Có nên sống chung với cha mẹ chồng?

Sống với cha mẹ chồng cần có sự nỗ lực từ cả hai phía để có thể giữ hòa khí gia đình. Ảnh minh họa: Internet

Khi xã hội phát triển, tư tưởng của cha mẹ chồng cũng dần trở nên hiện đại và họ có thể là những người tuyệt vời, hỗ trợ rất nhiều cho con cháu. Dù vậy, việc chung sống giữa hai thế hệ dưới một mái nhà có thể phát sinh nhiều mâu thuẫn nên đòi hỏi người con dâu phải có những cân nhắc khi quyết định sống cùng nhau.

Sống chung để học hỏi và được hỗ trợ

Không thể phủ nhận rằng, khi sống chung cùng cha mẹ chồng, các cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng mới cưới thường được nhờ cậy rất nhiều. Họ ít phải lo lắng tới vấn đề cơm nước, dọn dẹp nhà cửa vì đã có ông bà phụ trách; việc ăn uống, ngủ nghỉ sẽ điều độ và khoa học hơn. Thậm chí, cha mẹ ở cùng con sẽ hỗ trợ các khoản chi tiêu sinh hoạt nên các cặp vợ chồng trẻ không phải lo nhiều về kinh tế. Đây là điều cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa đối với những cặp vợ chồng mới cưới, kinh tế còn eo hẹp.

Chị L.H, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa có 3 năm sống cùng cha mẹ chồng trước khi ra ở riêng. Nhà chồng chị H chỉ có 2 anh em. Chồng chị H là con trai lớn hay đi làm xa nhà và dưới có em gái út học đại học ở thành phố lớn mỗi năm chỉ về vài lần. Nhà neo người nên từ khi cưới về, chị H sống cùng cha mẹ chồng và nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình chồng.

Năm đầu về làm dâu, chị H chỉ phụ trách cơm nước vì ba chồng chị đã dậy sớm quét tước nhà cửa gọn gàng. Phần chợ búa, mẹ chồng buôn bán ở chợ nên mua sắm đầy đủ, khi cần mua gì, chị H chỉ cần nói với mẹ. Vì không phải chi tiêu nhiều nên thu nhập của hai vợ chồng chị H chủ yếu để tích lũy và có thể mua sắm tùy thích. Những năm sau, vì bận chăm con nhỏ nên hầu hết việc lớn, việc nhỏ trong nhà, cha mẹ chồng chị H đều đảm trách. Chị H thường dậy trễ, lo cho con ăn uống, đưa đến trường rồi đi làm. Buổi trưa, nếu sắp xếp được công việc thì chị H về nấu cơm, còn không chị ở lại cơ quan. Ở nhà, ba chồng chị đi làm về sẽ tự nấu vì mẹ chồng thường đi chợ về rất trễ. Những hôm chị H có ca trực, ông bà sẽ đón và chăm cháu. Sau 3 năm sống cùng, ngoài số tiền tích lũy, cha mẹ chồng chị H hỗ trợ thêm để chị H xây nhà ra ở riêng bên cạnh ông bà.

Chia sẻ về 3 năm sống chung, chị H cho biết: “Tôi được cha mẹ đỡ đần về kinh tế, hỗ trợ chăm cháu, dạy cách quản lý tiền bạc và cách giải quyết những mâu thuẫn giữa vợ chồng. Tất nhiên, khi sống cùng cha mẹ chồng, tôi biết mình đã nhờ vả ông bà rất nhiều nên luôn cố gắng về sớm nhất có thể để trông con, không ỷ lại vào ông bà. Những ngày nghỉ, tôi sẽ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Tính của tôi hay chi tiêu phung phí, thích gì mua nấy nên thỉnh thoảng mẹ chồng cằn nhằn. Có điều tôi cũng xuề xòa nên khi bị nhắc nhở thì không để bụng mà cố gắng khéo léo hơn trong lời ăn tiếng nói, trong hành xử để giữ hòa khí gia đình”.

Sống riêng để trải nghiệm trọn vẹn

Bên cạnh những ưu điểm khi sống chung với cha mẹ chồng, có nhiều quan điểm cho rằng, khoảng cách giữa hai thế hệ rất lớn cho nên cho dù cha mẹ chồng có tử tế cũng không nên ở chung vì trước sau gì cũng có chuyện bất đồng! Mặt khác, con cái cần ở riêng để biết lo xây dựng gia đình riêng, không thể ỷ lại mãi vào cha mẹ.

Có thể dễ dàng nhận thấy, khi ở ngôi nhà của riêng mình, vợ chồng trẻ có thể ăn, ngủ, nghỉ như thế nào tùy ý; không cần phải e dè mỗi khi về trễ; thoải mái trong ăn mặc và thể hiện tình cảm… Còn khi không ra ở riêng, vợ chồng trẻ sẽ không được trải nghiệm cuộc sống riêng tư, tự lập để qua đó trưởng thành hơn. Ngoài việc không thể cảm nhận cảm giác tự làm tự lo, tự phân chia và quản lý thời gian, công việc cũng như chăm sóc con cái, các cô con dâu còn phải đối mặt với khả năng cao là có những mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu… Vì vậy đôi khi, việc ở riêng, rồi thỉnh thoảng về thăm cha mẹ chồng lại được ông bà quý mến hơn.

Bà L.T.T.N (Chi hội Phụ nữ khu phố Nguyễn Đình Chiểu, phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết, sau nhiều năm làm nhân viên ngân hàng, đến khi về nghỉ hưu, bà không khuyến khích con cái về chung sống với mình sau khi kết hôn mà tạo điều kiện để con ra riêng, trải nghiệm cuộc sống độc lập, chủ động cũng như để bản thân bà có thời gian tận hưởng tuổi già sau nhiều năm làm việc vất vả. Thỉnh thoảng bà N sẽ chăm cháu giúp khi các con bận rộn nhưng vẫn dành nhiều thời gian nghỉ ngơi cho bản thân.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc quyết định chuyện ở chung hay riêng thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví như nếu điều kiện kinh tế của hai vợ chồng chưa cho phép, thì nên sống chung với cha mẹ một thời gian, khi đã chủ động được rồi thì ra ở riêng. Bởi ngày nay, nhiều con dâu không thích sống với mẹ chồng thì cũng có nhiều mẹ chồng không thích sống với con dâu vì thêm gánh nặng cho mình khi phải lo nhiều thứ, chịu áp lực của gia đình con và chăm cháu rất vất vả. Để vừa gần gũi, báo hiếu cha mẹ, lại thuận tiện cho cuộc sống cá nhân, các gia đình trẻ có thể lựa chọn mua, thuê nhà gần nhà cha mẹ mình. Việc ở gần có thể dung hòa giữa riêng, chung hợp lý.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/289149/co-nen-song-chung-voi-cha-me-chong.html