Có ngân hàng đề sẽ giảm 'lộ lọt' ở lớp học thêm, đảm bảo minh bạch, khách quan

Khi có ngân hàng đề thi chung, các các trường sẽ có cơ sở để chọn lọc, giảm thiểu công đoạn thẩm định đề và giảm thiểu các sai sót không mong muốn.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết nêu lên việc xuất hiện đề kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn tại Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có nội dung giống với tài liệu ôn tập. Đồng thời, một giáo viên của Trường Trung học cơ sở Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận tiết lộ đề kiểm tra môn Ngữ Văn ở lớp học thêm cũng đã được phản ánh.

Các sự việc này đã dấy lên lo ngại của phụ huynh về yếu tố minh bạch, công bằng trong học hành, thi cử khi một số nhà trường vì chạy theo thành tích mà có nhiều biện pháp "ngầm" hỗ trợ học sinh đạt điểm số cao nhưng không thực chất.

Có ngân hàng đề thi chung hạn chế bớt tiêu cực thi cử

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Duy Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cho rằng, qua sự việc nói trên cho thấy yêu cầu cần thiết về việc, lãnh đạo các nhà trường cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát và đặt đạo đức nghề nghiệp nhà giáo lên hàng đầu. Ngoài ra, việc có một ngân hàng đề thi chung cũng là một phương án để hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.

"Với cách làm hiện đang được các nhà trường áp dụng hiện nay là giáo viên tự ra đề, tự kiểm tra và tự chấm điểm đối với các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đối với học sinh trong lớp không thể tránh khỏi những tiêu cực. Nếu lãnh đạo quản lý nhà trường không nắm bắt, sát sao với việc này rất có thể kết quả học tập sẽ bị méo mó và không phản ánh đúng thực chất năng lực của học sinh.

Để hạn chế điều này thì nhà trường cũng đang áp dụng hình thức là Ban Giám hiệu sẽ "can thiệp" vào các đề kiểm tra đó để cho học sinh làm thêm một bài khảo sát riêng. Cụ thể, dựa trên các đề kiểm tra do giáo viên tạo ra chúng tôi sẽ có chỉnh sửa, thêm bớt một số nội dung trong đó để cho các học sinh làm bài khảo sát.

Khi đề đã có sự thay đổi mà học sinh vẫn làm đúng thì rõ ràng điểm số các em đã làm trong bài kiểm tra trước đó có thể khẳng định là thực chất. Còn nếu các em làm sai bài khảo sát thì chúng tôi sẽ buộc phải cho kiểm tra lại theo quan điểm là "bất thường", thầy Linh bày tỏ.

Cũng theo lãnh đạo Trường Tiểu học Môn Sơn, vì trường học thuộc địa bàn miền núi nên hầu như không đặt nặng vấn đề thành tích nên các giáo viên cũng không quá nặng nề tâm lý về điểm số. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng giáo dục qua các năm vẫn được các nhà trường tự ý thức và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra.

Ngoài ra, theo vị hiệu trưởng này liên quan đến ý tưởng về việc cần có một ngân hàng đề thi chung thì tại huyện Con Cuông cũng đang thực hiện cách làm gần giống như vậy để đảm bảo công bằng trong thi cử.

Cụ thể, thầy Linh cho hay: "Đối với các lớp cuối cấp tiểu học và trung học cơ sở thì lâu nay Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông sẽ ra đề chung cho các trường trên toàn huyện. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường sự giám sát khi cho cấp trung học cơ sở xuống cấp tiểu học để giám sát công tác thi và chấm bài. Các nhà trường cũng đang hạn chế tối đa việc cho giáo viên tự ra đề và tự chấm bài kiểm tra cuối kỳ".

Liên quan đến nội dung này, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, cũng nên cần thiết có ngân hàng đề thi chung để các trường căn cứ vào đó tham khảo và là kho học liệu để các trường trên toàn quốc có thể khai thác được.

Đối với với việc hạn chế tình trạng giáo viên "mớm" đề, tiết lộ đề kiểm tra để học sinh đạt điểm cao, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương cũng nêu lên một số phương án.

 Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương. Ảnh: NVCC

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương. Ảnh: NVCC

Theo đó, vị này cho hay: "Việc đánh giá, kiểm tra chất lượng của học sinh trước hết là trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường. Sau này khi thực hiện việc sáp nhập, bỏ cấp huyện, các trường tiểu học và trung học cơ sở không còn chịu sự quản lý trực tiếp của Phòng Giáo dục và Đào tạo nữa thì yêu cầu tính tự chủ và cam kết chất lượng của nhà trường càng cao.

Không thể phủ nhận vẫn có trường hợp giáo viên lợi dụng điểm để gây sức ép, ngầm buộc học sinh phải đi học thêm hoặc có nhà quản lý lấy con điểm để lừa dối chất lượng giáo dục thực tế của nhà trường.

Qua đó, để giảm thiểu các tiêu cực trong thi cử thì cái đầu tiên cần thay đổi lại các tiêu chí thi đua, đánh giá đối với các lớp, các nhà trường. Nếu vẫn giữ cách đánh giá theo kiểu xếp hạng các nhà trường theo điểm số cao từ trên xuống, xếp loại lớp này hơn lớp khác theo thứ tự thì nó không hoàn toàn phản ánh đúng chất lượng của từng đơn vị.

Thay vào đó cần phải yêu cầu các trường cần nâng cao chất lượng giáo dục, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Nếu lãnh đạo quản lý tốt, giáo viên có tâm cùng đưa kết quả học tập đi lên thì không có việc gì phải lo chạy theo thành tích cả".

Ngoài ra, thầy Tuấn Anh cũng nêu lên một số trở ngại khiến cho việc để tạo ra một ngân hàng đề thi chung là không hề đơn giản. Theo vị hiệu trưởng này, việc làm sao để ra được bộ đề thi có tính đồng nhất, phù hợp với yêu cầu vùng miền là rất khó.

"Bên cạnh đó, rất khó để đánh giá được chất lượng của bộ đề thi chung đó và quan trọng là đơn vị nào sẽ đứng ra thẩm định. Đó là chưa kể đến yếu tố đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khi áp dụng, rồi người nằm trong bộ phận thẩm định đó lấy từ đâu? Khả năng chuyên môn của người đó có đáp ứng được với yêu cầu công việc hay không?", thầy Tuấn Anh cho hay.

Ngân hàng đề thi chung là cần thiết để đảm bảo công bằng, minh bạch

Cùng quan điểm về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc, nên có ngân hàng đề thi chung để đảm bảo tính khách quan, trung thực của giáo dục tại các trường học.

"Cái quan trọng nhất khi chúng ta có ngân hàng đề thi chung thì các các trường sẽ có cơ sở để chọn lọc, giảm thiểu công đoạn thẩm định đề và giảm thiểu các sai sót không mong muốn. Nghĩa là chúng ta có sự chuẩn bị về đề và đảm bảo tính chuẩn xác khi áp dụng", thầy Ngai chia sẻ thêm.

 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Qua đó, theo nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng được việc xây dựng ngân hàng đề thi chung thì cần xây dựng được đội ngũ "chuyên gia" đủ trình độ chuyên môn để lựa chọn các bộ đề thi phù hợp. Đặc biệt là yếu tố phù hợp về vùng miền, trình độ của các học sinh các khu vực.

Theo vị này, nếu không tạo ra mặt bằng chung trong ngân hàng đề thi thì sẽ không đánh giá đúng thực chất đúng và tạo ra sự tương phản lớn về điểm số giữa nơi có nền tảng giáo dục tốt và nơi không có điều kiện tập trung cho giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ thêm: "Chất lượng của ngân hàng đề thi cũng rất quan trọng và cần trải qua quá trình thẩm định có chọn lọc của chuyên gia. Nếu không dễ dẫn đến tình trạng các học sinh căn cứ vào kho đề này để học lệch, "học tủ" gây phản tác dụng.

Tất nhiên việc xây dựng ngân hàng đề thi chung nó sẽ mất thời gian nhưng theo tôi nó là cần thiết và tốt cho các nhà trường nếu muốn đảm bảo công bằng trong giáo dục".

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-ngan-hang-de-se-giam-lo-lot-o-lop-hoc-them-dam-bao-minh-bach-khach-quan-post251383.gd