Có nỗi đau nào sâu hơn nỗi đau cả chồng lẫn con hy sinh giữa thời bình

Trong căn hộ nhỏ của một chung cư ở phường Nha Trang (Khánh Hòa), trên bàn thờ nơi có di ảnh hai liệt sĩ là chồng và con trai, ngọn đèn dầu vẫn được Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Minh Thủy thắp mỗi đêm. Ngọn lửa nhỏ ấy không chỉ là ánh sáng cho người đã khuất mà đó là cách để bà nhắc nhở mình rằng: Phải sống tiếp, phải giữ lửa. Bà tâm sự: 'Tôi giữ ngọn lửa ấy - không phải để soi đường cho người đã đi, mà để nhắc mình không được tắt lửa lòng'.

 Mỗi tối, Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy vẫn lặng lẽ thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ như một cách để thắp sáng ký ức về chồng và con trai mình

Mỗi tối, Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy vẫn lặng lẽ thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ như một cách để thắp sáng ký ức về chồng và con trai mình

Hồi ức viết bằng nước mắt

"Có nỗi đau nào sâu hơn nỗi đau phải tiễn biệt cả chồng lẫn con không em?", Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng nói xót xa. Chồng và con đều là phi công có hạng và lần lượt hy sinh khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay. Trong những đêm vắng, bà ngồi lặng lẽ, nước mắt âm thầm rơi xuống như một cách trò chuyện cùng quá khứ. Mỗi giọt nước mắt ấy lại đánh thức những ký ức. Và cứ thế, hồi ức mất mát vẫn len lỏi trở về, vây lấy bà qua từng tháng năm.

"Tôi nhớ như in ngày định mệnh ấy. Khi đang làm việc thì tôi nhận được cuộc gọi bảo đến ngay đơn vị của chồng tôi. Linh cảm có chuyện, tôi lao thẳng xe vào cổng gác mà quên rằng phải xuống xe ở cổng gác đơn vị bộ đội, nhưng không ai ngăn cản tôi. Chiều 29/4/2005, anh Dương Văn Thanh, chồng tôi, đã không trở về sau chuyến bay huấn luyện. Chiếc máy bay L-39 mang số hiệu 8732 gặp sự cố. Vào những giây phút cuối cùng, anh cố gắng điều khiển máy bay hướng ra biển, tránh không lao vào đảo Hòn Tre, nơi khi đó có đông du khách và ngư dân. Anh hy sinh, vẫn giữ nguyên tư thế ngồi trong khoang lái. Tấm lịch trên bàn làm việc của anh dừng lại đúng ngày hôm đó, mãi mãi.…", bà Lê Thị Minh Thủy nghẹn ngào kể.

Nén chặt nỗi đau, bà không cho phép mình gục ngã, vì lúc đó, con gái mới học lớp 8, còn con trai Dương Lê Minh đang học để trở thành phi công nối nghiệp cha. Có những chuỗi ngày như trôi trong sương mù, vô định, không ai thấu được nỗi cô độc ấy. Không còn những bữa cơm gia đình quây quần đủ các thành viên, không còn tiếng cười trong căn nhà nhỏ. Thời gian trôi qua trong những vòng lặp lặng lẽ: Chạy xe đi làm, về thắp nhang, tắt đèn, rồi lại đốt đèn lên. Đó chính là cách để người vợ ấy thắp sáng ký ức đẹp về chồng mình. Ngọn lửa ấy như ánh sáng dẫn đường, âm thầm soi lối cho 3 mẹ con giữa những tháng ngày tuyệt vọng, giúp bà đứng vững qua chông chênh.

Thời gian trôi qua, phi công trẻ Dương Lê Minh tốt nghiệp loại giỏi Trường Sĩ quan Không quân, về làm việc tại Tổng công ty Bay dịch vụ miền Nam, sau đó được tuyển chọn đi đào tạo phi công ở nước ngoài 2 năm (2008-2009). Về nước, Thiếu tá Dương Lê Minh làm giảng viên của Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Sau 11 năm 6 tháng 9 ngày kể từ lúc chồng hy sinh, khi vết thương cũ còn chưa lành, tai họa một lần nữa ập đến với gia đình bà Lê Thị Minh Thủy. Vào sáng 18/10/2016, Thiếu tá Dương Lê Minh hướng dẫn 2 học viên điều khiển máy bay trực thăng EC 130-T2 số hiệu VN-8632 tại núi Dinh thuộc địa phận huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ). Máy bay bị mất liên lạc tại núi Bao Quan. Sau hơn 1 ngày tìm kiếm, chiếc máy bay và 3 sĩ quan trẻ được tìm thấy, tất cả đều hy sinh. Tháng 7/2018, bà Lê Thị Minh Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng" ở tuổi 55 - là Mẹ VNAH trẻ tuổi nhất nước khi ấy.

Góc thờ có ngọn đèn dầu được thắp mỗi đêm - nơi ký ức và lòng tri ân dành cho 2 liệt sĩ

Góc thờ có ngọn đèn dầu được thắp mỗi đêm - nơi ký ức và lòng tri ân dành cho 2 liệt sĩ

Tưởng chừng sau giông bão, người phụ nữ ấy sẽ được sống an yên bên con, cháu. Nhưng số phận đôi khi quá nghiệt ngã. Trên bàn thờ, bên cạnh di ảnh của chồng, lại thêm một khung ảnh của con trai. Nhưng ngọn lửa đèn vẫn cháy, như một cách để bà Lê Thị Minh Thủy nhắc mình phải tiếp tục sống, để viết tiếp một chương mới của cuộc đời, dù không còn những người thân yêu kề bên.

Gieo lại yêu thương

Hơn 30 năm gắn bó với Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hòa cho đến lúc nghỉ hưu, bà Lê Thị Minh Thủy đã 2 lần trải qua những mất mát to lớn. Để bước qua nỗi đau, bà chọn cách sống tích cực bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, đồng hành cùng các đoàn y, bác sĩ đến khám, chữa bệnh cho trẻ em và người nghèo ở vùng khó. Bà thường kể cho các cháu nghe về câu chuyện của ông và cha chúng, dặn dò các cháu trân trọng giá trị đó, nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Không dừng lại ở đó, bà đã gửi tặng nhiều di vật của chồng và con trai cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Với bà, đó là cách để họ sống mãi trong ký ức đất nước về những người lính hi sinh giữa thời bình. Bà chỉ giữ lại chiếc điện thoại của chồng, được vớt từ biển, như một kỷ vật quý giá bên mình.

Chiếc hộp lưu giữ những kỷ vật

Chiếc hộp lưu giữ những kỷ vật

Nhẹ nhàng vuốt ve chiếc điện thoại cũ kỹ, Mẹ VNAH Lê Thị Minh Thủy kể lại kỷ niệm thời điểm tháng 7/2020, được ra Hà Nội dự lễ gặp mặt Bà mẹ VNAH toàn quốc. Khi đó bà là 1 trong số 300 Bà mẹ VNAH tham dự buổi lễ trong số gần 5.000 Bà mẹ VNAH còn sống.

Sự hy sinh của chồng và con trai được Tổ quốc ghi nhận. "Danh hiệu ấy tôi nhận thay cho họ - còn tôi, vẫn là một người phụ nữ như bao người: Đi chợ, ăn cơm một mình, ngủ chập chờn… nhưng không để bản thân tuyệt vọng", bà tâm sự.

Để giữ gìn ký ức, bà viết nhật ký gửi cho chồng và con trai. Trong từng trang giấy, bà kể về những ngày tháng một mình vượt qua khó khăn, những kỷ niệm, những giấc mơ, những lúc yếu lòng và cả lúc được phong danh hiệu. Nhật ký có đoạn: "Anh và con thân yêu! Hôm nay, em nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong lòng em tràn đầy cảm xúc, không phải vì danh hiệu, mà vì sự hi sinh thầm lặng của anh và con giữa thời bình, dù không có tiếng súng, không chiến hào khói lửa, nhưng sự hy sinh ấy vẫn đau đớn như bất kỳ cuộc chia ly nào giữa chiến trường. Khi nói chuyện với mọi người, em cũng từng nói: "Tôi không muốn ai gọi tôi là 'Mẹ Việt Nam Anh hùng trẻ tuổi nhất nước' - tôi muốn người ta nhớ rằng tôi vẫn sống tử tế, dù mất nhiều…".

Giữa bao nỗi đau, khoảnh khắc bên các cháu là niềm hạnh phúc trong cuộc đời của bà Lê Thị Minh Thủy

Giữa bao nỗi đau, khoảnh khắc bên các cháu là niềm hạnh phúc trong cuộc đời của bà Lê Thị Minh Thủy

Và có lẽ vì thế mà mỗi tối, bà vẫn lặng lẽ thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ dù không ai nhắc, không ai yêu cầu. Trong ánh sáng ấy, dường như chồng và con trai của bà vẫn đang hiện diện, dõi theo, đồng hành cùng bà trên đường đời còn lại - một chặng đường không còn tiếng cười quen thuộc, nhưng vẫn đầy yêu thương và sự kiên cường.

Bà nhìn lên bàn thờ, ánh mắt như chạm vào khoảng lặng của ký ức: "Một ngày kia tôi mất đi, tôi chỉ mong có ai đó tiếp tục thắp cho họ - và cho tôi - một ngọn lửa".

Hương Thảo

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-noi-dau-nao-sau-hon-noi-dau-ca-chong-lan-con-hy-sinh-giua-thoi-binh-20250725154514659.htm