Cổ phiếu Apple xuống mức thấp nhất 7 tuần vì Barclays hạ bậc xếp hạng, vốn hóa mất hơn 100 tỉ USD
Cổ phiếu Apple hôm 2.1.2024 giảm gần 3,6% xuống mức thấp nhất trong 7 tuần sau khi Barclays hạ cấp xếp hạng cổ phiếu công ty có giá trị nhất thế giới do lo ngại nhu cầu với các thiết bị của họ, từ iPhone đến Mac, sẽ tiếp tục thấp vào năm 2024.
Barclays là công ty môi giới thứ hai xếp hạng cổ phiếu Apple tương đương với đề xuất "bán" (hiện có số lượng đề xuất bán nhiều nhất trong hai năm qua), theo dữ liệu từ LSEG (Sở giao dịch chứng khoán London).
Cổ phiếu Apple chiếm tới 7% trọng lượng thị trường của S&P 500. Cổ phiếu nhà sản xuất iPhone đã tăng gần 50% vào năm 2023, đạt mức cao kỷ lục vào giữa tháng 12 trong một năm mà các Big Tech (hãng công nghệ lớn) dẫn đầu thị trường.
S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.
S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ số S&P 500 được sắp xếp và duy trì bởi Standard & Poor's, công ty cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính và chỉ số chứng khoán. Việc theo dõi và đánh giá hiệu suất của chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức khỏe tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ.
Apple đã phải vật lộn với tình trạng nhu cầu sụt giảm kể từ đầu năm 2023 và dự báo doanh thu quý 4/2023 sẽ thấp hơn ước tính của Phố Wall. Hiệu suất của Apple ở Trung Quốc cũng là điều đáng lo ngại sau sự hồi sinh từ đối thủ Huawei.
"Dòng iPhone 15 không mấy nổi bật và chúng tôi tin rằng iPhone 16 cũng sẽ như vậy", nhà phân tích Tim Long của Barclays cho biết trong một ghi chú gửi khách hàng, đồng thời chỉ ra điểm yếu của Apple ở Trung Quốc cũng như nhu cầu thấp tại các thị trường phát triển.
Theo dữ liệu của LSEG, Tim Long được đánh giá 4/5 sao về độ chính xác trong đề xuất của ông với cổ phiếu Apple.
Barclays cũng cảnh báo rủi ro đang gia tăng với hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple, vốn đang bị giám sát ở các quốc gia, gồm cả Mỹ, về các hoạt động của cửa hàng ứng dụng (App Store).
Hoạt động kinh doanh này thường vượt xa mức tăng trưởng ở phân khúc phần cứng của Apple những năm gần đây và hiện chiếm gần 1/4 tổng doanh thu của công ty.
Sự sụt giảm cổ phiếu hôm 2.1.2024 đã xóa đi hơn 100 tỉ USD vốn hóa thị trường của Apple, khi cổ phiếu hãng chốt phiên ở mức 185,64 USD.
Barclays đã hạ bậc cổ phiếu Apple từ "trung tính" xuống "giảm tỷ trọng" và hạ mục tiêu giá trong 12 tháng khoảng 1 USD, xuống 160 USD/cổ phiếu.
Trong khi một số nhà phân tích đánh giá cổ phiếu Apple là “nên mua”, với mức giá mục tiêu trung bình là 200 USD.
Apple sẽ gặp khó khăn hơn vào năm 2024 nếu muốn có thêm gần 1.000 tỉ USD vốn hóa thị trường như trong 2023.
Khi đang ngăn chặn tình trạng doanh thu sụt giảm trong 4 quý liên tiếp, công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới (hiện ở mức 2.890 tỉ USD) phải đối mặt với tình trạng bất ổn ở Trung Quốc, nơi các cơ quan chính phủ hạn chế dùng các thiết bị nước ngoài.
Sự cạnh tranh với Apple từ Huawei đang ngày càng gay gắt. Mức tăng 50% của cổ phiếu Apple trong năm 2023, được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư đặt cược rằng hãng sẽ tiếp tục thu lợi nhuận lớn bất chấp tình hình kinh tế như thế nào, khiến nó nằm trong khu vực đắt đỏ.
Cổ phiếu Apple được định gấp khoảng 28,7 lần ước tính thu nhập trong 12 tháng tới, gần gấp đôi mức định giá trung bình trong 10 năm, cao hơn nhiều so với mức 19,8 của S&P 500.
Eric Clark, nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng Accuvest Global Advisors đã giảm lượng cổ phiếu của mình tại Apple và một số hãng công nghệ lớn khác, cho biết: “Rủi ro lớn nhất với mô hình kinh doanh của các megacaps hiện nay là nhà đầu tư đang chuyển vốn sang những tên tuổi khác”. Megacaps là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những công ty có vốn hóa thị trường rất lớn.
Eric Clark lưu ý rằng những công ty có vốn hóa thị trường lớn như vậy phải đối mặt với mức định giá cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và so sánh khó khăn hàng năm. "Điều này có thể khiến nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác mà tôi nghĩ có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho năm 2024", Eric Clark nói.
Các nhà giao dịch đã tập trung vào cổ phiếu công nghệ blue-chip trong năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất. Giờ đây, với những tín hiệu cho thấy lãi suất có thể đã đạt đỉnh khi lạm phát hạ nhiệt, các nhà đầu tư đang bắt đầu quan tâm đến những cổ phiếu rủi ro hơn khi đà phục hồi ngày càng mở rộng.
Cổ phiếu công nghệ blue-chip là cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn, ổn định và có uy tín cao. Thuật ngữ blue-chip ban đầu xuất phát từ ngành đánh bạc, để mô tả những viên chip màu xanh (blue) có giá trị cao nhất.
Trong ngữ cảnh của cổ phiếu, blue-chip được sử dụng để chỉ các công ty có vốn hóa lớn, doanh số bán hàng ổn định, lợi nhuận duy trì được và có tiềm năng tăng trưởng ổn định.
Các công ty blue-chip thường là tên tuổi lâu dài, có ảnh hưởng lớn đến thị trường và thường được xem là đầu tư an toàn và ổn định trong dài hạn, chẳng hạn Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet (công ty mẹ Google).
Với giá cổ phiếu đã tăng cao trong năm 2023, bất kỳ sự tăng trưởng nào của Apple năm 2024 đều có thể phải được thúc đẩy bởi lợi nhuận tăng nhanh.
Phố Wall hiện dự đoán mức tăng trưởng doanh thu của Apple trong năm tài chính 2024 chỉ là 3,7% và lợi nhuận tăng 7,6%, theo ước tính trung bình từ các nhà phân tích do Bloomberg tổng hợp.
Sự khác biệt giữa việc Apple đạt mức vốn hóa thị trường lên trên 3.000 tỉ USD trong năm 2023 và triển vọng tăng trưởng ảm đạm vào 2024 giải thích lý do tại sao sự nhiệt tình của các nhà phân tích nguội lạnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan. Nhà phân tích Daniel Ives của hãng Wedbush Securities dự đoán vốn hóa thị trường của Apple sẽ đạt 4.000 tỉ USD vào cuối năm 2024. Mục tiêu giá cổ phiếu Apple cao nhất mà ông dự báo là 250 USD, cao hơn đáng kể so với mức mà các nhà phân tích kỳ vọng, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Daniel Ives viết trong một ghi chú: “Dù vẫn còn những lo lắng kéo dài xung quanh các lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc với iPhone nhưng vấn đề này rất có thể kiểm soát được và không làm giảm nhu cầu với iPhone ở khu vực trọng điểm này dựa trên các cuộc kiểm tra gần đây của chúng tôi”.
Ngay cả với Eric Clark, những thách thức cho Apple không làm giảm quan điểm của ông rằng iPhone là “mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhất từng được tạo ra” và do đó “được định giá cao hơn là xứng đáng”.
Theo hãng tin Bloomberg, Apple đang chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2024 bận rộn với một chút thay đổi. Dù iPhone là trung tâm trong chiến lược sản phẩm của Apple trong hơn 15 năm, nhưng vào 2024, công ty sẽ tập trung vào những thứ khác.
Tất nhiên, iPhone vẫn sẽ được nâng cấp vào năm 2024. Đây là sản phẩm quan trọng nhất của công ty và vẫn mang lại hơn 1/2 doanh thu. Song sẽ không có thay đổi lớn với dòng iPhone 16 khi Apple có kế hoạch giữ lại thiết kế của iPhone 15, đồng thời tăng kích thước màn hình trên phiên bản Pro. Các mẫu iPhone 16 cấp thấp hơn sẽ có nút Action và nút chuyên dụng mới để quay video.
Mảng kinh doanh thiết bị đeo của Apple, bao gồm Vision Pro, AirPods và Apple Watch sẽ chiếm vị trí trung tâm trong năm 2024. Vision Pro đánh dấu một danh mục mới của Apple, trong khi AirPods và Watch sẵn sàng nhận được một số nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay.