Có nên trồng đậu phộng phủ ni lông?

Mô hình trồng đậu phộng phủ ni lông tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình trồng thâm canh đậu phộng che phủ ni lông, hiệu quả kinh tế bình quân đạt 22 triệu đồng/ha. Còn nếu trồng lúa trên cánh đồng này, nông dân chỉ thu được 8 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mô hình trồng đậu phộng phủ ni lông thải ra hàng trăm ký ni lông, trong khi đó các ngành chức năng lại đang phát động phong trào “nói không với túi ni lông”.

Hiệu quả hơn trồng lúa

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng giống TB25 trên diện tích 1ha. Trong đó, tại xã Hòa An 0,4ha với 2 hộ tham gia; tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) 0,6ha với 1 hộ tham gia. Cuối vụ, năng suất thực thu đậu phộng tươi tại xã Hòa An đạt 43 tạ/ha, tại Hòa Hội đạt 40 tạ/ha.

Ông Đặng Tấn Truy, nông dân tham gia mô hình ở xã Hòa An cho hay: Tôi trồng 3 sào đậu phộng, khi trồng lên luống, phun thuốc tiền nảy mầm rồi phủ ni lông. Trong thời gian đậu sinh trưởng, có 1 sào bốn phía có hàng rào cây xanh bị rập nên cỏ nhiều, còn 2 sào còn lại đất trống ít cỏ, năng suất bình quân đạt 2,2 tạ/sào.

Còn ông Đặng Xuân cũng tham gia mô hình ở xã Hòa An cho rằng, trồng đậu phộng vụ hè thu phủ bạt ni lông có cái khó vì khi trải ra gặp gió Tây Nam thổi mạnh làm rách bạt phải tốn công trải từng công đoạn. Còn khi chọc lỗ ni lông trồng, một ngày 2 công chọc 1 sào mới xong.

Theo ông Hồ Văn Nam, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Hòa An, đây là mô hình đầu tiên trồng thâm canh đậu phộng áp dụng biện pháp che phủ ni lông trên địa bàn tỉnh. Mục đích phủ ni lông là để giữ độ ẩm cho đất, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Cuối vụ, hiệu quả kinh tế mô hình bình quân đạt 22 triệu đồng/ha. Cũng trên cánh đồng này, nếu bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 8 triệu đồng/ha.

Thế nhưng đối với hộ ông Huỳnh Sa, tham gia mô hình ở xã Hòa Hội, mặc dù đã áp dụng biện pháp che phủ ni lông nhưng một số loại cỏ gấu, cỏ chỉ vẫn phát triển mạnh, chọc rách bạt ni lông, cạnh tranh dinh dưỡng với cây đậu phộng nên tốn chi phí làm cỏ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

“Ni lông chuyên dùng trồng đậu phộng màu trắng, rất mỏng để khi đậu đâm tia chui xuống đất ra trái. Ruộng đậu phộng cỏ mọc nhiều quá, nếu để ni lông phun thuốc thì thuốc không ngấm xuống đất, không diệt cỏ được nên tôi phải bỏ công xé ni lông rồi phun thuốc. Cuối vụ năng suất đạt 2 tạ/sào”, ông Sa nói.

Tồn dư trên ruộng hàng trăm ký ni lông

Đậu phộng là loại cây trồng ngắn ngày có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp tỉnh. Trồng đậu phộng tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất, góp phần tăng năng suất, sản lượng các cây trồng khác, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Vì vậy, đậu phộng là cây trồng thích hợp trong hệ thống xen canh, luân canh với các loại cây trồng khác, góp phần cải tạo đất đối với những vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng.

Cũng vụ hè thu 2019, tại xứ đồng Gò Chàm, Soi Dưới, Soi Trên, thuộc thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An), 48 hộ tham gia trồng đậu phộng giống TB25 trên diện tích 8ha. Năng suất thực thu đậu phộng tươi đạt 46 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 30 triệu đồng/ha. Ông Trần Hòa, nông dân trồng đậu phộng ở xã Hòa An nhận định: Vùng này trồng đậu phộng phủ ni lông chỉ đạt 43 tạ/ha, còn nhà tôi trồng không phủ ni lông đạt 46 tạ/ha. Tôi thấy trồng đậu phộng phủ ni lông nhược điểm nhiều hơn ưu điểm.

Cụ thể năng suất thấp hơn, ni lông chuyên dùng phải mua ở Hà Nội vì trên địa bàn tỉnh chưa có. Hơn nữa, nếu áp dụng theo mô hình thì 1kg ni lông che phủ được 100m2 thì mỗi sào dùng 5kg ni lông, như vậy 1ha phải sử dụng 100kg ni lông, trồng vài chục héc ta sau khi thu hoạch để lại hàng trăm ký ni lông tồn đọng trên đồng ruộng.

Theo bà Ngô Thị Bích Diễm, cán bộ Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông), người thực hiện đề tài, qua thực tế cho thấy, nếu trồng đậu phộng không phủ bạt ni lông trong cùng thời điểm vụ hè thu 2019 và trong cùng xã Hòa An thì năng suất đậu phộng đạt khoảng 46 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 29 triệu đồng/ha. Sự chênh lệch năng suất và hiệu quả kinh tế giữa trồng đậu phộng phủ bạt và không phủ bạt ni lông có thể là do bà con nông dân chưa quen với việc thao tác các bước trong sử dụng ni lông nên tốn công.

“Ni lông được dùng trong mô hình là ni lông chuyên dùng cho đậu phộng, màu trắng, rất mỏng nên dễ rách, vì thế cỏ dễ dàng đâm thủng và phát triển cạnh tranh với cây đậu phộng, gây ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác, do đây là lần đầu tiên thực hiện mô hình trồng thâm canh đậu phộng áp dụng biện pháp che phủ ni lông nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong tất cả các khâu từ trải bạt, chi phí gieo hạt...”, bà Diễm nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông thử nghiệm triển khai mô hình trồng thâm canh đậu phộng áp dụng biện pháp che phủ ni lông. Việc sử dụng màng phủ nông nghiệp có tác dụng giúp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại...

Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng ở vụ hè thu thì việc áp dụng biện pháp che phủ ni lông cần phải xem xét, đánh giá cụ thể hơn. Bởi bên cạnh việc giảm công làm cỏ thì ở một số diện tích, việc che phủ ni lông vẫn không hạn chế tối đa sự cạnh tranh của cây cỏ đối với cây đậu phộng.

Hơn thế nữa, sau khi thu hoạch, lượng ni lông tồn dư trên đồng ruộng là một vấn đề lớn. Việc trồng đậu phộng phủ ni lông áp dụng nhiều ở các tỉnh phía Bắc vì vụ đông thời tiết lạnh, cần phủ ni lông giữ ẩm... Riêng ở Phú Yên trồng vụ hè thu thời tiết nắng nóng, mô hình này bước đầu trồng thử nghiệm vì vậy cần có thời gian đánh giá về hiệu quả kinh tế và yếu tố tác động môi trường.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/229675/co-nen-trong-dau-phong-phu-ni-long.html