Cổ nhân dạy: 'Hạ đẳng dùng mồm, thượng đẳng dùng tâm'
Cổ nhân dạy: 'Hạ đẳng dùng mồm, thượng đẳng dùng tâm', bạn hiểu được bao nhiêu? Nên nhớ, cái miệng của một người, chính là phong thủy của họ.
Người hạ đẳng dùng mồm
Một cái lưỡi dẻo quẹo, không xương còn lợi hại hơn cả đao kiếm vô tình, có thể hạ nhục nhân phẩm, đau đến chết đi sống lại, thân bại danh liệt, thậm chí dồn con người ta đến chỗ chết. Vốn dĩ, vết thương trên da thịt theo thời gian cũng sẽ lành. Nhưng vết thương ở trong tâm sẽ "rỉ máu" nặng nề, chẳng biết đến khi nào, thậm chí cả đời cũng khó lòng lành lại.
Người không có đạo đức, luôn soi mói, chỉ biết nhìn vào khuyết điểm của người khác, mở miệng ra chỉ toàn là những lời nanh độc, sát thương cao độ. Thậm chí đuổi cùng giết tận, nhục mạ không thôi, thêm mắm dặm muối, tam sao thất bản. Qua miệng lưỡi của anh ta, ai cũng trở nên xấu xí, méo mó và có tội.
Người thượng đẳng dùng tâm
Nên nhớ, cái miệng của một người, chính là phong thủy của họ. Một người hậu vận viên mãn, vạn sự thuận buồm xuôi gió, thông minh sáng dạ, trước khi mở miệng, luôn dùng tâm để soi xét. Một lời họ nói ra, tựa như hoa như ngọc, mang theo gió xuân tươi mát, khiến lòng người thanh thản, an lạc.
Trong đối đãi giữa người với người, họ làm gì cũng đều dùng tâm, nghĩ cho người khác và cho cả chính mình. Đồng thời, cũng không so đo tính toán, tọc mạch, bàn luận chuyện thiên hạ. Họ quan niệm, việc người mặc người, việc mình mình làm. Người đối đãi tốt với ta, ta đối tốt lại với họ. Người đối đãi ác với ta, ta dung thứ cho họ. Như vậy, tâm mới được thanh thản, nhận được sự phù hộ của Trời Phật.