Cổ phiếu bất động sản hồi phục song nhà đầu tư tránh 'say sóng'

Tuần tăng trưởng ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều mã hồi phục 15-20% lại lần nữa khiến giới đầu tư xôn xao về một 'con sóng' FOMO mới.

Thận trọng, tránh "say sóng" FOMO

Kết thúc phiên 23/8, VN-Index hiện ở mức 1285,32 điểm, một lần nữa tiến sát mốc 1.300 điểm, vùng cản lớn của thị trường chứng khoán. Đây là ngưỡng mà nhiều nhà đầu tư đánh giá cao vì nó không chỉ là một con số tròn mà còn mang ý nghĩa về mặt tâm lý.

Trong quá khứ, mỗi khi VN-Index tiệm cận mốc này, áp lực bán ra thường xuất hiện mạnh mẽ, khiến chỉ số khó vượt qua ngưỡng kháng cự.

Nguyên nhân của áp lực bán thường bắt nguồn từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nhiều người cho rằng, khi VN-Index tiến gần đến 1.300 điểm, rủi ro thị trường tăng cao và họ có xu hướng chốt lời để bảo vệ lợi nhuận đã đạt được. Bên cạnh đó, đây cũng là mức giá mà nhiều nhà đầu tư lớn, các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư có thể lựa chọn để tái cơ cấu danh mục, dẫn đến việc bán ra một lượng lớn cổ phiếu, gây sức ép giảm điểm cho thị trường.

Mặc dù vậy, nếu VN-Index có thể vượt qua được mốc 1.300 điểm với sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô và dòng tiền lớn, điều này sẽ mở ra cơ hội cho thị trường bứt phá lên những đỉnh cao mới.

Tuy nhiên, trước mắt, thị trường sẽ cần phải vượt qua thử thách lớn này và thuyết phục các nhà đầu tư rằng đà tăng trưởng hiện tại là đủ mạnh để duy trì và phát triển xa hơn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều mã hồi phục 15-20% thời gian qua, song nhiều chuyên gia nhận định xu hướng phát triển chưa bền vững. Ảnh minh họa/Internet.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều mã hồi phục 15-20% thời gian qua, song nhiều chuyên gia nhận định xu hướng phát triển chưa bền vững. Ảnh minh họa/Internet.

Tiếp nối đà hưng phấn của thị trường, trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, với nhiều mã ghi nhận mức tăng từ 15-20% như DXG, NLG, PDR, KDH, CII, VCG…

Vào phiên cuối của tuần, nhóm bất động sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, song nhiều mã vẫn duy trì đà tăng với NVL tăng 2,33%, DIG tăng 2,03%, IDC tăng 1,49% hay PDR tăng 0,93%...

Nhìn chung, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh các yếu tố thị trường, những cơn sốt từ các phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội đã khiến nhà đầu tư trở nên sốt sắng và đứng ngồi không yên.

Các phiên đấu giá này ghi nhận mức giá đất tăng vọt, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Nhiều người tin rằng, những diễn biến trên có thể là khởi đầu của một con sóng FOMO (Fear of Missing Out) mới trong lĩnh vực bất động sản.

Với những cơn sốt đất đang diễn ra, nhiều nhà đầu tư dự đoán dòng tiền sẽ sớm quay trở lại thị trường bất động sản. Nhiều người đã quyết định đánh cược vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, với hy vọng bắt được "chân của con sóng" tăng trưởng lần này và thu về những khoản lợi nhuận lớn.

Về bản chất, dòng tiền dịch chuyển vào bất động sản, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành này cũng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, những mã đã từng trải qua giai đoạn điều chỉnh trước đó, giờ đây có thể trở thành những cơ hội đầu tư hấp dẫn khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, việc đánh cược vào xu hướng cũng đi kèm với rủi ro, bởi lẽ thị trường bất động sản vốn dĩ rất nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô và chính sách. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với "một cái đầu lạnh" và sẵn sàng cho những kịch bản khác nhau.

Thị trường bất động sản: Khó khăn vẫn ở phía trước

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, đây vẫn chưa phải là thời điểm cho một "con sóng" tăng bền vững đối với bất động sản.

"Đúng là thị trường đã có những khởi sắc, nhưng bất động sản hiện tại vẫn còn tồn tại những vấn đề về pháp lý. Dù Luật Đất đai sửa đổi đã được thông qua, song độ trễ từ chính sách sẽ cần ít nhất một năm để bắt đầu tác động đến thị trường bất động sản khi thông tư hướng dẫn được ban hành", ông Minh nói.

Chính vì vậy, Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam kỳ vọng, bất động sản sẽ thực sự hồi phục mạnh mẽ trở lại vào thời điểm các quý cuối năm 2025.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, nhận định, thị trường bất động sản dự báo vẫn có thể còn đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.

Dù bất động sản đã thoát đáy, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, với việc nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu. Tính đến ngày 15/7, hơn 80 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 43.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, những quy định mới về dư nợ vay và vốn chủ sở hữu bất động sản trong Nghị định 96 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 khiến Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu do các quy định chặt chẽ hơn.

Sự chậm trễ về pháp lý đang là điều khiến doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tính thanh khoản thời gian qua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Chuyên gia phân tích VIS Rating kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành thêm hướng dẫn về luật mới trong một vài tháng tới, điều này sẽ giúp chủ đầu tư giải quyết các vấn đề về xác định giá đất và quyền sử dụng đất, từ đó tiếp cận được nguồn tài chính cho việc phát triển dự án mới.

Có thể nhận thấy, nhận định chung của giới chuyên môn đều rất thận trọng vào thời điểm hiện tại. Đây sẽ là lúc các chính sách mới "ngấm dần" và phải bước sang giai đoạn 20205, việc đẩy nhanh phê duyệt pháp lý dự án mới cải thiện nguồn cung và từ đó thúc đẩy đà tăng trưởng bền vững của bất động sản.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-phieu-bat-dong-san-hoi-phuc-song-nha-dau-tu-tranh-say-song-192240823162213278.htm