Có nên từ bỏ quy định đổi giờ?
Việc chỉnh giờ khi giao mùa theo quy ước giờ mùa hè đã trở thành thông lệ tại nhiều quốc gia trên thế giới suốt một thế kỷ qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt hoạt động này.
Quy ước thay đổi giờ
Mùa xuân đánh dấu nhiều sự thay đổi như thời tiết ấm hơn, ngày dài hơn, cây cối đâm chồi nảy lộc. Nhưng đối với một số quốc gia, mùa xuân đến gần cũng đồng nghĩa thời gian quy ước giờ mùa hè sắp bắt đầu.
Khái niệm quy ước giờ mùa hè hay giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (daylight saving time, DST) là quy ước chỉnh thời gian theo khoảng thời gian Mặt trời chiếu sáng vào ban ngày. Từ khoảng tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, các quốc gia sẽ chỉnh đồng hồ chạy nhanh hơn 1 tiếng. Những tháng khác, đồng hồ được chỉnh về như cũ.
Đơn cử, tại Mỹ, DST bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng ngày Chủ nhật thứ 2 trong tháng 3 theo giờ địa phương. Người dân sẽ chỉnh đồng hồ tăng 1 giờ. Giờ DST kết thúc vào lúc 2 giờ sáng ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 11 theo giờ địa phương, đồng hồ được chỉnh lùi lại một giờ.
DST có liên quan đến sự thay đổi mùa và độ dài một ngày theo mùa dựa trên vòng quay của Trái đất. Hành tinh của chúng ta quay trên trục lệch một góc 23,5 độ. Do đó, giữa các mùa khác nhau, độ dài của ngày và đêm cũng khác nhau.
Vào mùa hè, ban ngày thường dài hơn ban đêm và ngược lại. Điều này thể hiện rõ hơn ở những địa điểm gần hai cực của Trái đất. Đức là quốc gia đầu tiên quyết định thực hiện DST từ năm 1916 để tối đa hóa hoạt động trong thời gian có ánh nắng Mặt trời. Mỹ nhanh chóng làm theo vào năm 1918.
Đến nay, tại châu Âu, phần lớn các quốc gia trừ Nga, Belarus… áp dụng DST. Thời gian tính từ 1 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và kết thúc vào 1 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Châu Á có Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ… còn châu Mỹ là Canada, Mỹ và Mexico.
DST có thể tối đa hóa việc sử dụng ánh sáng Mặt trời khi ngày dài ra vào mùa xuân và rút ngắn từ mùa thu. Như vậy, con người có thêm một giờ ánh sáng để làm việc. Tuy nhiên, lợi ích của DST còn gây nhiều tranh cãi vì nó có thể tác động đến sức khỏe con người.
Tranh cãi
Những người ủng hộ DST cho rằng, việc tiết kiệm thời gian vào ban ngày giúp dịch chuyển các hoạt động từ đêm sang ngày. Mọi người có xu hướng ra ngoài trời ngay khi trời vừa sáng để chơi thể thao, đi dạo, gặp mặt bạn bè thay vì nằm lỳ trong nhà.
Một số ngành công nghiệp ngoài trời như chơi golf, dã ngoại, cắm trại… tăng lợi nhuận trong thời gian DST. Ngành công nghiệp dầu khí cũng phát triển vì nếu trời tối muộn hơn, mọi người thích lái xe dạo sau giờ làm việc hoặc giờ tan học.
Ngược lại, đối với nhiều người, DST gây ra nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Khoảng 1/3 người Mỹ cho biết, họ không mong đợi về việc thay đổi thời gian 2 lần trong năm. Thậm chí, nhiều người muốn loại bỏ quy ước này hoàn toàn.
Một trong những lý do để các quốc gia áp dụng DST là tiết kiệm năng lượng. Nhưng luận điểm này ngày càng không thuyết phục. Trong thời gian DST, lượng điện sử dụng vào ban ngày giảm nhưng việc sử dụng điều hòa nhiệt độ, hệ thống sưởi và điện vào buổi tối tăng. Lý do bởi người dân phải dậy sớm nên sử dụng hệ thống sưởi và làm mát nhiều hơn. Trong khi hai hệ thống này tiêu thụ nhiều điện hơn hệ thống chiếu sáng.
Ông Beth Ann Malow, Giáo sư Thần kinh và Nhi khoa tại Trường Đại học Vanderbilt, Mỹ, cho biết DST có thể khiến con người mất ngủ và suy giảm sức khỏe. Khoảng 25% người gặp vấn đề về giấc ngủ, sự tập trung, cảm thấy mệt và đau đầu khi thời gian biểu bị xê dịch.
Nhịp sinh hoạt hàng ngày của con người dựa vào đồng hồ chứ không phải việc Mặt trời mọc và lặn. Do đó, việc thay đổi giờ đồng hồ sẽ khiến nếp sinh hoạt đảo lộn, gây ra vết nứt giữa cuộc sống của con người và thế giới bên ngoài, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc.
Khi phải dậy sớm hơn bình thường do DST, cơ thể con người không kịp thích nghi nên sinh ra phản ứng buồn ngủ, căng thẳng, thậm chí là stress. Về lâu dài, việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt gây ra chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Vào những tuần đầu áp dụng DST, nhiều quốc gia ghi nhận sự gia tăng đáng kể nguy cơ đau tim nhưng giảm dần khi DST được dỡ bỏ. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thay đổi thời gian cũng tăng nhẹ. Hơn nữa, số lượng người tự tử trong khoảng thời gian đầu áp dụng DST cũng leo cao.
Trên toàn cầu, việc giữ hay bỏ quy ước DST đang tạo ra nhiều tranh luận. Tại Mỹ, đảo Hawaii, bang Arizona, các vùng lãnh thổ như Guam, Puerto Rico… đã từ bỏ việc thực hiện DST. Phần lớn các nước châu Phi và châu Á không thay đổi giờ đồng hồ của họ. Nam Mỹ và Australia đang tranh luận gay gắt về vấn đề này.
Đặc biệt, vào năm 2019, Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu để chấm dứt hoạt động theo quy ước giờ mùa hè. Nhưng kế hoạch phải tạm dừng vào thời điểm hiện tại. Các quốc gia thành viên dự kiến sẽ quyết định giờ đồng hồ vào năm 2021 nhưng các cuộc đàm phán bị đình trệ vì các vấn đề như Brexit, đại dịch Covid-19. Trong tương lai gần, vấn đề thay đổi giờ sẽ tiếp tục được đem ra thảo luận.
Theo Science Alert
Nguyễn Minh
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/co-nen-tu-bo-quy-dinh-doi-gio-uz1BKgQnR.html