Cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021: Chưa quyết liệt, còn tư tưởng đối phó
Cho đến nay, hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ; kịp thời làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Song tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 tiếp tục chậm, không đạt yêu cầu đề ra do những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.
Kết quả đạt rất thấp so với kế hoạch
Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) mới đây cho biết, trong năm 2021 đã cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp, trong đó những địa phương còn nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa lớn như: Hà Nội (13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch); TP. Hồ Chí Minh (38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch).
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2021 vẫn rất “ì ạch”.
Về thoái vốn, trong năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.
Tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu cầu kế hoạch đề ra; nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 1.401 tỷ đồng, không đáp ứng yêu cầu thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Về cơ chế chính sách, đến nay hệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ; kịp thời được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó đã quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung như về điều kiện cổ phần hóa gắn với phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; bổ sung quy định về kiểm kê tài sản chuyên ngành, xử lý đối chiếu nợ đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực viễn thông…
Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt
Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn là do các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Các tồn tại, bất cập làm chậm quá trình cổ phần hóa thời gian qua có những nguyên nhân khách quan là doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, công tác bán vốn nhà nước phụ thuộc vào thị trường, do tình hình của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán, công tác xác định giá trị doanh nghiệp…
Tuy vậy, nguyên nhân chủ quan quan trọng là trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện nên còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không cần nắm giữ vốn đạt thấp.
Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm. Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Để khắc phục những vấn đề này và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, một số giải pháp đã được Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất.
Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tổng hợp, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại công văn số 13305/BTC-TCDN ngày 22/11/2021. Ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt và ký tắt vào dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, các doanh nghiệp và địa phương để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhất là tại các địa phương, thành phố lớn, có nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN rà soát những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý dứt điểm trước khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh cổ phần hóa,
thoái vốn
Trong quá trình tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp đã xây dựng một loạt thông tư: Thông tư hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC (thay thế Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018); Thông tư thay thế các Thông tư số 69/2018/TT-BTC ngày 08/8/2018 hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đủ điều kiện cổ phần hóa và Thông tư số 50/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của DNNN có chức năng mua, bán, xử lý nợ; Thông tư thay thế Thông tư số 55/2019/TT-BTC ngày 21/8/2019 hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu DNNN…