'Có những người rất am hiểu pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật'
Phó Chánh án TANDTC nêu thực tế có những người rất am hiểu pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật, tác động xấu đến nhận thức người dân.
Sáng 19/12, tại Trụ sở Chính phủ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Dự và chỉ đạo tại hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; cùng dự còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực: nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được nâng lên; hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường.
Qua đó, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Theo các đại biểu, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 32 cần đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức pháp luật cho đối tượng tuyên truyền.
Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, việc nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật là rất quan trọng. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có những người rất am hiểu pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật, cho nên việc tổ chức thực thi thật nghiêm pháp luật trong giai đoạn này rất quan trọng.
"Chỉ cần một vụ án mà những người am hiểu pháp luật vi phạm pháp luật thì tác động rất xấu đến nhận thức của người dân, làm giảm sút niềm tin vào việc chấp hành pháp luật. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu để nâng cao việc chấp hành pháp luật trong thực tiễn, nâng cao thượng tôn pháp luật”- bà Nguyễn Thúy Hiền nói.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó xác định xây dựng cơ quan tham mưu có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động cho công tác này.
Đồng thời, tổ chức cung cấp thông tin về pháp luật phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác, ứng dụng tối đa những thành tựu của khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong đó, xác định đổi mới công tác truyền thông về pháp luật gắn với đổi mới hoạt động truyền thông chính sách theo hướng mở rộng phạm vi của hoạt động này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ được giao làm đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Cùng với đó chú trọng việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị theo hướng chuyên nghiệp.
Trong đó, làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin pháp luật trước hết và chủ yếu là của Nhà nước mà đại diện là các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước được giao thi hành pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tổ chức triển khai tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là phối hợp, định hướng lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp để giải quyết các vấn đề đột xuất, vướng mắc về thực tiễn thi hành pháp luật.
Đồng thời phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia giám sát, phản biện chủ trương, chính sách, pháp luật và quá trình tổ chức thực hiện pháp luật để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm./.