Có nhiều tiến bộ trong 'nội lực' của NATO

Trong tuần trước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên. Các ưu tiên chính trong hội nghị này là thảo luận về các nội dung: Tiến độ chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng; tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ; thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế - xã hội của các quốc gia thành viên; các sứ mệnh đảm bảo an ninh của NATO.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO. Ảnh: NATO

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO. Ảnh: NATO

Điểm nhấn đáng chú ý về tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ tại Hội nghị là việc thành lập Trung tâm Vũ trụ NATO mới tại Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh ở huyện Ramstein, bang Rheinland-Pfalz, Đức. Theo giới chuyên gia quân sự, động thái này thể hiện quyết tâm duy trì lợi thế của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới trên tất cả lĩnh vực gồm đất liền, đường biển, hàng không, mạng internet và vũ trụ. Việc thành lập Trung tâm Vũ trụ NATO là một bước đi quan trọng để hiện thực hóa chủ trương lâu nay của liên minh.

Trung tâm Vũ Trụ NATO sẽ giúp điều phối các hoạt động không gian của các nước đồng minh; hỗ trợ các sứ mệnh và hoạt động của NATO từ không gian, bao gồm cả thông tin liên lạc và hình ảnh vệ tinh; bảo vệ các hệ thống không gian của các nước đồng minh bằng cách chia sẻ thông tin về các mối đe dọa tiềm ẩn. Trước mắt, một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm Vũ trụ là phục vụ hiệu quả cho các hoạt động của NATO ở Afghanistan, Kosovo, khu vực Baltic...

Về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, các nước thành viên NATO đã thống nhất quan điểm về việc kho vũ khí tên lửa có khả năng ngày càng tăng của Nga là sự gia tăng thách thức nghiêm trọng về quy mô và độ phức tạp. Đồng thời, thống nhất lên kế hoạch phản ứng toàn diện với các biện pháp chính trị và quân sự. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhìn nhận, đàm phán Nga - Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vừa qua đã đạt được nhiều tiến bộ khi cả Nga và Mỹ đều cho thấy thái độ hợp tác để gia hạn Hiệp ước này. NATO vẫn cam kết kiểm soát vũ khí và đã có thành tích lớn về giải trừ hạt nhân với việc giảm tới 90% số lượng vũ khí hạt nhân ở châu Âu trong 30 năm qua.

Trong vấn đề chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg khẳng định, tiến trình thảo luận đã đạt được nhiều tiến bộ theo hướng chia sẻ gánh nặng công bằng hơn. Năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp các đồng minh ở châu Âu và Canada tăng chi tiêu quốc phòng.

Ông Stoltenberg bày tỏ: “Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục. Các đồng minh cũng đang đầu tư nhiều hơn và tiếp tục đóng góp cho các sứ mệnh và hoạt động của NATO”. Thống kê của NATO cho thấy, trong năm nay, sẽ có 10 trong tổng số 30 thành viên đạt được mức chi tiêu quốc phòng của khối là 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các nước thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng nhằm san sẻ gánh nặng với Mỹ (Mỹ đang đóng góp 2/3 tổng chi tiêu quốc phòng toàn khối). Sức ép từ Mỹ đã tạo nên nhiều tranh cãi gay gắt và chia rẽ nội bộ NATO. Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, những tiến bộ mới đây trong vấn đề này là tín hiệu đáng mừng cho thấy nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ khối có hiệu quả.

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều biến động, nhất là sự tàn phá nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội của hầu hết quốc gia trên thế giới, chương trình nghị sự của NATO cũng đặc biệt coi trọng tới khả năng phục hồi của các nước thành viên, trong đó tập trung vào biện pháp khỏa lấp các lỗ hổng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, viễn thông,... Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: “Không thể có quân đội mạnh khi không có xã hội mạnh”.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, NATO hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và thúc đẩy khả năng phục hồi cho các nước thành viên. Điều này sẽ giúp NATO duy trì và củng cố sức mạnh, vị thế của mình nhằm đảm bảo tốt các sứ mệnh bảo vệ an ninh của mình tại các “điểm nóng” xung đột trên thế giới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-nhieu-tien-bo-trong-noi-luc-cua-nato-post434617.html