Có nên thu thuế tiền trợ cấp mất việc của gần 3.000 công nhân PouYuen?
Người lao động trong danh sách bị cho nghỉ việc của PouYuen Việt Nam đang lo lắng khi khoản tiền trợ cấp mất việc của họ bị tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Làm việc tại PouYuen Việt Nam từ năm 1999, bà C. nhận tổng trợ cấp thôi việc gần 245 triệu đồng, dựa trên mức bình quân lương 6 tháng liền kề hơn 11 triệu. Trong đó, khoản tiền trợ cấp mà bà nhận được cao hơn quy định của pháp luật gần 188 triệu đồng.
Theo nguyên tắc khấu trừ thuế TNCN 10% với khoản chênh lệch này (19 triệu), số tiền nhận được thực tế của bà là hơn 226 triệu đồng.
Tính thuế trên khoản trợ cấp mất việc của PouYuen là đúng
Theo lý giải từ PouYuen, đến kỳ quyết toán thuế cuối năm, bà C. sẽ được hoàn lại nếu số tiền tạm nộp nhiều hơn số thuế phải nộp và thu thêm nếu chưa nộp đủ. Nói cách khác, cơ quan thuế chỉ tạm thu gần 19 triệu đồng tiền thuế này, có khả năng trả lại cho bà vào cuối tháng 3/2021.
Tuy vậy, đối với bà C. và nhiều công nhân mất việc khác, 19 triệu đồng là con số lớn nếu so với thu nhập bất định trong tương lai, khi tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn tồn tại.
Một nam công nhân bị khấu trừ hơn 15 triệu đồng chia sẻ: "15 triệu đồng này đủ để vợ chồng tôi và 2 con nhỏ ăn ngày 3 bữa trong khoảng 1 năm. Mất khoản này thì thiệt thòi cho chúng tôi quá. Tháng 3 năm sau nếu có được nhận lại thì cũng không có ý nghĩa như giai đoạn hiện tại".
Chia sẻ với Zing, ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết sau khi nghe sự việc cắt giảm lao động tại PouYuen, cơ quan này đã tiến hành rà soát vấn đề khấu trừ thuế và báo cáo Tổng cục Thuế rằng doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
"Công nhân mất việc do Covid-19 thì bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp tương đương nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc. Còn với PouYuen, doanh nghiệp chi trả trợ cấp vượt quá mức quy định, vậy nên buộc phải tính 10% thuế TNCN trên số tiền chênh lệch theo pháp luật hiện hành. Tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn PouYuen trả lời cho người lao động như vậy", ông nói.
Vị lãnh đạo Cục thuế TP cũng cho hay, đa số doanh nghiệp cắt giảm lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua đều để bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động. Chỉ có PouYuen chi trả thêm để tri ân người lao động đã gắn bó lâu dài.
Không nên thu thuế công nhân
Liên quan đến vấn đề này, theo PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế TP.HCM, bản chất của thuế TNCN là nhằm mục đích điều tiết thu nhập, nỗ lực tạo ra sự bình đẳng trong xã hội. Do đó, người có thu nhập cao sẽ đóng thuế cao để có ngân sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp.
"Chính vì lẽ này, tôi nghĩ công nhân mất nguồn thu nhập chính do tác động của đại dịch lại phải đóng thuế thì rất vô lý. Doanh nghiệp đưa ra khoản trợ cấp là rất đáng quý và có ý nghĩa về vật chất lẫn tinh thần đối với công nhân. Nhà nước không nên tính thuế trên khoản thu nhập này", ông nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, khoản tiền trợ cấp thoạt nhìn có vẻ nhiều, nhưng xét theo số năm làm việc, cống hiến của người lao động thì không đáng là bao.
Đồng thời, Chính phủ đang đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt cho người thất nghiệp, nhưng quá trình giải ngân gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó, nếu không thu thuế trên khoản trợ cấp mất việc làm của những công nhân này, Nhà nước chắc chắn đã hỗ trợ đúng người, đúng việc.
"Chúng ta nói về trạng thái bình thường mới, nhưng người lao động không hiểu đâu. Họ chỉ quan tâm cơm áo gạo tiền hàng ngày. Bình thường mới phải dựa trên động lực làm việc của mỗi cá nhân chứ không thể chỉ hô hào khẩu hiệu. Chúng ta đừng triệt tiêu động lực đó bằng số thuế không đáng bao nhiêu này, chỉ khiến người lao động cảm thấy bị o ép. Đột ngột mất việc mà còn phải đóng thuế như vậy sẽ thấy chua chát lắm", ông nói.
Ông khẳng định, xét về lý, điều này phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cần linh hoạt và bám sát thực tế cuộc sống.
"Chúng ta không làm những việc mất thời gian như điều chỉnh luật. Chỉ cần Chính phủ ban hành văn bản áp dụng với trường hợp cụ thể này, trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Sự việc tại PouYuen sẽ là tiền lệ tốt để áp dụng cho các trường hợp về sau, trong bối cảnh dịch còn chưa hết tác động. Tôi nghĩ điều này có thể tạo động lực để người lao động gượng dậy làm việc, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế", ông nêu quan điểm.