Có nên luật hóa Nghị quyết 42?

“Không may cho ngành ngân hàng là triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu được gần 3 năm thì Covid-19 xuất hiện!”, ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nói trong một hội thảo gần đây.

Theo ông Đạt, Nghị quyết 42 đã tháo gỡ những khó khăn nhiều năm của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu; khách hàng cũng tích cực hợp tác trả nợ hơn và ngân hàng có thêm vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nhận xét này hoàn toàn “khớp” với số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho biết, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31.12.2021 đạt trung bình 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, trong khi trước đó các ngân hàng chỉ xử lý được 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng. Số nợ khách hàng tự trả là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93% tổng nợ xấu đã xử lý, kết quả này cao hơn nhiều so với mức 22,8%/năm của giai đoạn 2012 - 2017 khi Nghị quyết 42 chưa có hiệu lực.

Vậy nhưng giờ đây “chuyện xử lý nợ của ngân hàng trong bối cảnh đại dịch thực sự rất khó, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng”, lãnh đạo MB thừa nhận. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu và nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong 2 năm Covid-19 hoành hành. Tại thời điểm 31.12.2021, chất lượng tín dụng được cải thiện, theo đó nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát ở mức 1,49% (giảm so với mức 1,98% tại thời điểm 30.11.2021) do các ngân hàng có xu hướng tăng cường xử lý nợ xấu dịp cuối năm.

Tuy nhiên, nếu đánh giá thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu lên tới 6,31%. Còn theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế do có độ trễ, nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, thậm chí có thể còn cao hơn khi từ năm 2024 quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.

Rõ ràng chất lượng tín dụng của ngân hàng đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn. Và đáng quan ngại là đến nửa cuối năm nay, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho việc xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng. Cụ thể, Thông tư 14 hết hiệu lực từ ngày 30.6. Nếu không được gia hạn thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo thông tư này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu khả năng tăng cao. Hơn nữa, Nghị quyết 42 cũng sẽ hết hiệu lực từ 15.8. Khi đó, toàn bộ cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này cũng sẽ kết thúc. Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ dẫn tới thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ và hiệu quả xử lý nợ xấu.

Thực tế và những rủi ro tiềm ẩn kể trên cho thấy cần thiết phải tạo hành lang pháp lý ổn định để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu. Cụ thể là luật hóa Nghị quyết 42 theo từng bước. Một là, gia hạn áp dụng Nghị quyết 42 đồng thời sửa đổi một số quy định để tháo gỡ vướng mắc trong 5 năm qua. Hai là, xây dựng luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn. Có như vậy mới tránh được tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới tăng nhanh hơn gây bất ổn cho hệ thống các tổ chức tín dụng và toàn nền kinh tế.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/co-nen-luat-hoa-nghi-quyet-42-59q7bxzywv-80987