Có phải 95% dược liệu được bày bán trên thị trường đều là trôi nổi, không rõ nguồn gốc?
Càng về cuối năm, lực lượng quản lý thị trường phát hiện càng nhiều cửa hàng, kho kinh doanh dược liệu trôi nổi, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trao đổi với VietTimes, PGS.TS. Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để quản lý chất lượng, hạn chế tình trạng buôn lậu dược liệu.
Ông có thể cho biết tình hình thực tế quản lý dược liệu hiện nay? Có ý kiến cho rằng 95% dược liệu được bày bán trên thị trường đều là dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ông có chia sẻ gì?
+, Việt Nam sử dụng số lượng lớn các loại dược liệu để phục vụ trong sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phần, chức phẩm chức năng. Phần nhiều các dược liệu này được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Từ năm 2014, Bộ Y tế (Cục Quản lý Y Dược cổ truyền) đã cấp phép cho việc nhập khẩu dược liệu để phục vụ sản xuất, kinh doanh và nguyên liệu làm thuốc theo nhu cầu của các đơn vị. Trong năm 2019, các đơn vị đã nhập khẩu hơn 2.000 tấn dược liệu các loại.
Ý kiến cho rằng 95% dược liệu được bày bán trên thị trường đều là dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc là không chính xác. Bởi các dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất hoặc kinh doanh đều có hợp đồng thu mua hoặc thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân, người dân khai thác ở trong nước, còn các dược liệu nhập khẩu phải được Bộ Y tế cấp phép.
Vậy còn thông tin một số cơ sở sản xuất ở nước ngoài có máy chiết xuất tinh chất dược liệu tinh vi, sau đó bán dược liệu thứ phẩm vào Việt Nam, thưa ông?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế).
+ Đây là thông tin không có cơ sở. Thực tế, dược liệu trên thị trường có 2 loại: dược liệu được chuẩn hóa để bán và dược liệu do người dân tự trồng, tự sử dụng.
Từ xa xưa, các thầy thuốc Việt ta đã rất quan tâm tới chất lượng dược liệu thuốc cổ truyền. Trong y huấn cách ngôn, cụ Hải Thượng Lãn Ông dạy làm sao cho thầy thuốc không tham rẻ, sử dụng dược liệu thứ phẩm, tránh khi bệnh trọng không có hiệu quả.
Hiện nay, trong dược liệu cũng có phần thượng phẩm và thứ phẩm, có cả những phần dược liệu không đủ chất lượng để làm thuốc.
Cục Quản lý Y dược cổ truyền đang cố gắng bảo tồn, sau đó thiết lập tiêu chuẩn về dược liệu của Việt Nam. Các dược liệu bán trên thị trường, trở thành hàng hóa thì phải có tiêu chuẩn, nguồn gốc, xuất xứ.
Tuy nhiên, dược liệu cổ truyền là cả một kho thuốc khổng lồ, việc tiêu chuẩn hóa không chỉ dựa vào kinh nghiệm của ông cha ta mà còn phải dựa vào nhiều tiêu chí khác, ví dụ sản xuất ở đâu, thu hái ở đâu, thời điểm nào, cây bao nhiêu tuổi, hồ sơ ra sao… Đó là cả một kho dữ liệu khổng lồ, không thể thực hiện chỉ trong một vài ngày là xong.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được kho dữ liệu, có được thông tư để quản lý chất lượng dược liệu, thì dược liệu sẽ từng bước được chuẩn hóa.
Càng về cuối năm, lực lượng quản lý thị trường phát hiện càng nhiều cửa hàng, kho kinh doanh dược liệu trôi nổi, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chúng ta đã có những chế tài, quy định gì trong việc quản lý chất lượng các loại dược liệu? Vì sao có tình trạng hàng chục tấn dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nói trên?
PGS.TS. Phạm Vũ Khánh trả lời VietTimes về tình hình quản lý dược liệu trong nước.
+, Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý dược liệu, thuốc cổ truyền trong đó chú trọng vấn đề nguồn gốc và chất lượng dược liệu. Mặc dù đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện tình trạng buôn lậu, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã phối hợp với các lực lượng của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thu giữ tang vật dược liệu làm thuốc bắc chứa đầy 5 xe container và nhiều xe tải nhỏ với tổng trọng lượng hơn 100 tấn. Qua đây, có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp.
Do đó, muốn kiểm soát vấn đề nhập lậu dược liệu, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, phân rõ trách nhiệm cho hải quan, biên phòng, công an, quản lý thị trường. Cục Quản lý Y dược cổ truyền cũng chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền và tăng cường phối hợp với các Sở ban ngành để kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược liệu lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Tại các bệnh viện, chúng tôi đề nghị thành lập các hội đồng về thuốc, để theo dõi, bảo quản, phát hiện những vấn đề về dược liệu, phản hồi trở lại để chỉ đạo chuẩn xác hơn.
Dược liệu đông y trôi nổi trên thị trường tiềm ẩn nguy cơ gì đối với sức khỏe của người dân, thưa ông?
Một kho dược liệu bị cơ quan chức năng kiểm tra (Nguồn: Internet)
+ Dược liệu trôi nổi trên thị trường chưa được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, bảo quản đúng quy định trước khi đưa vào lưu thông, phân phối và lưu hành sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo chất lượng, như bị nhiễm nấm mốc, mối mọt, lẫn tạp chất, hàm lượng hoạt chất thay đổi trong quá trình lưu hành, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh, gây ra các phản ứng dị ứng, gây rối loạn tiêu hóa…
Ví dụ nhân trần cao và bồ bồ - đều là vị thuốc xuất phát từ cây nhân trần, nhưng chữa 2 bệnh khác nhau, nếu sử dụng sai hoặc bị nhầm lẫn, thì khiến cho bài thuốc không có hiệu quả, tác động tiêu cực tới cơ thể người bệnh.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán trái phép dược liệu?
+, Chính phủ đã có Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu. Theo tôi, khi chất lượng của dược liệu tăng lên, thì uy tín của y học cổ truyền cũng tăng lên và chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền luôn luôn nhắc nhở các bệnh viện kiểm soát để có thuốc tốt, các sở y tế kiểm soát chất lượng dược liệu cho tốt.
Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ ban ngành, các cơ quan chức năng có liên quan nhằm nâng cao công tác đấu tranh với các dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc, dược liệu khai thác trái phép, dược liệu không đảm bảo chất lượng.