Có những Sài Gòn rất nhỏ
Có bao giờ, khi yêu một điều gì quá đỗi, ta chỉ mong ước có thể thu nhỏ người mình yêu, bỏ tọt vô túi, mang theo khắp mọi nơi? Có bao giờ ta tuyệt vọng nghĩ có thể đánh đổi những gì để sờ chạm một lần nữa thôi, một món đồ, một nơi chốn, một kỷ vật của quá khứ mà bây giờ, ta chỉ còn có thể cố gắng để tưởng tượng và hình dung? Có bao giờ ta ao ước chỉ một lần nữa thôi, bước lại vào căn bếp của ngoại, để khứu giác của đứa nhỏ háu ăn được sà vào cái mùi lớp gỗ gạc-măng-rê đã ướp gia vị lưu cữu bao nhiêu năm? Có bao giờ ta ước bỏ cả Sài Gòn vô một cái hộp, rồi đóng kín, giữ nguyên nó như vậy, mặc cho ngoài kia có biến đổi ra sao?
Những câu chuyện ở viện bảo tàng ký ức
Có lẽ những ước ao lãng mạn và ngô nghê như vậy chỉ có ở những ai còn rất trẻ.
Thường thì người ta lớn lên, và nuôi nấng một tình yêu trừu tượng bằng những thử thách của những biến đổi thực tế. Ở đó, ký ức và trí tưởng tượng cứ hao mòn kiệt quệ dần, tỉ lệ nghịch với sự trưởng thành của một thị dân giữa lòng thành phố ngổn ngang, chẳng còn lưu lại kịp những gì vừa hình thành ký ức…
Cho đến một ngày, thị giác ta vấp phải một bộ salon kiểu cũ, một mẫu gạch bông, một cuộn băng video hệ NTSC… tiềm thức ta nấc lên vì quá sức, và những câu chuyện về những con người, những quãng đời xung quanh món vật cứ cất lên, miên man, san sẻ, ta nhận ra cùng món vật đó, cũng đã tạo ra xung chấn tương tự trong tim những người xa lạ sống cùng thành phố. Ta kết nối, ta tương lân đồng cảm tâm đắc thật thà, và ta nhận ra cái riềng mối của tính cộng đồng giữa các thị dân là vậy - những người sẻ chia ký ức.
Đó là điều đã diễn ra ở một cuộc triển lãm… đồ chơi với tên gọi Có một Sài Gòn (*).
Những món đồ chơi, đồ trang trí dạng mô hình, những sa bàn nhỏ vừa đủ chưng đâu đó trong tủ kiếng, để ngó chơi. Khó có thể nói đây là công việc sáng tạo hay thiết kế, tôi muốn gọi đó là công việc phục chế phục dựng thì đúng hơn. Bởi mỗi mô hình là một bộ cảnh trí về đời sống, sinh hoạt, tập quán phổ biến của đời sống thị dân Sài Gòn, một Sài Gòn một ai đó từng có, một Sài Gòn một ai đó từng kể ta nghe, và thậm chí một Sài Gòn đang hiển hiện đương thời, xô bồ, nhộn nhạo, như thể một ngày, rồi cũng sẽ thành ký ức mà thôi.
Một trò chơi của tuổi trẻ, một ao ước ít nhiều mang cái sự lãng mạn tới mức tuyệt vọng về một ký ức không hình không vóc. Và thế là người ta đã vật chất hóa tất thảy những gì mà thế hệ sinh sau đẻ muộn nọ đã không may mắn kịp nắm bắt.
Người ta có thể nghe thấy cả những tiếng nấc đâu đó trong đám người trẻ tuổi, khi run rẩy đưa ngón tay chạm vào chiếc bàn ở bộ salon nhỏ xíu, tỉ mỉ tới mức người ta có thể thấy những bức ảnh kỷ niệm gia đình được chèn bên dưới mặt kiếng.
Hồi đó, hầu như nhà ai cũng có bộ salon như vậy. Có nhà kỹ tánh thì lót đệm vuông, 1/3 đầu lưng tựa bọc lớp vài trắng viền ren, bằng không là bộ salon bằng gỗ màu cánh gián, mặt ghế thiệt thấp, hai tay vịn cong vòng. Trên chiếc bàn thấp hình chữ nhật, bao giờ cũng có miếng kiếng dày và nặng lót mặt bàn, chắc công dụng đầu tiên là để ngăn thấm nước, rồi không biết tự hồi nào, trở thành một kiểu khung hình độc đáo của mọi gia đình.
Hồi đó, ba mẹ hay thích chọn những tấm hình gia đình đẹp nhứt, hình cưới với cô dâu đeo gant trắng tay ôm bó lay-ơn, rồi hình hồi nhỏ của lũ con, hay một con chó con mèo đã mất… Không ít lần, tụi con nít dậy thì lớn lên, dẫn bạn về nhà chơi, muốn độn thổ khi chần dần dưới lớp kiếng bàn tiếp khách là tấm hình của chính mình hồi mới biết lật, khoe nguyên cặp mông đít nguyên sơ chần dần…
Mà hồi đó, không cần phải khá giả, hầu như trong phòng khách nào cũng có cái TV để chênh chếch gần bộ salon. Từ khi du nhập những chiếc TV đầu tiên, dân Sài Gòn cũng làm như dân Mỹ, chỗ chưng TV là ở phòng khách, cũng là phòng sinh hoạt chính của gia đình. Nó mang ý nghĩa quây quần hơn là mục đích trang trí trưng trổ phô trương cái tiện nghi mà theo lúc bấy giờ là tân tiến lắm.
“Nhưng khác với dân Mỹ một chỗ, em biết là gì không?”. Tôi quay qua hỏi cậu nhỏ không quen đang đứng kế bên, tuôn ra triền miên mấy câu chuyện kiểu “nhà em hồi xưa cũng có cái này…”.
“Đó là vì chỉ riêng ở Sài Gòn, chiếc TV trong phòng khách còn là để cả xóm, nhà nào chưa sắm TV thì tụi con nít, cả người lớn, có thể qua coi chung”.
Mà đâu riêng gì thời Sài Gòn mới có TV, mà ngay cái thời mới du nhập đầu máy VCR những năm 90, chiếc TV và đầu máy video chưng trong phòng khách cũng không nằm ngoài mục đích. Chủ nhà bỏ tiền mướn băng, kêu mấy đứa nhỏ hay qua coi ké cầm tiền đó ra tiệm mướn mấy cuộn băng để giành tối cả xóm coi.
Người thì đòi Hải âu phi xứ, Mùa thu lá bay, tụi choai choai thì đòi coi Rambo bắn súng, Lý Tiểu Long múa côn nhị khúc miệng kêu như mèo, cuối cùng thì mướn một lèo mấy cuộn, mua mì tôm để sẵn, tối cả xóm thức khuya luyện từ chưởng qua diễm tình, cười khóc hổ lốn râm ran. Có ai còn nhớ mấy miếng băng keo giấy dài sọc dán trên cuộn băng để ghi chú ngày tháng để dựa vô đó tính tiền?
Bây giờ thì hầu như mỗi phòng ngủ đều có riêng một TV, để ba mẹ con cái ai coi gì coi. Mà cũng mấy khi người ta coi TV nữa. Con nít người lớn nào cũng vậy, ai cũng có riêng cho mình một cái màn hình điện thoại, muốn coi gì coi.
Từ ăng-ten, nhựt trình, cho tới văn chương cân ký
Trong buổi tọa đàm ở cuộc triển lãm bỏ túi đó, người ta bày ra một trò vui, rằng ai tới mà mang theo một vật kỷ niệm và kể câu chuyện đi kèm thì sẽ được một món quà.
Băng video gia đình, những tờ bướm nhạc, vài cuốn tiểu thuyết cũ, v.v.. giữa đống đồ vật linh tinh kỳ cục đó, tôi cầm lên một cặp ăng-ten. Đó là loại ăng-ten cắm kèm trên đầu chiếc TV dạng hộp, nhưng rồi để bắt sóng nhiều đài hơn, sau này nhà nào cũng sắm ăng-ten trời, tức là nối dây cắm tuốt luốt trên nóc nhà. Thường thì ngoài tiệm có bán, nhưng nhiều nhà có cánh đàn ông tháo vát, tiết kiệm tự làm, rồi nối dây, vậy mà xài ngon lành.
Hồi đó, lãnh nhận vai trò chỉnh ăng-ten là một kiểu danh dự chỉ giành cho người trụ cột, khỏe mạnh, giỏi giang ghê gớm nhất trong gia đình. Thường là nhiệm vụ này giao cho ba hoặc ông anh hai trong nhà. Vậy là trước mỗi mùa giải đá banh, người ta lại nghe rộn lên tiếng cô vợ và bầy con nít gào từ dưới phòng khách vọng lên tới ông bố hoặc cậu con trai đang trần thân chỉnh ăng-ten tuốt trên mái nhà: “Rõ rồi! Chưa! Lại hụt rồi, hột không là hột!…”.
Những chiếc TV hiện đại bây giờ không xài cặp ăng-ten như cặp râu con gián loe ngoe như vậy nữa, và ăng-ten trời bây giờ cũng trở thành món vật biểu tượng cho một thời hủ lậu. Chẳng ai còn nhận ra bầu trời thành phố đã từ lâu không còn điểm xuyết giữa những mái tôn mái ngói lô xô, những cây ăng-ten trời lơ khơ, nửa như cành cây khô, nửa giống như mẩu xương cá thằng tắp một cách kì lạ, nhấp nhô cao thấp, chằng chịt đó đây.
Cứ như vậy, những món đồ cũ trong nhà, những chi tiết nhỏ xíu chỉ bằng đầu ngón tay trong mỗi mô hình cứ đầy lên bởi những câu chuyện. Dường như những người kể và những người nghe bắt đầu nhìn thấy không chỉ là những khung cảnh, những sa bàn xinh xắn ngô nghê… Người ta bắt đầu nhìn thấy cả những người thân, có thể ngửi thấy cả mùi hương, âm thanh, và tất thảy những gì đã thành trầm tích quá lâu trong ký ức.
Bên cạnh ông thợ hớt tóc vỉa hè, chắc chắn phải lỏng chỏng phất phơ đâu đó một tờ nhựt trình. Nói để mấy em đời 8X - 9X dễ hiểu, là tờ báo ngày. Tạp chí, nguyệt san thì hầu như hồi xưa hiếm lắm, cả tháng xuất bản một số, nên thành cuốn thành quyển, có bìa có ruột hẳn hoi.
Còn tin tức nóng hổi trong ngày thì kiếm mua báo tờ. Mấy ông chú ngồi vắt giò chờ vợ đi chợ, ngoắc một cái, là có thằng nhỏ cầm xấp báo trong ngày xề tới kế bên. Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên,… chờ thêm tin thời sự trên truyền hình và bản tin thời sự thế giới vào cỡ 8 giờ tối nữa là xong, nắm trọn thông tin trong ngoài đủ để nuôi đầy cho xôm câu chuyện bên cữ cà phê sáng.
Bởi vậy nên xóm nào mà ngoài mặt đường có ông thợ hớt tóc vỉa hè, là có thể nghiễm nhiên coi đó là trung tâm truyền thông của đàn ông trong xóm. Một chiếc ghế úp mặt vô tường, treo chiếc kiếng vừa đủ soi cái mặt, mấy cái lược nhựa tái sinh, bình xịt nước, chai keo Thái Lan màu xanh da trời có cái mùi kỳ cục gọi là xa xỉ điệu đà nhứt trong cái góc trau chuốt râu tóc đàn ông.
Họ tới đó, miễn cưỡng thực thi nghi thức ngoại hình, và thứ duy nhất khiến công việc đó trở nên hào hứng chính là tay thợ hay chuyện, vài tờ nhựt trình giết thời gian, mấy ông xe ôm già chuyện lê la gần đó, và một thằng nhỏ con bà bán quán cóc sẵn sàng phục vụ cà phê tới tận nơi. Bấy nhiêu cũng đủ xôm tụ cho cái góc đường rối ren thời sự, rặt phong vị tu mi nam tử bất luận thời chiến hay thời bình.
Một cô nhỏ, cỡ tuổi sinh viên, lách ngón tay vào một mô hình tiệm sách cũ, chạm vào một chiếc cân, loại màu xanh olive có cái dĩa nhôm để đựng đồ bỏ lên cân. Hồi đó ngoài chợ thường thấy 2 loại cân, một là cái cân tòn teng, giống đòn gánh chỉ có một đầu treo cái đĩa đựng, cái cán thì móc cục sắt tượng trưng trọng lượng. Người ta nhích dần cục sắt trên đòn cân có ghi vạch, áng chừng thăng bằng thì cứ nhè vạch mà đọc.
Thịt thà thứ dữ thì có cái cân hai bàn dĩa, cũng một dĩa để đựng thực phẩm, dĩa kia chọi vài trái cân to nhỏ lên, thêm bớt tới khi thăng bằng hai đầu cân thì cộng số gram trên mấy trái cân là ra. Tới giờ thì ít thấy, chỉ còn kiểu cân có đồng hồ này. Bự cỡ cái ghế đẩu, có mặt đồng hồ, đầu đội cái dĩa, cứ chọi đồ lên đó, đọc kim chỉ là ra số gram, số ký…
Cô nhỏ ngắt dòng miên man kể chuyện mấy cái cân của tôi: “Nhưng để trong tiệm sách làm gì chị?”.
Hồi mấy năm sau giải phóng, nhiều nhà còn giữ được sách báo cũ loại quý thì cũng đã thiêu hủy hoặc bán vỉa hè hết rồi. Những đợt sách báo cũ về sau, hầu như chẳng còn mấy giá trị, người ta không còn mua theo cuốn, theo nội dung nữa, mà được mua bởi thứ giá trị trần trụi, thực tế, và thấp mọn nhất của một cuốn sách: nguyên liệu giấy.
Thời đó, ngay cả tập học trò cũng bằng giấy tái chế đen thui. Công nghệ in ấn, báo chí, tập sách, đâu đâu cũng vậy. Có mấy cuốn tập giấy đen thi thoảng có trang vẫn còn cộm lên cọng rơm giữa mặt giấy. Hầu như chỉ mấy môn chính như toán và văn, tụi học trò mới dùng tập trắng.
Bởi vậy nên người ta thu gom giấy vụn ở khắp mọi nơi.
Giá trị những tác phẩm tân văn miền Nam đã tới thời được đong đếm bằng con số, em à!
Tất cả, cuối cùng, cũng chỉ trần truồng dưới dạng vật chất, vậy thôi, như cái sa bàn ký ức ta đang cầm nắm sờ chạm này đây, cũng là vật chất. Vậy mà sao cô nhỏ vừa hỏi tôi về cái cân đó, đứng lặng nghĩ gì lung lắm, rất lâu.
Vĩnh biệt ngài thái úy!
Tại khu trung tâm gian phòng triển lãm, xài ké của một quán cà phê, người ta trưng ra mô hình long trọng nhứt, và cũng là mô hình lớn nhứt, dù diện tích không quá nổi cái mâm ăn cơm: mô hình chợ Sài Gòn.
Nói Chợ Sài Gòn thì dân Sài Gòn khắc hiểu là cái chợ Bến Thành. Cái tên xuất xứ từ hồi con đường Nguyễn Huệ còn là con kinh Chợ Vải, chợ nằm trên bến trước thành Gia Định nên mới thành tên. Năm 1914 dời vô đây để lấp thành đại lộ, tên nọ còn giữ. Ngôi chợ nhà lồng đầu tiên đó nghiễm nhiên trở thành biểu tượng Sài Gòn.
Cũng không lạ lắm, khi lấy một ngôi chợ làm biểu tượng cho thủ phủ văn hóa văn nghệ. Ờ thì văn hóa chợ, cái đầu mối giao thương nằm ngay nút thắt Chợ Lớn - Sài Gòn, cũng chính là nền tảng giao thoa văn hóa. Trên cái mô hình nhỏ, chỉ thấy được mặt chính diện, hướng nhìn ra bùng binh Quách-Thị-Trang-không-có-chị-Quách-Thị-Trang bây giờ.
Hồi trước khi bịt kín đập nát cái bùng binh, người ta dời tượng đầu Quách Thị Trang qua công viên Bạch Tùng Diệp. Phía trên là tượng thái úy Trần Nguyên Hãn cưỡi tuấn mã. Làm như có linh giác, trước khi việc di dời tượng thái úy được thực hiện không lâu, chân sau của con ngựa trên bức tượng, tự nhiên sau hàng chục năm, đứt lìa rớt cái đùng xuống nền xi măng dưới mặt đường…
Mà bỏ qua cho tôi, tôi lại miên man lẩm cẩm. Đúng rồi, mặt chính chợ có cái đồng hồ. Hồi xưa Chính phủ Pháp cho xây chợ, chiếc đồng hồ kia đặt tận Thụy Sĩ đàng hoàng. Nghe đâu sau 100 năm, hãng đồng hồ nọ gửi thư của ủy ban thành phố, thưa rằng đồng hồ nọ sắp… hết hạn bảo hành, cho phép bổn hãng qua coi tu bổ lần cuối trước khi hết hạn. Lúc đó người ta mới ngớ người ra rồi trả lời cho hãng đồng hồ nọ là “Tiếc quá, chúng tôi không biết, nên cái đồng hồ trên mặt chợ đã được thay bằng cái đồng hồ Gimiko từ lâu rồi…”.
Tới giờ vẫn không ai biết số phận chiếc đồng hồ nguyên thủy của ngôi chợ nhà lồng trứ danh Nam bộ này giờ ra sao.
Mà thôi, thì đồng hồ Con Ngựa cũng có sao. Hồi đó, đài truyền hình bắt đầu phát triển giờ quảng cáo, thì siro Rừng Hương, mỹ phẩm Lan Hảo, nước hoa Thanh Hương và đồng hồ Gimiko quảng cáo rầm rộ gần như là đầu tiên. Đồng hồ hiệu con ngựa nên người ta gọi thành tên luôn.
Ngay đồng hồ bốn mặt thời còn đại lộ Nguyễn Huệ cũng xài đồng hồ hãng này. Chuông rất to, nhạc Tây, hơi khó nghe, không êm tai như tiếng kính cong của đồng hồ treo tường Âu châu. Chỉ mắc cười nhất là đồng hồ Con Ngựa phi như ngựa, có hôm, bốn mặt đồng hồ ngoài Nguyễn Huệ chạy không cái nào giống cái nào. Mấy bác tài xích lô (hồi đó còn xích lô) nói giỡn là “Đừng khi dể, mỗi chiếc là chạy một múi giờ của một nước…nào đó đó”.
Thôi nào, ta quay lại chợ Sài Gòn. Cái mô hình làm rất ngộ, khiến người ta có cảm giác như tất thảy tiểu thương trong nhà lồng chợ bị lùa ra cửa chính hết trọi, bởi thường trên thực tế, không bao giờ có ai bày hàng mua bán trước mặt cổng chợ như vậy. Chỉ trừ mấy ngày Tết, chợ đóng cửa, tiểu thương nghỉ lễ. Mấy hàng rong, hàng ăn vặt tranh thủ kiếm thêm, bán đồ cho người lên Sài Gòn chơi Tết mới tụ tập bán buôn ở đây dăm bữa. Thời nay thì hầu như Tết nhứt thây kệ, đời sống khó khăn, mùng 1 mùng 2 đã thấy người ta ra chợ buôn bán như thường.
Tréo ngoe là vậy, nhưng dù sai thực tế, cái mô hình chợ vẫn rất Sài Gòn, không phải ở cái dáng kiến trúc quen thuộc của ngôi chợ biểu tượng, mà ở chi li cái nếp bán buôn sinh hoạt, xe bông ngay kế gánh bún riêu, diễm tình kề cận bên tinh thần chợ búa.
Ngay cả hàng cây xanh kia cũng không giống trên thực tế. Viền rìa quanh chợ không có trồng cây xanh, nhưng trên mô hình thì có.
Một ông anh lối cũng trạc tuổi tôi khom mình dòm kỹ dưới gốc cây nhỏ xíu chỉ bằng ngón tay, gật gù. Tôi khom mình ngó theo: đây nè, cái dấu vết quen thuộc.
Thời thành phố còn nhiều cây xanh trên các con đường, đột nhiên có một ngày, dân thành phố tròn mắt ngạc nhiên khi thức dậy, thì phần gốc của tất cả cây xanh trong thành phố đều được sơn trắng toát. Khi đó tôi còn nhỏ lắm, ngơ ngác và giận dữ vì nhìn những hàng cây không còn tự nhiên nữa. Ba tôi nói làm việc đó là để đêm hôm, những đoạn đường tối, người đi xe có thể nhìn thấy gốc cây sơn trắng toát mà tránh không bị đâm sầm vô đó chớ sao. Hồi đó đa phần người ta đi xe đạp, có đèn xe máy chiếu vô đâu mà thấy được cái gốc cây đen thui.
Tự dưng từ đó, tôi có thiện cảm với những vệt sơn trắng bao quanh các gốc cây, như hiển hiện của một lối ân cần chu đáo dù còn rất thô sơ.
Những lớp sơn kia phai đi, lâu lâu người ta lại ra quân sơn lại cho mới.
Lâu rồi không nhìn thấy nữa, không hẳn bởi người ta không còn quan tâm sợ người đi đường tông gốc cây nữa, mà có lẽ bởi thành phố có còn cái cây nào nữa mà tông…
Loay hoay những kí ức không phải của mình
Chuyến du hành ngược thời gian cứ loanh quanh không dứt trong gian triển lãm nhỏ xíu, tá túc trong một tiệm cafe thời thượng. Những câu chuyện giữa những con người xa lạ cùng chia sẻ một nơi để sống. Cô gái trẻ, người làm nên những món đồ ngộ nghĩnh này trông như còn độ tuổi sinh viên, với đầy đủ dáng vẻ bộ tịch của một đứa đang khổ sở nhìn vào mắt hội đồng khảo thí vào ngày trưng bày đồ án tốt nghiệp.
Tôi cứ để mặc cô nhỏ hồi hộp dõi theo từng nhóm khách tham quan. Tôi cũng từng trải qua cảm giác giống như vậy, của kẻ trưng trổ những hoài niệm thậm chí chưa từng thuộc về mình.
Tôi, hay cô nhỏ trông như còn sinh viên ấy, chẳng có gì ngoài vài năm cuối cùng của thập niên 80 hay 90 của thế kỷ trước để làm ký ức. Thật sự, chỉ là một thế hệ đến ký ức cũng chắp vá, mượn vay nơi này chỗ khác.
Rồi kỳ cạch nhặt nhạnh, chắp nối thành những tác phẩm của mình. Những cuốn sách viết về Sài Gòn, những bản nhạc, kịch phẩm, kiểu quần áo, hay những mô hình đồ chơi…cái trào lưu hoài cổ của giới trẻ bây giờ, chẳng khác chi trò chơi phục chế.
Sự tuyệt vọng của kẻ sinh sau đẻ muộn chính là thứ động cơ màu nhiệm nhất. Cũng bởi sự tuyệt vọng mò mẫm tìm về cái quá khứ chưa bao giờ thật sự nhìn tận mắt sờ tận tay đó, nó sẽ cứ ám ảnh, thôi thúc, kẻ thèm chiêm ngưỡng phải tự tay mình kiến tạo nên cho chính mình sờ chạm, rồi tự lúc nào không rõ, nhận ra mình đã tình cờ chạm đến cả những vùng kí ức chắp vá của những người xa lạ đang sống cùng thành phố.
Tôi nhìn thấy những ông bố khom người bên chiếc mô hình, kể chuyện cho cậu con trai nghe về một chiếc Honda 67 hồi xưa mấy chú cảnh sát SBC phóng chạy vù vù như cao bồi, oai ghê lắm, tôi nhìn thấy những bà mẹ không còn trẻ nữa, reo lên tíu tít khoe với đứa con gái nhỏ về chiếc máy may có bàn đạp bà ngoại ngày xưa may áo Tết cho cả nhà. Tôi nhìn thấy những nhóm bạn 9X ngả nghiêng chỉ trỏ khi nhận ra tấm lịch treo tường đã thu nhỏ chỉ bằng kích cỡ hộp diêm, in hình Việt Trinh đầu đeo băng đô, thời phim Ngọc trong đá mới nổi…
Những câu chuyện, cứ vậy lan đi.
Cô nhỏ sinh viên - đầu lãnh sáng tạo của triển lãm Có một Sài Gòn khoe với tôi mô hình nhỏ hơn một cái bánh bèo, hình một dĩa cơm tấm: “Em muốn có cái để nói khi một người ngoại quốc hỏi em đặc sản Sài Gòn là gì, chị à!”.
Dĩa cơm tấm sườn bì chả, sinh động tới từng cọng củ cải, cà rốt ngâm chua, từng hột cơm bể tròn vo của loại gạo tấm - thứ gạo con nhà nghèo mà nấu cơm tơi hạt ngon kỳ lạ. Tôi có thể không cần nhắm mắt mà cũng có thể ngửi thấy cái mùi thơm khói đặc trưng của dãy cơm tấm khuya gần Lăng Ông một thời trứ danh với Cơm tấm ma…
Chẳng có ở đâu có cái món ăn Tây Tàu Ta Bắc Nam hổ lốn mà đề huề kỳ lạ, với dao dĩa như Tây, mà chan nước mắm pha ngọt kiểu miền Nam, lại đưa cơm ngon ơ với miếng bì miền Bắc như vậy.
Cũng như cái kí ức đô thị của em, của tôi, của chán vạn công dân xứ này, mỗi người một thế hệ, lại tìm thấy nhau một cách kì lạ, chỉ qua vài tiểu tiết đời thường.
Bất chợt, cứ như thể tất thảy đã từng cùng lớn lên từ chung một tuổi thơ, từng mua báo từ cùng một sạp báo, ăn vụng từ cùng một chiếc gạc-măng-rê mà sớ gỗ đã ấp lẫm mùi gia vị lâu năm lưu cữu…
Bất chợt, giữa một buổi sáng Chủ nhật giữa trung tâm thành phố, người ta tìm thấy mình cũng như đang thu nhỏ lại, cùng với nhau.
Chợt tôi gần như muốn bật cười khi hiểu ra: những người trẻ, họ có ký ức về Sài Gòn xưa đó chớ, thì chính họ đang phục chế nó, tay họ đã chạm, mắt họ đã nhìn, và yêu tha thiết vậy, thì ký ức được vật chất hóa nọ, là của họ - những người trẻ tự tạo ký ức đó chớ đâu.
Và thế là bây giờ, người ta có thể sở hữu Sài Gòn của riêng họ, mang về, cất vào một nơi nào đó, và sẽ chẳng còn gì có thể xâm phạm đến một Sài Gòn vĩnh cửu của riêng mỗi người nữa. Ở một nơi nào đó, hữu hình hay vô hình, Sài Gòn vẫn vậy mà thôi.
Trác Thúy Miêu - Ảnh: SGX
_______________________
(*) Triển lãm "Có một Sài Gòn" của nhóm mô hình Sài Gòn Xưa trưng bày các mô hình thu nhỏ về đô thị xưa, tại tòa nhà Bitexco (quận 1) ngày 4-5.5. Ảnh trong bài là các mô hình tại triển lãm.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/co-nhung-sai-gon-rat-nho-18837.html