng đã có.
Theo ông, nguyên do một phần vì nhận thức và quan điểm coi là lĩnh vực “nhạy cảm” có liên quan đến cờ bạc không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội mà chưa có cách tiếp cận đa chiều.
Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp có liên quan đến Du lịch kết nối Văn hóa - Thể thao - Giải trí còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của lĩnh vực này.
Ngoài ra, chưa có tổ chức xã hội để liên kết các doanh nghiệp hoạt động Du lịch kết nối Văn hóa - Thể thao - Giải trí để chia sẻ thông tin, hợp tác quảng bá du 6 lịch, trao đổi kinh nghiệm để trở thành một thị trường được hợp tác cùng có lợi.
“Cần có một tổ chức xã hội để những doanh nghiệp tham gia ngành này có thể hợp tác, điều chỉnh để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đây là vấn đề cần thiết, và chúng tôi sẽ tổ chức một hiệp hội nhằm thu hút các doanh nghiệp, kết nối để hoạt động vui chơi giải trí trở nên mạnh mẽ hơn”, GS Nguyễn Mại nói.
Ngoài ra, GS Mại cho biết, nguyên nhân kết quả thu về còn khiêm tốn là do chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng. Trong khi ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, bên cạnh đó, tổ chức và cơ chế quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này còn khá bất cập.
“Tôi nghĩ đã đến lúc cần coi đây là lĩnh vực mà nếu được quản lý bởi một tổ chức đủ mạnh thì có thể khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19”, GS Nguyễn Mại đề xuất.