Có phải khi say con người sẽ trở nên thành thật hơn hay không?

Có câu 'Rượu vào, lời ra', nhưng liệu khi say, con người có thực sự thành thật hơn? Hay đó chỉ là ảo giác do cồn gây ra?

Từ thời La Mã cổ đại, câu ngạn ngữ Latin "In vino veritas" (tạm dịch: "Trong rượu có sự thật") đã củng cố niềm tin rằng rượu có thể khiến con người nói ra những gì họ thực sự nghĩ. Nhưng khoa học hiện đại lại có câu trả lời phức tạp hơn nhiều.

Theo Aaron White, trưởng bộ phận Dịch tễ học và Thống kê sinh học tại Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện Rượu Hoa Kỳ, rượu không hẳn giúp con người trung thực hơn, mà đơn giản là khiến họ mất kiểm soát lời nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

"Rượu khiến chúng ta có xu hướng nói ra bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu," White cho biết. "Đôi khi đó là sự thật, nhưng cũng có lúc đó chỉ là những gì ta nghĩ là sự thật trong trạng thái say xỉn."

Nói cách khác, rượu có thể khiến ai đó tiết lộ bí mật thầm kín, nhưng cũng có thể làm họ nói ra những điều phi thực tế, như việc tuyên bố sẽ bỏ việc, chuyển đến một nơi xa, hay thậm chí tỏ tình một cách bồng bột, chỉ để sáng hôm sau lại phủ nhận tất cả.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rượu tác động mạnh đến cảm xúc và tính cách. Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Clinical Psychological Science chỉ ra rằng sau khi uống đủ lượng rượu để đạt mức cồn trong máu 0,09% (vượt giới hạn lái xe ở Mỹ và Anh), người tham gia trở nên hướng ngoại hơn rõ rệt.

Michael Sayette, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pittsburgh, cho biết rượu làm khuếch đại cảm xúc. "Trong những tình huống vui vẻ, ta có thể cười nhiều hơn, nói to hơn. Nhưng khi buồn, ta cũng dễ rơi nước mắt hơn," ông nói.

Điều này giải thích vì sao một số người khi say trở nên vui vẻ, sôi nổi, trong khi người khác lại dễ cáu kỉnh hoặc suy sụp. Rượu không chỉ làm con người bộc lộ bản thân mà còn khiến suy nghĩ của họ trở nên thất thường.

Tác động mạnh mẽ của rượu lên lời nói và hành vi xuất phát từ việc nó làm giảm hoạt động ở vỏ não trước trán, khu vực kiểm soát xung động và ra quyết định. Điều này khiến con người có xu hướng hành động bộc phát hơn, từ nói ra suy nghĩ thật lòng đến... gây gổ hoặc đặt cược hết tiền vào một ván bài.

Không chỉ vậy, rượu còn làm suy yếu chức năng của hạch hạnh nhân, bộ phận chịu trách nhiệm xử lý cảm giác sợ hãi và lo lắng. Khi tỉnh táo, hạch hạnh nhân giúp chúng ta kiềm chế những lời nói có thể gây rắc rối. Nhưng dưới tác động của rượu, "bộ lọc" này suy yếu, khiến con người dễ dàng thốt ra những điều mà bình thường họ sẽ giữ lại trong lòng.

Dù rượu có thể làm con người bộc bạch những điều họ giấu kín, nhưng nó cũng dễ khiến họ nói ra những điều không thực sự phản ánh suy nghĩ khi tỉnh táo. Chúng ta có thể thẳng thắn hơn, nhưng cũng dễ nói năng bốc đồng, thậm chí hối hận vào sáng hôm sau.

"Rượu không phải là huyết thanh sự thật," White khẳng định. "Chắc chắn là vậy."

Vậy nên, lần sau nếu một người bạn say rượu thổ lộ bí mật hay bày tỏ tình cảm với bạn, hãy nhớ rằng: có thể đó là sự thật, nhưng cũng có thể chỉ là những lời bộc phát trong cơn say.

Như Ý (Live Science)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/co-phai-khi-say-con-nguoi-se-tro-nen-thanh-that-hon-hay-khong/20250328094814287