Cơ ngơi tiền tỷ bò nhung nhúc của anh trai miền Tây, ai thấy cũng sợ

Sở hữu đàn rắn bố mẹ 1.500 con có giá trị trên 1,5 tỷ đồng, mỗi năm anh Khanh có thể đều đặn đút túi nửa tỷ đồng từ tiền lãi bán rắn con.

Anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh (31 tuổi, ngụ tại ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) hiện là chủ của cơ sở sản xuất giống rắn ri voi thuộc loại lớn nhất trong vùng. Với 1.500 con rắn bố mẹ, mỗi năm anh Khanh xuất bán trên 5.000 con rắn giống, thu về khoảng 700 triệu đồng, trừ hết chi phí vẫn có lãi khoảng 500 triệu đồng.

Rùng mình với "cơ ngơi tiền tỷ" bò nhung nhúc của thanh niên miền Tây

Anh Nhựt Khanh cho biết, 12 năm trước, khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh cũng như nhiều thanh niên khác, rất mông lung khi tìm kiếm việc làm. Thay vì cùng bạn đi tìm việc trong các khu công nghiệp, anh Thanh quyết định chấp nhận rủi ro, vay vốn nuôi rắn ri voi.

"Số tiền đầu tư 70 triệu đồng là rất lớn đối với mình hồi đó. Khi đó không có kinh nghiệm gì, nếu thất bại là mắc nợ, nhưng mình vẫn đánh liều khởi nghiệp, may mà mọi điều thuận lợi", anh Khanh chia sẻ.

Khu chuồng nuôi rắn của anh Khanh được chia thành nhiều ô nhỏ để tiện khâu chăm sóc (Ảnh: Nguyễn Cường).

Khu chuồng nuôi rắn của anh Khanh được chia thành nhiều ô nhỏ để tiện khâu chăm sóc (Ảnh: Nguyễn Cường).

Những năm đầu, để tăng đàn, anh Khanh không bán rắn con mà giữ lại để nuôi sinh sản nên không có thu nhập từ rắn.

Theo anh Khanh, rắn ri voi là loài hoang dã bản địa, thích nghi tốt, sức sống mạnh mẽ và dễ chăm sóc. Mỗi tháng chỉ cần cho rắn ăn 4 lần và thay nước bể nuôi một lần.

"Thức ăn cho rắn ri voi là những phế phẩm thủy sản như cá con, ếch con nên không tốn nhiều tiền. Rắn rất dễ nuôi, cơ bản là tự ăn, tự lớn chứ mình không phải can thiệp gì cả, cũng có hao hụt nhưng chỉ 2-3%", anh Khanh cho biết.

Anh Khanh có 1.500 con rắn bố mẹ, trị giá trên 1,5 tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Khanh có 1.500 con rắn bố mẹ, trị giá trên 1,5 tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Rắn một năm tuổi đạt trọng lượng từ 1 đến 1,5kg và bắt đầu sinh sản lứa đầu, từ 5 đến 7 con con. Từ năm thứ 2, rắn sinh trên 10 con, rắn bố mẹ càng lớn thì sinh sản càng nhiều.

Sau 2 năm nuôi rắn, anh Khanh bắt đầu bán con giống. Trên thị trường, giá rắn sơ sinh từ 70.000 - 80.000 đồng/con tùy thời điểm. Tuy nhiên, anh Khanh chọn cách giữ rắn con lại nuôi ít nhất 3 tháng trước khi bán để con giống chất lượng hơn và có giá trị cao hơn.

Rắn con khỏe mạnh tranh giành thức ăn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Rắn con khỏe mạnh tranh giành thức ăn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chuồng nuôi rắn là những bể nước bằng xi măng rộng khoảng 5-10m2, sâu từ 0,5 đến 1,5m tùy kích thước rắn. Bên trong bể anh để ngập nước từ 10 đến 20cm, bỏ các giá thể như tàu lá dừa, bèo, mô đất, bùi nhùi để rắn trú ngụ.

Rắn con sau khi sinh không được rắn bố mẹ chăm sóc mà phải tự tìm thức ăn nên anh Khanh bắt ra nhốt vào bể riêng, cho ăn thức ăn phù hợp. Để đáp ứng không gian sống cho đàn rắn ngày càng lớn, từ vài bể nuôi ban đầu, hiện anh Khanh đã xây gần 20 bể.

Mỗi năm anh Khanh xuất bán khoảng 5.000 con rắn giống, cho lãi nửa tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Mỗi năm anh Khanh xuất bán khoảng 5.000 con rắn giống, cho lãi nửa tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đàn rắn bố mẹ của anh Khanh có trọng lượng khoảng 2kg mỗi con. Ông chủ trại rắn cho biết, theo giá thị trường hiện tại, đàn rắn có giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Sau 12 năm làm công việc mà anh Khanh nhận xét là "gần như chả phải làm gì", thanh niên miền Tây đã có trong tay cơ ngơi tiền tỷ cùng mức thu nhập khủng khiến nhiều người mơ ước.

Theo anh Khanh, hiện người nuôi rắn và khách hàng của anh chủ yếu ở miền Tây, là những người ở tuổi nghỉ hưu.

Nhờ đàn rắn mà anh Khanh có thu nhập tương đối cao và ổn định (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhờ đàn rắn mà anh Khanh có thu nhập tương đối cao và ổn định (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/co-ngoi-tien-ty-bo-nhung-nhuc-cua-anh-trai-mien-tay-ai-thay-cung-so-172220818080923713.htm