Có nên quy định ngạch thẩm phán dự bị?
Giai đoạn tập sự của công chức không phải là một ngạch công chức; nếu quy định ngạch thẩm phán dự bị thì không phù hợp nguyên lý thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn.
Tại Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW, TAND Tối cao tổ chức lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Bổ sung thẩm phán dự bị để rèn nghề
Một nội dung dự kiến sửa đổi lần này là quy định về ngạch, bậc thẩm phán; chỉ còn thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị. Trong đó, thẩm phán dự bị thực hiện một số nhiệm vụ của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc. Thẩm phán dự bị không được làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.
TAND Tối cao có thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị; tại các tòa án khác có thẩm phán và thẩm phán dự bị.
Đối với ý kiến băn khoăn rằng hiện thiếu thư ký tòa án, còn thêm thẩm phán dự bị làm gì, Chánh án TAND Tối cao giải thích trong 2-3 năm đầu khi được bổ nhiệm thẩm phán, người này không được phép làm chủ tọa phiên tòa nhưng được ngồi trong cánh gà. Mặt khác, công việc của thẩm phán rất nhiều, những việc như hướng dẫn hòa giải, hòa giải… sẽ do thẩm phán dự bị thực hiện.
Theo Chánh án TAND Tối cao, quy định trên là tham khảo kinh nghiệm quốc tế, như Nhật Bản yêu cầu thẩm phán ba năm ngồi bên trái, ba năm ngồi bên phải rồi mới được ngồi ở giữa (chủ tọa). Ngoài ra, theo Chánh án TAND Tối cao thì khó có thể thực hiện công việc của thẩm phán chủ tọa khi vừa được bổ nhiệm thẩm phán…
Cần quy định cho phù hợp nguyên lý thứ bậc
Theo Điều 7 Luật Cán bộ công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức. Khi được tuyển dụng, công chức cần khoảng thời gian tập sự tùy vào ngạch tuyển dụng để xem có quen với công việc không.
Thẩm phán cũng là một công chức, do đó thẩm phán dự bị được coi là một giai đoạn tập sự của công chức. Giai đoạn tập sự, công chức nhìn chung có đủ quyền của một công chức. Tuy nhiên, quy định như dự kiến sửa luật thì thẩm phán dự bị không có đầy đủ quyền của một thẩm phán.
Giai đoạn tập sự của công chức không phải là một ngạch công chức mà là quá trình học để trở thành chính thức, như vậy mới thể hiện đúng yếu tố ngạch. Nếu quy định ngạch của thẩm phán dự bị dưới ngạch của thẩm phán thì không phù hợp nguyên lý thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn.
Có cần quy định kiểm sát viên dự bị? Đối với ngành kiểm sát, một người được tuyển dụng vào ngành, cần năm năm để đủ điều kiện được bổ nhiệm kiểm sát viên. Tuy nhiên, khi mới được bổ nhiệm, kiểm sát viên chưa có kinh nghiệm ngồi phiên tòa lần nào, cũng chưa làm việc với bị can, bị cáo và các đương sự... như thư ký tòa án. Vì vậy, đối với kiểm sát viên thì có cần chức danh kiểm sát viên dự bị không? Ông NGUYỄN THANH KHA, nguyên kiểm sát viên VKSND quận Tân Bình, TP.HCM
Tùy vào kỹ năng sử dụng nguồn nhân lực của từng chánh án trên cơ sở đánh giá mức độ uy tín, sở trường, năng lực của thẩm phán mà chánh án phân công chủ tọa phiên tòa. Nếu quy định thẩm phán dự bị không được làm chủ tọa thì thành ra thẩm phán dự bị không được làm những công việc mà lẽ ra thẩm phán phải được làm.
Trong tố tụng đề cao vai trò của thẩm phán, trực tiếp thực hiện mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các bên. Nếu thẩm phán dự bị trực tiếp làm nhưng lại không quyết được, phải thông qua cấp trung gian để tới người có thẩm quyền là thẩm phán thì sẽ mất thời gian và không sâu sát.
Phải sửa nhiều luật để đồng bộ
Thẩm phán dự bị là người đã đạt được ngạch thẩm phán nhưng lại bị hạn chế nhiều quyền của thẩm phán. Nếu thông qua ngạch thẩm phán dự bị thì sẽ phải sửa rất nhiều luật nội dung liên quan tới thẩm quyền; phải phân định thẩm quyền của thẩm phán và thẩm phán dự bị.
Nhiều phiên tòa, phiên họp chỉ có một thẩm phán thực hiện như phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính, phiên họp áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Các phiên họp này không thể có thêm bất kỳ thẩm phán nào khác. Do đó, nếu có thẩm phán dự bị ngồi kế bên thì cũng chỉ là dự thính mà không quyết được. Nếu đã sửa luật tổ chức tòa án mà chưa thể sửa được luật tố tụng hay các luật nội dung có liên quan đến thẩm quyền của thẩm phán thì các quy định mới sửa sẽ bị treo, không thể thi hành trên thực tế.
Ngoài ra, thẩm phán đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nếu quy định muốn làm thẩm phán thì phải trải qua giai đoạn thẩm phán dự bị được thông qua thì sau khi được bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán dự bị phải qua một bước thể hiện tại chính tòa án nơi mình công tác thì mới có thể trở thành thẩm phán, cho dù họ đã chính thức được Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán.
Biên chế thẩm phán và thư ký có hạn, theo quy định của trung ương các ngành đều phải tinh giản biên chế, khi thư ký được bổ nhiệm thẩm phán dự bị thì thiếu thư ký. Trong khi đó, thẩm phán dự bị không được phụ trách các vụ án, vụ việc... chỉ giúp việc cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa…
Có nhiều cách để nâng cao chất lượng thẩm phán
Đối với một thẩm phán khi mới được bổ nhiệm, việc bồi dưỡng thêm nghiệp vụ chuyên môn và học hỏi thực tiễn xét xử từ những thẩm phán lâu năm để phán quyết một bản án đúng pháp luật là cần thiết.
Hiện nay tiêu chuẩn, chất lượng và điều kiện để được bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ. Như vậy, khi một người được bổ nhiệm thẩm phán và trực tiếp xét xử thì người này cũng đã có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong xử lý hồ sơ, giải quyết vụ án và tham gia xét xử từ thời còn làm thư ký.
Nếu quy định thẩm phán dự bị chỉ để hỗ trợ thẩm phán giải quyết một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử; tham gia xét xử nhưng không được làm chủ tọa phiên tòa thì về bản chất, những công việc này giống như việc họ đã từng làm từ thời còn làm thư ký.
Để nâng cao chất lượng của thẩm phán, nâng cao chất lượng xét xử có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Có thể là tiếp tục nâng cao các tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm một người làm thẩm phán. Hoặc đối với những thẩm phán mới được bổ nhiệm thì tích cực tập huấn để trau dồi, nâng cao kỹ năng xét xử hoặc phân công cho những thẩm phán mới được bổ nhiệm giải quyết những vụ án từ đơn giản đến phức tạp.
Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-quy-dinh-ngach-tham-phan-du-bi-post722040.html