Cô phát thanh viên xinh đẹp

PTĐT - Như một thói quen, cứ cơm nước xong là ông Chõe lại ngồi trước màn hình vô tuyến. Dù bận đến mấy ông cũng phải xem bằng được bản tin thời sự và chương trình văn nghệ của đài. Ông 'theo dòng thời sự' một mặt là ở cái tính ham hiểu biết của mình, mặt khác còn do ông là cộng tác viên một số tờ báo của tỉnh. Phải biết thì mới viết được chứ.

PTĐT - Như một thói quen, cứ cơm nước xong là ông Chõe lại ngồi trước màn hình vô tuyến. Dù bận đến mấy ông cũng phải xem bằng được bản tin thời sự và chương trình văn nghệ của đài. Ông “theo dòng thời sự” một mặt là ở cái tính ham hiểu biết của mình, mặt khác còn do ông là cộng tác viên một số tờ báo của tỉnh. Phải biết thì mới viết được chứ.
Mấy tháng nay, ông Chõe đốc chứng ra làm thơ. Ngoài tin, bài viết gửi báo, ông Chõe còn giấu vợ gửi đăng báo những bài thơ mình mới sáng tác. Cái sự dẫn đến việc ông làm thơ bắt nguồn từ cô phát thanh viên Phương Thùy. Cô này mới xuất hiện ở đài với vẻ đẹp kiêu sa và giọng nói truyền cảm hấp dẫn khuôn mặt khả ái, đôi mắt sáng ngời, tự tin, cái miệng xinh xắn khi thì nghiêm trang với những bản tin chính luận, lúc lại tươi cười, duyên dáng với những lời dẫn văn nghệ. Ông nghiện xem vô tuyến cũng vì nàng. “Thưa quý vị và các bạn!”. Ông Chõe giật mình nhìn lên màn hình. Phương Thùy! Ông khẽ reo lên. “Tháng 6 đã lại về. Những người làm báo đang náo nức đón chờ ngày báo chí cách mạng. Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam đã được dấy lên khắp nơi trong cả nước…”. Tiếng Phương Thùy như rót vào tai ông. Hình như cô ấy còn mỉm cười với ông nữa. Đúng rồi! Mình cũng thuộc giới báo chí chứ? Là cộng tác viên của báo thì mình cũng là… là gì nhỉ? Là nhà báo chứ còn là gì nữa? Thì cứ cho là thế đi! Vậy thì ngày 21-6 cũng là ngày của mình. Và mình với Phương Thùy cũng là đồng nghiệp. Ông Chõe nghĩ vậy và vui hẳn lên. Chiều nay, sau bao tháng đợi chờ, cuối cùng tờ báo tỉnh cũng đã đăng bài thơ của ông. Cầm tờ báo trên tay, ông Chõe run run không tin nổi mắt mình. Dụi mắt mấy lần, bài thơ “Tìm em trên sóng” của ông vẫn hiện rõ trên trang báo. Và giờ này, Phương Thùy kia, ông Chõe chỉ muốn cầm tờ báo đó mà khoe với cô, thầm thì nói vào tai cô: “Bài thơ này tôi viết tặng em đó”. Ông Chõe lâng lâng nghĩ mình không chỉ là nhà báo mà còn là nhà thơ nữa. Sau “vụ” bài thơ được in báo, tiếng tăm ông Chõe vốn đã nổi nay lại càng nổi hơn. Lão “Chõe bò” biết làm thơ các bà ạ. Thơ lão hay mới ác chứ. Dân làng hàng xã nể ông là người chăn nuôi bò, làm kinh tế giỏi nhất xã. Nhà xây, xe máy, ti vi, tủ lạnh… trong nhà ông đều từ bò mà ra cả. Số cán bộ, giáo viên nể ông, phục ông vì tên ông thường xuyên xuất hiện trên các báo, vì những bài viết ca ngợi quê hương, biểu dương những người tốt, việc tốt của làng xã của ông. Lãnh đạo xã lấy ông là nhân tố điển hình về làm kinh tế, tuyên truyền viên đắc lực của xã. Một buổi sáng, đang thả bò trên đồi, thì có mấy người kéo đến tìm ông. Đi đầu là chủ tịch xã, theo sau là mấy người lỉnh kỉnh với những máy ảnh, ca-mê-ra, túi nọ, cặp kia. Chắc họ đi khảo sát vùng đồi cho quy hoạch nông thôn mới. Ông Chõe nhìn họ và nghĩ vậy. “Chào bác Chõe! Đàn bò nhà bác đông quá, con nào cũng béo tốt cả. Thật lời đồn quả không sai”. Chủ tịch xã lên tiếng chào ông. Ông Chõe vồn vã chào lại: “Chú cứ quá lời. Hôm nay có việc gì mà các vị lên đây thế?”. “Giới thiệu với bác Chõe đây là mấy cô, cậu ở đài truyền thanh truyền hình huyện muốn ghi hình, đưa tin, làm cái phóng sự về bác. Còn giới thiệu với nhà đài đây là bác Chõe, chủ trang trại chăn nuôi bò, nhà báo, nhà thơ của xã tôi đấy”. Chủ tịch xã còn thông báo “Sắp tới, huyện tổ chức hội nghị biểu dương các hộ sản xuất giỏi chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ phát động phong trào thi đua yêu nước. Thường vụ xã đã họp, nhất trí chọn bác đi dự hội nghị này”. Ông Chõe xua tay: “Đừng. Tôi không đi đâu. So với người ta tôi vẫn chưa là điển hình được. Xã cử người khác đi”. “Bác làm kinh tế giỏi, lại văn hay, chữ tốt, nói năng đâu ra đấy, bác đi dự hội nghị này là chuẩn ạ. Không phải ai cũng được đi đâu”, Chủ tịch xã giải thích. “Đúng vậy bác ạ. Chúng em phải làm phóng sự phục vụ cho hội nghị biểu dương, mong bác tạo điều kiện cho chúng em tác nghiệp”, cậu trưởng đài năn nỉ. “Dưng mà… tôi chưa đứng trước ống kính bao giờ đâu. Mà cũng chẳng biết nói gì đâu đấy. Các cậu làm thế nào thì làm”. “Yên trí. Bác cứ thả bò như thường ngày. Anh em chúng em hỏi câu nào thì bác trả lời câu ấy. Làm thế nào thì bác nói thế. Tự nhiên như nói chuyện mà bác”. Cậu trưởng đài giải thích. Tay này khéo thật. Đận này mà có Phương Thùy lên sóng làm MC cho mình thì… Hội nghị tổ chức rất hoành tráng. Ông Chõe chìm trong rừng cờ hoa và những lời chúc tụng. Xong báo cáo chính của huyện, sang phần giao lưu. Cả hội trường trầm trồ khi một cô gái đẹp lộng lẫy bước ra sân khấu cùng với những tràng pháo tay. Cô gái ngẩng mặt nhìn khắp lượt đại biểu. “Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!”. Chỉ nghe được có vậy, tai ông Chõe ù đi. Miệng ông há ra. Mắt ông tròn xoe: “Phương Thùy! Đúng Phương Thùy rồi!”. Người mà bấy lâu nay ông mơ tưởng và làm thơ đang đứng duyên dáng trên sân khấu kia ư? Ông Chõe lâng lâng như bay trên không. “Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện ta đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Chúng tôi trân trọng giới thiệu một trong những tấm gương điển hình đó. Gia đình ông là hộ chăn nuôi bò giỏi nhất nhì của huyện. Nhờ bò mà gia đình ông đã giàu lên một cách vững chắc, giúp nhiều người xóa đói giảm nghèo vươn lên. Vâng, xin trân trọng giới thiệu và kính mời lên sân khấu ông Đỗ Đình Chõe ở xã Minh Quang sẽ giao lưu với chúng ta”. Tiếng Phương Thùy dõng dạc. Ông Chõe ngơ ngác nhìn mọi người, một lúc rồi vẫn không có ai đứng lên. “Xin mời ông Đỗ Đình Chõe ạ”. Phương Thùy nhắc lại. Chủ tịch xã ngồi bên hích vào vai ông: “Lên đi!”. Ông Chõe lóng ngóng: “Tôi á?”. “Chứ còn ai vào đây nữa. Lên đi!”. Người ông Chõe run lên. Ông lúng túng đứng dậy đi lên sân khấu. Phương Thùy tươi cười đưa tay mời ông ngồi vào chiếc ghế cùng hai vị nữa.Từ bấy trở đi, ông Chõe như một cái máy. Mãi sau, ông mới trấn tĩnh trở lại. Phương Thùy dẫn mọi người thăm trang trại bò của ông qua phóng sự truyền hình đã quay dạo trước. Trong lúc mọi người xem phóng sự, ông lặng ngắm Phương Thùy. Công nhận cô ấy đẹp thật. Rồi ông bị cuốn hút theo những câu hỏi của nàng. Ông tự tin dần lên. Rồi thoải mái trả lời phỏng vấn như nói chuyện với người thân. Thì có sao nói vậy, với lại cô ấy hỏi những câu hỏi gần gũi lắm. Nhiều lúc, cả hội trường rộ lên tiếng vỗ tay ào ào tán thưởng. Đoạn, bỗng nhiên Phương Thùy chuyển hướng: “Thưa quý vị và các bạn! Không chỉ là người nuôi bò, làm kinh tế giỏi, bác Chõe đây còn là cộng tác viên của một số tờ báo tỉnh và đặc biệt bác còn là nhà thơ nữa. Để thay đổi không khí, xin mời bác đọc tặng chúng ta một bài thơ mới sáng tác của mình”.Cả hội trường ào lên tiếng vỗ tay, ông Chõe lúng túng. Phương Thùy nhìn ông khích lệ. Thoáng chút bối rối, ông Chõe nhìn vào đôi mắt Phương Thùy. Cô gật đầu khích lệ. Như được tiếp thêm sức mạnh, ông Chõe cầm micro đứng dậy: “Kính thưa bà con! Tôi chỉ là một anh nông dân quê mùa yêu thích văn thơ báo chí và đang tập tọe làm thơ, viết báo. Được sự gợi ý của chị Phương Thùy, nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin đọc tặng các nhà báo, quý vị đại biểu và toàn thể hội nghị bài thơ tôi mới sáng tác. Bài thơ có tựa đề là “Tìm em trên sóng”. Mời quý vị thưởng thức”. Ông Chõe thả hồn lên đồng đọc thơ. Đọc xong một lúc rồi mà hội trường vẫn lặng phắc. Rồi tiếng vỗ tay của mọi người bỗng ào lên không dứt. Phương Thùy bắt chặt tay ông. Bà trưởng Ban Tuyên giáo huyện rút vội bông hoa trên bình lên tặng ông. Chủ tịch xã thấy vậy cũng ôm một bó hoa chạy lên sân khấu. Trưởng đài huyện cũng vội làm theo họ. Máy ảnh, máy quay tập trung hết vào ông Chõe. Phương Thùy thoáng lúng túng. Cô cười tươi với mọi người và ánh mắt ngời lên nhìn ông Chõe. Sau hội nghị ấy, ông Chõe nán lại cố gặp Phương Thùy. Chẳng dè Phương Thùy cũng đang tìm gặp ông. “Cảm ơn Phương Thùy nhiều lắm. Hôm nay em làm cho tôi tự hào nhiều quá. Mà sao em biết tôi làm thơ để giới thiệu thế”. Ông Chõe hỏi. Phương Thùy cười tươi: “Thì thế mới là làm báo. Tháng trước, anh chẳng có bài thơ “Tìm em trên sóng” đăng báo là gì. Với lại, trước lúc làm chương trình, em đã tìm hiểu qua mấy anh ở đài huyện rồi. Hơn nữa, em gặp anh trên báo nhiều lắm. Thì ra thế. Ông Chõe mạnh dạn tự tin, nhìn thẳng vào đôi mắt Phương Thùy nói: “Bài thơ này tôi viết cho em đấy. Chúc mừng em ngày báo chí nhé”. Phương Thùy im lặng giây lát rồi khẽ nói: “Em cảm ơn anh. Thật hạnh phúc đối với người làm báo có được những người mến mộ và đồng cảm chia sẻ như anh”.

Truyện ngắn: Đỗ Xuân Thu

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/201906/co-phat-thanh-vien-xinh-dep-165314