Đừng để sự hoàn hảo kìm hãm tiềm năng của bạn
Trong cuốn sách 'Biến tiềm năng thành tài năng', Adam Grant đã chỉ ra 3 sai lầm phổ biến của người cầu toàn và cách thoát khỏi chiếc lồng vàng mang tên 'hoàn hảo'.
Bạn đã bao giờ rơi vào cảm giác: làm gì cũng phải chỉn chu tuyệt đối, không được phép sai, không được thất bại? Bạn nộp một bài tiểu luận mà phải sửa đến bản thứ 10, đăng một bức ảnh mất cả tiếng chỉnh màu, hoặc từ chối một cơ hội chỉ vì... sợ không làm tốt? Nếu thấy quen quen, bạn không cô đơn đâu, rất nhiều người trẻ đang bị "ám ảnh" bởi cái bóng của sự hoàn hảo.
Nghe thì có vẻ đây là một tiêu chuẩn đáng mơ ước. Nhưng thực tế, trong cuốn sách Biến tiềm năng thành tài năng, Adam Grant đã chỉ ra rằng: "Chủ nghĩa hoàn hảo nhốt chúng ta vào vòng xoáy của tầm nhìn hạn chế và việc tránh mắc lỗi: nó ngăn cản ta nhìn thấy những vấn đề lớn hơn; đồng thời, còn hạn chế ta làm chủ các kỹ năng đang ngày càng bị thu hẹp".

Sách Biến tiềm năng thành tài năng
Các nghiên cứu cho thấy người cầu toàn thường rơi vào 3 sai lầm phổ biến và tai hại:
Sai lầm đầu tiên: Họ quá để tâm vào những chi tiết vụn vặt. Họ dành hàng giờ loay hoay với một phần nhỏ của dự án, cố gắng "làm cho hoàn hảo" đến mức quên mất điều quan trọng nhất chính là mục tiêu và kết quả. Họ không thể nhìn thấy cả khu rừng vì cứ mải chăm chút từng cái cây. Càng cố gắng, họ càng kiệt sức, và điều tồi tệ là kết quả chẳng khả quan hơn là bao.
Sai lầm thứ hai: Họ né tránh thử thách chỉ vì sợ thất bại. Thay vì học một kỹ năng mới hay thử sức ở một lĩnh vực chưa quen, họ chọn “ở yên” trong vùng an toàn - nơi mà họ cho rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ. Điều này khiến họ mài dũa quá mức một tập hợp những kỹ năng hạn hẹp, trong khi thế giới ngoài kia đang không ngừng thay đổi. Dần dần, họ không tiến lên mà chỉ quanh quẩn trong vùng an toàn quen thuộc.
Sai lầm thứ ba: Khi mắc lỗi, họ đổ hết trách nhiệm lên chính mình. Họ tự trách bản thân và mang nỗi ám ảnh ấy như một cái gánh nặng suốt chặng đường sau đó. Nhưng như Adam Grant chia sẻ: "mục đích của việc soi xét lỗi lầm không phải là để làm tình làm tội quá khứ, mà là để làm bài học cho tương lai của chính mình". Nếu chỉ sống trong mặc cảm vì sai lầm chỉ khiến bạn mãi mắc kẹt trong quá khứ.
Chính tâm lý cầu toàn đã vô tình khiến bạn mắc kẹt. Nó không chỉ ngăn bạn bước ra khỏi vùng an toàn, mà còn khiến bạn nhìn sai cách về những sai lầm. Thay vì học hỏi từ vết ngã, bạn lại chìm vào tự trách, dằn vặt và mặc cảm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những cảm xúc đó, bạn sẽ chẳng thể tiến lên. Vì điều quan trọng nhất sau mỗi sai lầm không phải là cảm giác xấu hổ hay tiếc nuối, mà là: "Mình học được gì từ chuyện này?"

Chính tâm lý cầu toàn đã vô tình khiến bạn mắc kẹt. Nó không chỉ ngăn bạn bước ra khỏi vùng an toàn, mà còn khiến bạn nhìn sai cách về những sai lầm. Ảnh: Pinterest.
Như Adam Grant đã chia sẻ: thành công không dành cho những người hoàn hảo - mà dành cho những người dám không hoàn hảo, dám thử, dám sai và dám sửa. Thất bại không phải là điểm kết thúc, mà là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển. Không ai trưởng thành trong vùng an toàn cả và cũng chẳng ai thực sự giỏi nếu cứ mãi sợ sai.
Vậy nên, thay vì gồng mình để "hoàn hảo hóa" mọi thứ, hãy cho phép bản thân được thử nghiệm, được va vấp và được học hỏi. Vì đôi cánh không sinh ra để gấp lại, mà để mở ra và bay cao dù có phải đập vào vài cơn gió ngược.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-de-su-hoan-hao-kim-ham-tiem-nang-cua-ban-post1571074.html