Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: 3 rào cản lớn
Cổ phần hóa góp phần thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp nhà nước …
Tuy nhiên đến nay, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra.
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2020, đã cổ phần hóa được 180 doanh nghiệp, với tổng giá trị 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa cao. Tại nhiều doanh nghiệp, cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền quyết định nên thực chất không có đổi mới.
Tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp" được tổ chức mới đây, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính – đã nêu 3 vấn đề lớn cản trở cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay, đó là: Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn ì ạch, không đạt kết quả đề ra theo danh mục, tiến độ và đề án Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; nguồn thu về cổ phần hóa không đạt yêu cầu; việc xác định giá trị của doanh nghiệp không chính xác, thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại, gây thất thoát, lãng phí.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng. Điều này kéo theo nỗi lo cổ phần hóa năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục không thực hiện được.
Hơn thế, việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên, thời gian qua, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thường thấp hơn giá trị thực tế, sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên bình quân tới 2,8 lần. Điều này cho thấy, xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác, trong đó đặc biệt là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Nên tách đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu: Sự thất thoát tài sản công là đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ là định giá thấp, mà còn thể hiện qua "tư nhân hóa ngầm" đất công.
Vì vậy, để giải quyết căn cơ tình trạng này, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, cần xem xét lại việc có nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hay không? Nên tách riêng vấn đề đất đai ra khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp sẽ thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm, không được chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, giá cho thuê sẽ sát với giá thị trường, nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại nhà nước để đấu giá chuyển mục đích sử dụng, tránh thất thoát tài sản.
Đại diện các doanh nghiệp nhà nước tham dự hội thảo cũng thừa nhận, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa rất phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ. Giá trị đất không xác định được chính xác cũng gây rủi ro cho hoạt động của doanh nghiệp sau này khi các cơ quan nhà nước vào thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, không nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần. Như vậy sẽ đơn giản hơn, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp sau này.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Thanh Tâm
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-3-rao-can-lon-178490.html