Có nên khởi nghiệp trên những ý tưởng cũ?
Khởi nghiệp trên những ý tưởng cũ là vịn vào tăng trưởng để tăng cường thêm những sinh hoạt đã chứng minh là khả thi!
Trường hợp kinh điển và sớm thành công nhất là khởi nghiệp trên những ý tưởng cũ!
Cũ ở đây có nghĩa là “có người đã làm, đã thành công”. Vậy, tại sao lại đi bắt chước làm chi? Lý do là vì xã hội vẫn tăng trưởng, dân số vẫn tăng, thu nhập của người Việt Nam đang bắt kịp những xã hội trung bình tại những quốc gia lân cận, nhu cầu tiêu thụ bùng nổ, và nhất là hiện tượng đô thị hóa đang tăng tốc.
Từng nấy thứ tăng trưởng cùng nhau thì chỉ vài năm nữa thành phố sẽ thiếu siêu thị, thiếu xe hơi để đi, thiếu máy bay để chở khách du lịch, thiếu quán cà phê để ngồi, thiếu bánh mì và thiếu cả trứng để ăn sáng... nếu như không có sự đầu tư mới từ những cá nhân muốn khởi nghiệp!
Khởi nghiệp trên những ý tưởng cũ là thế, vịn vào tăng trưởng để tăng cường thêm những sinh hoạt đã chứng minh là khả thi! Kiểu khởi nghiệp này chứa phần rủi ro rất nhỏ, do bạn sẽ tính được trước vốn và có thể dự kiến lợi nhuận một cách chắc chắn. Một ý tưởng phụ cho cách nhìn cũ này là làm mới những cái cũ. Ta làm cũ thì đã đành, nhưng ta sẽ điều chỉnh theo đúng thời trang, đúng khát vọng của những thế hệ mới trưởng thành.
Những nhãn hiệu như “The Coffee Bean” hay “Starbucks” là gì nếu không phải là một chuỗi tiệm cà phê đơn thuần. Có gì mới lạ? Hai thương hiệu này đã sáng chế ra một phong cách tiêu thụ mới với những thức uống mới và cách thu tiền hoàn toàn khác.
Không thể nào phủ nhận rằng ý tưởng đi bắt chước cái cũ là mở quán cà phê không mang chút sáng tạo nào, nhưng khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, quán cà phê cứ thay phiên nhau mọc lên như nấm. Rõ ràng chẳng cần ý tưởng mới mẻ gì lắm để khởi nghiệp.
Một ý tưởng khởi nghiệp khá dễ dàng nữa là bán lại những sản phẩm hoặc dịch vụ mà người khác sản xuất, nhưng tạo thêm giá trị gia tăng.
Một trong những công ty gia đình khởi nghiệp thành công mà tôi đã “nắn nót” khuyên nhủ ngay từ lúc còn trong trứng nước chỉ đơn thuần là một công ty chuyên về thẩm mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyện chẳng có gì ghê gớm hết.
Tôi chỉ chia sẻ với chủ nhân những nhận xét đơn giản như sau: “Đã đến thời kỳ mà xã hội trung lưu Việt Nam bắt đầu có tiền, việc thích ăn ngon sẽ dần dần nhường chỗ cho nhu cầu chăm sóc sắc đẹp, điều này có nghĩa là thời kỳ của ngành làm đẹp, thẩm mỹ sẽ lên ngôi.
Người dân, cho dù không rộng rãi trong chi tiêu, nhưng ngày nay, họ sẽ trả giá cao để làm đẹp. Nhu cầu làm đẹp sẽ vượt cả nhu cầu sức khỏe. Do đó, chúng ta phải nhắm vào những sản phẩm cao cấp, nhưng không quá xa xỉ, và chúng ta nhất thiết phải tránh đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ rẻ tiền.”
Doanh nghiệp tôi tư vấn chẳng chế ra một sản phẩm mới nào, họ chỉ mua đi bán lại, nhưng họ đã nghe tôi khi chọn lọc những sản phẩm cao cấp với giá phải chăng. Thêm vào đó, người chủ là một tay cừ về nghề tóc, có chứng chỉ “Cây Kéo Vàng” nên lời khuyên của họ vô cùng giá trị.
Không ngờ rằng, chủ nhân không những đón đúng trào lưu mà còn nhanh chân hơn người khác. Nay công ty gia đình nói trên thành công trên cả ý muốn. Họ đã khởi nghiệp mà không sáng chế ra cái gì, họ chỉ đón đầu một khuynh hướng tất yếu của thị trường, rồi đơn thuần mua đi bán lại những sản phẩm có sẵn.
Hai ví dụ hùng hồn nhất về “khởi nghiệp do sự đổi mới cái cũ” là Grab và airbnb. Người ta đã viết nhiều về đề tài này rồi. Nhu cầu di chuyển bằng taxi thì cũ rích, đã có từ hơn hai, ba trăm năm. Nhu cầu mướn nhà hay những cái gì khác qua báo chí viễn thông và rao vặt đã có từ lâu, ít nhất từ những năm 50 thế kỷ trước.
Tuy nhiên Grab và airbnb đã đổi mới (innovate). Họ đã chế ra sản phẩm mới từ một nhu cầu cũ rích, họ đã dùng mọi vật liệu và công nghệ mới sớm hơn mọi người để chiếm một thị trường mới với một dịch vụ mới, hiệu quả hơn, chính xác hơn, an toàn hơn, và tất nhiên phải rẻ hơn. Chỉ có thế, họ đã chiếm thị trường cái rụp.
Tại nhiều quốc gia, những phản ứng khoa học và pháp lý để chống trả sự cạnh tranh do Grab hay Uber rất gay go. Chỉ vỏn vẹn trong vài năm, Grab và airbnb đã trở thành những doanh nghiệp có giá trị cao. Giới ngân hàng rất ưa thích những doanh nghiệp làm mới những nhu cầu kinh điển, vì không thể chối cãi rằng rủi ro không cao khi ngân hàng cho họ vay tiền.
Nguồn Znews: https://znews.vn/co-nen-khoi-nghiep-tren-nhung-y-tuong-cu-post1460987.html