Có nên thả nuôi tiếp?
Giá tôm gần đây đã bắt đầu tăng mạnh và dự đoán sẽ còn ở mức cao cho đến cuối năm 2024. Đây là thông tin được người nuôi tôm chờ đợi nhất, nhưng cũng làm người nuôi tôm đau đầu nhất. Bởi ngoài yếu tố thuận lợi là giá tiêu thụ, còn lại rất nhiều yếu tố khác, từ thời tiết cho đến dịch bệnh, môi trường… đều không ủng hộ cho nghề nuôi.
Thông thường, hợp đồng giao hàng cho nhà nhập khẩu các nước châu Âu hay Bắc Mỹ tập trung mạnh từ giữa tháng 10 cho đến cuối tháng 11, sau đó giảm dần từ tháng 12 cho đến quý I năm sau. Riêng các đơn hàng cho các nước châu Á, như: Nhật, Hàn Quốc… thì vẫn duy trì cho đến hết năm. Do đó, từ tháng 9 trở đi, là thời điểm cuối vụ nuôi nhưng lại là cao điểm của chế biến xuất khẩu, nên thường hay xảy ra tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu và giá tôm tăng cao. Năm nay cũng không là ngoại lệ khi ngay từ cuối tháng 8, giá tôm đã bắt đầu tăng và mức độ tăng ngày càng mạnh hơn trong nửa đầu tháng 10. Theo các nhà máy, hiện nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước đã giảm khá mạnh, trong khi nhu cầu thu mua chế biến xuất khẩu của các nhà máy vẫn khá cao, nên giá tôm chắc chắn sẽ còn tăng thêm và giữ ở mức cao từ nay cho đến cuối năm. Củng cố thêm thông tin giá tôm sẽ còn giữ ở mức cao đến cuối năm, còn có thêm thông tin về tồn kho tại các thị trường lớn đã giảm mạnh và nguồn cung tôm thế giới đã không còn dồi dào như những tháng đầu năm.
Theo báo cáo từ sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tỉnh nuôi tôm lớn như: Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… sản lượng tôm thu hoạch trong 8 tháng đầu năm này đều tăng so với cùng kỳ. Riêng Sóc Trăng, sản lượng tôm thu hoạch đến hết tuần đầu tháng 9 hơn 124.000 tấn và Sóc Trăng hiện đang còn gần 17.000ha tôm chưa thu hoạch. Tuy nhiên, do xuất khẩu tăng mạnh (chủ yếu về lượng) trong 8 tháng đầu năm và cùng với đó là lượng đơn hàng trong các tháng cuối năm khá dồi dào nên tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu đã xảy ra, đẩy giá tôm trong nước tăng lên từng ngày khi các nhà máy bước vào cao điểm chế biến phục vụ các đơn hàng cuối năm. Đó là chưa kể nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng sẽ tăng lên giai đoạn cuối năm, trong khi sản lượng tôm khu vực nuôi tôm phía Bắc và miền Trung giai đoạn này sẽ không nhiều do ảnh hưởng mưa bão và thời tiết lạnh.
Như vậy, có thể thấy, nếu thả nuôi từ nay đến cuối năm, người nuôi tôm sẽ không phải quá bận tâm đến chuyện giá cả, nếu không muốn nói là hết sức thuận lợi trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có khá ít người dám thả nuôi, một phần do độ mặn đã giảm mạnh tại nhiều vùng nuôi, phần khác do dịch bệnh trên tôm vẫn còn dai dẳng và phần còn lại lo ngại chuyện mưa bão dồn dập dịp cuối năm. Có thể thấy, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay tuy khá âm thầm nhưng đã tác động không nhỏ đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi. Theo ghi nhận của người viết, ngoại trừ 4 tháng đầu năm tôm lớn khá nhanh và dễ đạt kích cỡ lớn, từ tháng 5 đến nay, tình hình thả nuôi không mấy thuận lợi mà theo người nuôi chủ yếu là tôm chậm lớn do bệnh phân trắng và EHP.
Hiện các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Một số mầm bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, phân trắng và nhất là nguồn bệnh từ EHP vẫn còn lưu hành tại hầu hết các vùng nuôi, khiến cho vụ tôm nghịch sẽ càng thêm khó. Đặc biệt là tình hình chất lượng con giống không ổn định, con giống còn mang mầm bệnh làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, người nuôi dễ thua lỗ. Hiện nay, các nhà cung cấp giống đang quảng bá giống tôm có sức chống chịu bệnh tốt; các nhà cung ứng chế phẩm nuôi đang khuếch trương sản phẩm phòng trừ bệnh hiệu quả cao… nhưng dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn cứ xảy ra, tôm nuôi vẫn chậm lớn, thì tỷ lệ nuôi thành công vẫn chưa cao như mong đợi.
Mùa tôm đang diễn ra, giá tôm đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tăng, nhưng thời tiết và dịch bệnh trên tôm đã khiến người nuôi nhỏ lẻ do dự, bởi rủi ro còn quá lớn. Nếu thả nuôi ở thời điểm hiện tại gần như chắc chắn đến lúc thu hoạch sẽ bán được giá cao, nhưng cũng đồng thời đánh cược với rủi ro. Hơn nữa, cho dù có chấp nhận mức rủi ro cao, những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng rất khó có cơ hội, do các đại lý ngại đầu tư cho vụ nuôi này. Đây cũng chính là "cơn đau đầu" của người nuôi tôm, bởi “nuôi thì lo, không nuôi thì tiếc”. Và nói như giám đốc một doanh nghiệp có vùng nuôi lớn: “Cơ hội này chỉ dành cho những người có bản lĩnh, trình độ và khả năng tài chính mạnh”.
Có lẽ là rất khó để đưa ra một khuyên cáo chung nhất về việc có nên thả nuôi tiếp hay không, thả nuôi với hình thức nào, mà tất cả tùy thuộc vào khả năng, nhận định của người nuôi. Người nuôi cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, bởi cơ hội và rủi ro gần như đang ngang bằng nhau.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202409/co-nen-tha-nuoi-tiep-0472daf/