Có nên 'ôm' vàng để ra Tết kiếm lời?

'Đầu năm mua muối, cuối năm mua vàng' là quan điểm của nhiều người để mong muốn 1 năm may mắn và hiện thực hóa những thành quả trong năm. Với tâm lý đó, nhiều người mạnh dạn 'xuống tiền', trong đó không ít người muốn 'ôm' vàng để ra Tết bán kiếm lời.

Rủi ro cho người "lướt sóng"

Sau một năm thanh toán công nợ, chị Thùy Trang (Hà Nội) có trong tay khoảng 700 triệu đồng. "Số tiền này mua đất thì cũng không đủ, chưa kết bất động sản đang bị kẹt không có thanh khoản, mà gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp quá, nên tôi tính mua ít vàng, để sau Tết bán kiếm chênh lệch, coi như kiếm lộc đầu xuân", chị Trang kỳ vọng và quyết định mang tất cả tiền đi mua vàng. Tuy nhiên, thay vì mua vàng miếng chị lại quyết định mua vàng nhẫn. Theo lý giải của chị, vàng nhẫn hiện có giá thấp và sát với giá thế giới hơn, nên sẽ ít rủi ro hơn khi mua vàng miếng.

Vàng nhẫn được lựa chọn nhiều do sát hơn với giá thế giới.

Vàng nhẫn được lựa chọn nhiều do sát hơn với giá thế giới.

Cũng "nhăm nhe" mua vàng cuối năm để hưởng chênh lệch giá vào đầu năm mới, anh Quang Phú cho biết vừa mua 8 cây vàng. "Tôi theo dõi nhiều năm rồi, giá vàng đa số đều tăng sau kỳ nghỉ Tết, do tính chất mùa vụ, đặc biệt là nhiều người có xu hướng mua vàng đầu năm, nhất là ngày vía Thần Tài ngày 10 tháng Giêng để xin tài lộc, nên thị trường sau Tết giá đều cao hơn trước Tết. Việc mua vàng đón đầu này sẽ giúp đồng tiền nhàn rỗi có thể sinh lời. Nhiều khi, phải "ngược dòng" với mọi người mới có thể kiếm lời, chứ cứ mua bán theo tâm lý đám đông lại "khó ăn", anh Phú phân tích.

Thực vậy theo quan sát của chúng tôi, thị trường vàng những ngày cuối năm vẫn giao dịch khá sôi động. Ngoài những đơn hàng nhỏ lẻ phục vụ mục đích mừng tuổi 1, 2 chỉ vàng nhẫn, vàng trang sức, thì có những đơn hàng lên đến hàng chục lượng vàng. Theo các chuyên gia, vàng luôn là kênh đầu tư dễ hiện thực hóa lợi nhuận nhất bởi tính thanh khoản rất cao. Theo khảo sát ngày 31/1, giá vàng nhẫn ở chiều bán ra là 65,16 triệu đồng/lượng - đây là vùng giá cao nhất từ trước tới nay của tài sản này và đã duy trì ngưỡng cao như vậy được 2 tuần. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá vàng hiện cao hơn khoảng 10 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng chủ yếu theo biến động của thị trường thế giới. Nhưng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế lý giải, giá vàng nhẫn biến động tăng còn do nhu cầu của người dân mua tích trữ vàng cho ngày vía Thần Tài. Theo quy luật của giá vàng của nhiều năm trước, sau Tết Nguyên đán, giá vàng thường có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên khảo sát cho thấy, 2 năm trở lại đây, giá vàng nhẫn thường có diễn biến đi ngang hoặc giảm nhẹ trong ngày vía Thần tài so với thời điểm trước đó. Đơn cử như thời điểm năm 2023, trước Tết Nguyên đán, giá vàng từng có xu hướng nhích nhẹ. Trước ngày vía Thần Tài 3 ngày, giá vàng nhẫn tăng khi bán ra ở mức 56,4 triệu đồng/lượng. Nhưng đến ngày vía Thần Tài, giá vàng lại giảm nhẹ, ghi nhận mức bán ra với giá 55,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, việc mua vàng vào thời điểm này với hy vọng "lướt sóng" lúc ra Tết sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro. "Giá vàng trong nước ở mức cao. Vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất", các chuyên gia đến từ Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu khuyến nghị. Theo đó, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch so với giá vàng SJC trong nước vào khoảng 15,7 triệu đồng/lượng. Chưa kể, bài học lao dốc không phanh của giá vàng vừa qua đã cho thấy sư rủi ro của thị trường kim loại quý. Thêm nữa, NHNN cho biết đang tổng kết và sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Những thông tin này sẽ giúp thị trường vàng ổn định hơn, giá sẽ về sát thế giới hơn - điều này đồng nghĩa với người ôm vàng thời điểm này cũng sẽ rủi ro hơn.

"Mở cửa" kinh doanh vàng tài khoản để hút vốn

Các chuyên gia ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 400-500 tấn, và mục tiêu của chúng ta là không để số vàng này nằm "chết" trong két, mà cần huy động thành nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy, góp ý sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng, TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho rằng, cơ quan điều hành cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược với thị trường vàng là bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, gắn chặt chẽ với thị trường tài chính, mang tính hội nhập và liên thông với thế giới, không thể tách rời. Vị chuyên gia này khuyến nghị cho phép huy động vốn từ 500 tấn vàng trong dân thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ vì đây là loại hàng hóa đặc biệt. "Cần thành lập quỹ tín thác bằng vàng. Chứng chỉ quỹ này có thể được đưa lên sở giao dịch, hoặc tham gia các chương trình phái sinh hiện đại, mới giúp cho quỹ này có vai trò như quỹ bình ổn, giảm áp lực chính sách vĩ mô, góp phần môi trường kinh tế vĩ mô ổn định", ông Đạt góp ý.

Cũng cho rằng đã đến lúc "mở cửa" cho các hình thức kinh doanh vàng, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phân tích: Nếu chúng ta chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua về cất tủ, két ở nhà, thì chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề, thậm chí cần chi phí cho việc bảo trữ. Khi chúng ta có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường. Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi, đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời. "Tôi cho rằng đó là yếu tố hết sức có lợi cho cả phía người dân yên tâm vẫn có vàng nếu muốn dự trữ và cả về phía thị trường, chúng ta điều hành về mặt Nhà nước, quản lý thị trường, bảo đảm quản lý được ngoại tệ. Thêm nữa, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt", GS Cường nhấn mạnh.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/co-nen-om-vang-de-ra-tet-kiem-loi--i722000/