Cổ phiếu Apple giảm sâu khi Trung Quốc cấm dùng iPhone tại một số cơ quan chính phủ
Cổ phiếu Apple sụt giảm tồi tệ nhất trong một tháng sau thông tin Trung Quốc ra lệnh cho quan chức và nhân viên tại một số cơ quan chính phủ không được sử dụng iPhone để làm việc hoặc mang smartphone của Apple vào văn phòng.
Trang SCMP cho biết lệnh này đã được ban hành vào tháng 8 cho nhân viên và quan chức tại các Bộ chuyên về đầu tư, thương mại và quan hệ quốc tế.
Nhân viên tại các Bộ này có thời hạn cho tới cuối tháng 9 để chuyển sang dùng smartphone của hãng khác cho công việc.
Theo các nguồn tin am hiểu tình hình, các hạn chế về việc sử dụng điện thoại không được áp dụng với tất cả các Bộ và lệnh này chỉ nhắm tới iPhone (được thiết kế ở bang California, Mỹ) và không liên quan đến các smartphone khác của các thương hiệu nước ngoài.
Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường công nghệ Counterpoint Research, iPhone là thương hiệu smartphone nước ngoài duy nhất có thị phần vượt trội ở Trung Quốc. Cụ thể hơn, iPhone chiếm 17,2% thị phần ở Trung Quốc, ngang bằng với nhà sản xuất điện thoại nội địa Oppo và chỉ đứng sau Vivo một chút.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết nhân viên tại một số cơ quan chính phủ đã nhận được hướng dẫn qua các nhóm trò chuyện và trong các cuộc họp để ngừng mang iPhone vào văn phòng.
Sau thông tin trên, cổ phiếu Apple giảm 3,6% xuống còn 182,91 USD tại New York (Mỹ) hôm 6.9, đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 4.8. Cổ phiếu Apple đã tăng 46% trong năm nay (một phần trong đà tăng chung của cổ phiếu công nghệ) trước khi giảm 3,6%.
Apple được yêu thích ở Trung Quốc, thị trường quốc tế lớn nhất của hãng, bất chấp sự bất bình ngày càng tăng với những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế ngành công nghệ quốc gia châu Á này. iPhone là một trong những sản phẩm bán chạy nhất Trung Quốc và được cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân ưa chuộng.
Tuy nhiên, các thiết bị nước ngoài từ lâu đã không được khuyến khích sử dụng trong các cơ quan nhạy cảm, đặc biệt khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch những năm gần đây nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ từ Mỹ, đối thủ địa chính trị của cường quốc châu Á.
Đại diện của Apple không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Vào năm 2022, Trung Quốc đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ và các tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn thay thế máy tính cá nhân mang nhãn hiệu nước ngoài bằng sản phẩm nội địa trong vòng hai năm. Điều này đánh dấu một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm loại bỏ công nghệ quan trọng của nước ngoài khỏi các cơ quan nhạy cảm nhất nước này.
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề bảo mật dữ liệu và đã đưa ra các luật mới cũng như yêu cầu các công ty tuân thủ.
Vào tháng 5, Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu của nhà nước (SOE) đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt được sự tự chủ về công nghệ, nâng cao mức độ cạnh tranh khi căng thẳng với Mỹ đang gia tăng.
Căng thẳng Trung - Mỹ leo thang khi chính quyền Biden hợp tác với các đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các thiết bị quan trọng cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chip nước này và Bắc Kinh hạn chế mua sản phẩm từ các công ty Mỹ nổi tiếng như hãng máy bay Boeing, công ty chip nhớ Micron Technology.
Trong khi đó, SMIC (nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) bị chính quyền Biden giám sát vì cung cấp linh kiện cho Huawei – công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.
Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 5.2019. SMIC bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào tháng 12.2020.
Mới đây, cuộc phân tích của công ty nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights (Mỹ) cho biết SMIC đã sản xuất chip tiên tiến với khả năng 5G cho smartphone Huawei Mate 60 Pro.
Trong một báo cáo, TechInsights cho biết SMIC đã sản xuất Kirin 9000s thông qua quy trình 7 nanomet, được gọi là nút N + 2, làm dấy lên suy đoán rằng công ty này đang âm thầm giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ khắc nghiệt từ Mỹ.
Điều này có thể khiến chính phủ Mỹ xem xét thực hiện hành động nhắm đến SMIC nếu vi phạm các biện pháp trừng phạt thương mại hiện có.
Giá cổ phiếu của SMIC đã tăng gần 20% tại Hồng Kông và 15% tại Thượng Hải kể từ khi Huawei bắt đầu bán Mate 60 Pro vào tuần trước, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng SMIC đã sản xuất chipset Kirin 9000s cung cấp sức mạnh cho smartphone này.
Trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết các công ty Mỹ đã phàn nàn với bà rằng Trung Quốc đã trở thành nơi "không thể đầu tư", chỉ ra các khoản tiền phạt, cuộc đột kích vào các công ty Mỹ và những hành động khác khiến việc kinh doanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên rủi ro.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của Apple và tạo ra gần 1/5 doanh thu cho công ty Mỹ.
Ngay cả khi mối quan hệ Mỹ - Trung đang rạn nứt, Apple vẫn phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia châu Á này cả với tư cách là đối tác sản xuất và thị trường cho các sản phẩm của mình. Giám đốc điều hành Tim Cook đã ca ngợi mối quan hệ đó trong chuyến đi tới Trung Quốc hồi tháng 3 và gọi đó là mối quan hệ “cộng sinh”.
Trung Quốc cũng là một trong những điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của Apple trong quý trước, giúp bù đắp cho giai đoạn nhìn chung trì trệ. Công ty Mỹ đang chuẩn bị trình làng những chiếc iPhone 15 trong sự kiện diễn ra lúc 0 giờ ngày 13.9 (giờ Việt Nam), tạo tiền đề cho một quý nghỉ lễ, thường là khoảng thời gian bán hàng lớn nhất trong năm của họ.
Đầu tháng 8. Apple cho biết doanh số iPhone trong quý tài chính thứ ba (hay quý 2/2023) là 39,67 tỉ USD, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng lại tăng "hai con số" ở Trung Quốc.
Trong quý 2/2023, sức mạnh ở lĩnh vực dịch vụ giúp công ty có lợi nhuận cao, nhưng doanh số iPhone thấp hơn dự kiến khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Các lãnh đạo Apple cho biết doanh số iPhone sẽ cải thiện trong quý tài chính thứ 4 (quý 3/2023) nhưng không nói rõ là bao nhiêu.
Apple đang đứng trước tình thế khó khăn khi iPhone phải chiến đấu để giành thị phần với các smartphone Android, trong khi sản phẩm lớn tiếp theo của họ là kính thực tế tăng cường Vision Pro (được công bố vào tháng 6) vẫn chưa đến tay người tiêu dùng. Dự kiến Apple sẽ bán Vision Pro đầu tiên ở Mỹ vào đầu năm 2024 với giá 3.500 USD.
Dù vậy, Apple tỏ ra vượt trội trên thị trường smartphone Trung Quốc vốn đang suy yếu. Tổng doanh số smartphone đã giảm 8% tại Trung Quốc trong quý 2/2023, mức thấp nhất kể từ năm 2014, theo công ty Counterpoint Research.
Tim Cook nói với Reuters rằng doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc tăng "hai con số" trong quý 2/2023 và doanh số bán hàng ở các lĩnh vực khác cũng cao tại quốc gia này. Điều đó giúp Apple đẩy doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong quý 2/2023 lên mức 15,76 tỉ USD, từ 14,60 tỉ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành Apple lý giải: “Chúng tôi thực hiện được điều này bằng cách thu hút số người chuyển sang dùng iPhone kỷ lục trong quý, cũng như có hoạt động nâng cấp mạnh mẽ. Chúng tôi cũng lập kỷ lục hàng quý ở Trung Quốc cho cả thiết bị đeo được, đồ gia dụng, phụ kiện và dịch vụ".
Nhà phân tích Jeremy Goldman của hãng Insider Intelligence cho biết: “Công ty tiếp tục đối mặt với những cơn gió ngược do tăng trưởng suy yếu trên thị trường smartphone. Mọi con mắt hiện đổ dồn vào cuộc báo cáo kết quả kinh doanh của Apple với bất kỳ thông báo tiềm năng nào liên quan đến Vision Pro hoặc AI, có thể đẩy ranh giới mô hình kinh doanh của họ tiến một bước xa hơn".