Có nhất thiết tăng tuổi nghỉ hưu?
Nhiều ý kiến bày tỏ thái độ không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu bởi điều kiện sức khỏe người Việt Nam khác các nước châu Âu.
Thảo luận đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi),, nhiều bạn đọc Báo Người Lao động cho rằng đa số NLĐ nhiều ngành nghề chưa đến tuổi nghỉ hưu như hiện nay đã không còn đủ sức khỏe để làm việc. "NLĐ làm việc vất vả quá rồi, giờ lại tăng tuổi nghỉ hưu chỉ chết NLĐ thôi. Tôi không đồng tình" - bạn đọc Ngọc Văn, gay gắt. Đồng quan điểm, bạn đọc Huỳnh Văn Thọ, bày tỏ: "Tôi không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, làm việc đến 60 tuổi đã muốn bò rồi, nay lại tăng tuổi là sao?". Tương tự, bạn đọc Tạ Thị Thanh, cũng góp ý: "Không nên tăng hoặc nếu tăng thì phải cho từ 55-60 với nữ và 60-62 với nam. Ai muốn làm tới cùng thì cứ việc, còn ai muốn nghỉ thì cũng không bị trừ 2%/ năm".
Theo bạn đọc Nguyễn Tiến Hương, xã hội hiện đại là xã hội mà người dân có thời gian để chăm lo cho sức khỏe. Chất lượng cuộc sống là ở đây. "Hiện tại đã không còn thời gian để thể dục, thể thao thì 62 tuổi còn làm gì được. Tôi không tán thành tăng tuổi nghỉ hưu" - bạn đọc Nguyễn Tiến Hương, gởi gấm. Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Nguyễn Khắc Tòa, góp ý: "Vì sao lại phải khi điều kiện sức khỏe người Việt khác các nước châu Âu. Khi đến tuổi nghỉ hưu nếu ai có nhu cầu, sẽ ký thêm hợp đồng lao đông.
Một bạn đọc có nickname QUOC.TCH@SGFOODS.COM, đặt câu hỏi: "Mấy ngài soạn thảo dự luật chỉ ngồi phòng máy lạnh có đi làm công nhân ngày nào đâu mà biêt. Khi xây dựng luật cần nhìn thực tế vào hoàn cảnh của VN, đừng đem so sánh với nước ngoài bởi vài chục năm nữa chưa chắc gì mình theo kịp họ bây giờ"
Thực tế hơn, bạn đọc Duy Linh, nêu thực trạng: Đa số NLĐ nhiều ngành nghề chưa đến tuổi nghỉ hưu như hiện nay đã không còn đủ sức khỏe để làm việc, phía người sử dụng những lao động (ngành nghề nặng nhọc) cũng gặp khó khăn để sắp xếp việc phù hợp với sức khỏe của họ. Một số công việc hành chánh chuyên môn đến tuổi hưu cũng cần nghỉ để người trẻ có sức khỏe tốt lẫn chuyên môn được cập nhật phù hợp với thực tế hiện tại thay thế. Vậy có nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu hay không?
Tương tự, bạn đọc Hoàng Thế Kiêm, nêu ví dụ: "Khi nam giới tới 60 tuổi, có thể do điều kiện khó khăn họ vẫn phải đi làm thêm, nhưng là làm theo sức khỏe của họ, không phải làm đủ 8h/1 ngày, tức là họ không bị ràng buộc về thời gian. Còn những người có điều kiện kinh tế họ sẽ được thư giãn vài năm trước khi chính thức hết cảm hứng về mọi vấn đề. Như vậy tăng tuổi nghỉ hưu sẽ bóc lột NLĐ cho tới khi họ kiệt sức, sống lay lắt cho đến khi qua đời. sức khỏe của người Việt cực kém, chỉ có tuổi thọ là tăng:.
Theo bạn đọc Nguyễn Nam Dương, không nên tăng tuổi nghỉ hưu, thay vào đó 3 tháng trước khi nghỉ hưu, cơ quan sử dụng lao động hỏi ý kiến NLĐ về việc có muốn tiếp tục lao động, trong thời gian bao lâu, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên...rồi ký hợp đồng. Nếu NLĐ không muốn thì cho nghỉ hưu như quy định hiện nay 60 tuổi /55 tuổi.
Nhẹ nhàng hơn, bạn đọc Nguyễn Văn Hà, góp ý: "Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì nhà nước có những phương án cụ thể nào để các doanh nghiệp không được sa thải NLĐ khi họ trong độ tuổi nữ trên 55 nam trên 60 tuổi". Tương tự, bạn đọc Trần Quyên, bày tỏ: "Một vấn đề như vậy tại sao phải bàn cãi nhiều vậy, cứ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu bắt buộc như hiện nay, với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Ngoài tuổi nói trên, nếu cả nam và nữ ai còn sức khỏe còn nhu cầu, còn tâm huyết làm việc làm việc thì cứ để họ tự nguyện ở lại cống hiến tiếp, còn ai muốn nghỉ thì họ xin nghỉ. Làm như vậy sẽ phù hợp với các ngành nghề, các vị trí lao động.
Nhìn thoáng hơn, bạn đọc Như Vũ viết: "Tính trên lợi ích kinh tế thì tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Nhưng theo khả năng phán đoán và sử lý công việc của lứa tuổi này để làm việc tiếp là không ổn. Chi phí hưu trí nếu tính ra bây giờ chính phủ đang có lợi. 20-25 năm lạm phát giá trị đồng tiền đáng là bao. Cách mà chính phủ cần đưa ra đó là sử dụng đồng tiền đó để sinh lợi nhuận".
2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Với phương án 2, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là NLĐ được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Đồng thời, NLĐ cũng được nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/co-nhat-thiet-tang-tuoi-nghi-huu-20190624112929714.htm