Có nên lắp thanh cân bằng cho ô tô mới mua?
Các hãng sản xuất xe có nhiều lý do để không trang bị thanh cân bằng cho ô tô.
Đầu tiên là về mặt giá thành. Với chi phí khoảng 100 USD cho mỗi xe thì có vẻ không nhiều, nhưng nếu là 1.000 hay 10.000 xe thì chi phí sẽ rất cao.
Điều thứ hai là thanh cân bằng dù mang đến giác lái chắc chắn hơn khi vào cua sẽ làm giảm đi sự êm ái và khiến xe rung hơn.
Vì vậy, các mẫu xe phổ thông chủ yếu hướng đến sự thoải mái và nhu cầu di chuyển hàng ngày thường không được trang bị thanh cân bằng. Chỉ các mẫu xe hướng đến cảm giác lái như BMW, Porsche hay siêu xe như chiếc Aston Martin DB11 sẽ được trang bị sẵn thanh cân bằng từ lúc xuất xưởng.
Thanh cân bằng là một dạng gia cố khung gầm. Khi vào cua, thân xe thường có xu hướng bị nghiêng ra phía bên ngoài góc cua bởi lực ly tâm. Điều này tạo nên sự vặn xoắn khung gầm, làm cho 2 bánh xe (trước/sau) trong cua bị giảm độ bám đường do trọng lượng của xe đã dồn lên 2 bánh (trước/sau) ngoài cua.
Lúc này, thanh cân bằng sẽ liên kết hai bánh xe trên cùng một cầu (cầu trước/sau) nhằm giảm bớt sự chênh lệch ở bánh xe trong và ngoài cua. Từ đó cân bằng lại độ bám đường của các bánh xe trong và ngoài cua, vì 4 bánh xe đều có độ bám đường vẫn tốt hơn chỉ có 2 bánh bám đường.
Thanh cân bằng làm tăng cảm giác lái mà cụ thể là sự vững chắc của thân xe khi vào cua, từ đó tạo nên cảm giác sai lệch của tài xế về sự bám đường của với chiếc xe của mình.
Thanh cân bằng có cải thiện độ bám đường nhưng rất ít và nó không thể biến chiếc xe phổ thông thành siêu xe với sự thiết kế đặc trưng từ khung gầm dành cho việc vận hành ở tốc độ cao. Đó chính là mấu chốt phân biệt giữa xe sang ưu tiên cảm giác êm ái dễ chịu và xe thể thao rất xóc nhưng cho sự vận hành ở tốc độ cao tuyệt vời.
Bên cạnh đó, các mẫu xe phổ thông đa phần sử dụng hệ truyền động cầu trước, vốn hay gặp phải hiện tượng thiếu lái (understeer) nhưng trong các chủ xe lại chỉ gắn thanh cân bằng vào cầu trước (dưới nắp capo) mà không trang bị cho cả cầu sau. Việc này làm cho khung xe phía trước cứng hơn, không còn sự mềm mại và làm tăng hiện tượng thiếu lái lên cao. Và hậu quả là chiếc xe khi vào cua ở tốc độ cao rất khó kiểm soát.
Ngoài các tác dụng về khả năng vận hành và an toàn, việc lựa chọn lắp đặt thêm thanh giằng trước (thường được sơn hoặc mạ) cũng làm tăng tính thẩm mỹ, khiến chiếc xe trông mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn.
Tuy nhiên, đây là phụ kiện nên việc lắp thanh giằng hay không cũng không làm ảnh hưởng đến độ vận hành của xe.
Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, chủ xe nên cân nhắc lắp đặt các loại phụ kiện thêm vào trên xe, vì nếu tốt thì nhà sản xuất đã gắn trên xe.
Mặt khác, về nguyên tắc gắn vào những thiết bị có ảnh hưởng đến kết cấu kỹ thuật mà nhà sản xuất không cho phép thì nhà sản xuất có thể từ chối bảo hành, đăng kiểm có thể từ chối và bảo hiểm cũng có thể từ chối nếu phát hiện những chi tiết lạ trên xe.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-nen-lap-thanh-can-bang-cho-o-to-moi-mua-ar847844.html