Có nên trao thẩm quyền xử phạt cho Kiểm toán Nhà nước?
Mỗi năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính cả trăm ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ có 3/4 số kiến nghị được thực hiện. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị trao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN. 'Cần nghiên cứu thấu đáo nội dung này vì trên thế giới, kiểm toán tối cao không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính', ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết.
Luật KTNN đã quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về KTNN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật, thưa ông?
Theo pháp luật Việt Nam, khi một cá nhân, tổ chức có hành vi vi pháp luật nói chung, chứ không riêng gì lĩnh vực KTNN, thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xác định trách nhiệm pháp lý liên quan là hình sự, hành chính, kỷ luật hoặc dân sự.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN xảy ra khá nhiều, như việc đơn vị được kiểm toán từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ kiểm toán; báo cáo sai lệch, không chính xác, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán… Đặc biệt là việc không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không kịp thời quyết định, kiến nghị về xử lý tài chính sau khi KTNN đã công bố báo cáo kiểm toán, nhưng không thể xử phạt được vì trong hơn 60 lĩnh vực quy định mức phạt tiền được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, không có lĩnh vực KTNN.
Luật quy định chung chung là vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật, trong khi không có chế tài, nên không thể xử lý vi phạm được. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị xử lý tài chính của KTNN không được thực hiện nghiêm.
Vậy những trường hợp vi phạm pháp luật về KTNN phải xử lý thế nào?
Cách duy nhất là Tổng KTNN kiến nghị bộ trưởng, các cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi phạm. Kể cả trường hợp kết luận, kiến nghị không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ, thì Tổng KTNN cũng chỉ có quyền kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tôi cũng không hình dung nổi, với chức năng, quyền hạn như vậy thì xử lý hành vi vi phạm pháp luật về KTNN thế nào. Chưa kể, theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao cũng không bị xử phạt vi phạm hành chính…
Từ thực tế đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN đã đưa nội dung xử lý vi phạm hành chính với mức phạt lên tới 100 - 200 triệu đồng/cá nhân vi phạm. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?
Ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam có KTNN, còn thế giới chỉ có cơ quan kiểm toán tối cao và hiện chỉ có cơ quan kiểm toán tại Trung Quốc có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định của Hiến pháp, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cơ quan do Quốc hội thành lập không phải là cơ quan hành pháp, nên không có thẩm quyền xử phạt vi hành chính.
Hơn nữa, Luật KTNN quy định, KTNN chỉ có chức năng, nhiệm vụ đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của mình; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Vì vậy, việc có trao quyền cho KTNN được xử phạt vi phạm hành chính ngay trong Luật KTNN hay không cần phải nghiên cứu thấu đáo.
Vậy theo ông, cần phải làm gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm toán mà vẫn bảo đảm đúng pháp luật?
Việt Nam có những quy định luật pháp rất đặc thù, không theo thông lệ quốc tế. Đơn cử, trên thế giới, nếu có hành vi vi phạm như nhau, cùng tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính như nhau, không phân biệt cá nhân hay tổ chức. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu tổ chức vi phạm thì bị xử phạt nặng gấp 2 lần cá nhân với lập luận rằng, với cùng hành vi, mức độ vi phạm mà cá nhân bị xử phạt 100 - 200 triệu đồng là đã “méo mặt”, nhưng với tổ chức lại “nhẹ như lông hồng”, nên không có tác dụng răn đe.
Cũng với lập luận “đặc thù” đó, có thể trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN, nhưng phải được quy định cụ thể trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính khi sửa đổi, bổ sung và giao Chính phủ quy định khung mức phạt cụ thể đối với từng hành vi, thẩm quyền ra quyết định xử phạt đối với từng chức danh trong bộ máy KTNN.
Tại Phiên họp thường kỳ tháng 12/2018, Chính phủ đã đồng ý sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xử phạt vi phạm hành chính trong năm nay. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia pháp luật, các bộ, ngành, địa phương để đưa nội dung và mức khung xử phạt vi phạm hành chính vào Luật Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi.
Khi luật này được thông qua, thì Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN chỉ cần bổ sung thẩm quyền của KTNN là có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tất nhiên, đây cũng là quy định rất đặc thù so với quyền hạn của cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-nen-trao-tham-quyen-xu-phat-cho-kiem-toan-nha-nuoc-d96619.html