Cổ phiếu bluechips - Đích đến của dòng tiền ngoại
Chỉ số VN30 liên tục chinh phục đỉnh mới cho thấy dòng tiền đang ngày càng đổ về các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành (bluechips).
Phiên giao dịch ngày 17/7, chỉ số VN30 đóng cửa ở 1.634,7 điểm, tăng hơn 20 điểm tương đương 1,26% trong khi VN-Index đạt 1.490 điểm, tăng 0,99%. Đây là mức điểm cao nhất lịch sử của VN30.
30 cổ phiếu hàng đầu thị trường này liên tục thu hút dòng tiền mua của nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

VN30 đạt đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày 17/7.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2025, sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index cũng nhờ bệ đỡ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tính đến ngày 04/07/2025, mặc dù VN-Index phục hồi mạnh mẽ hơn 300 điểm từ sự kiện ngày 2/4, song đà tăng chưa lan tỏa đến các lớp cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn tăng trưởng chậm, thậm chí giảm giá so với đà tăng của chỉ số chính.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sự đóng góp lớn nhất chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu Vingroup. Chỉ mới có 12/50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh hơn VN-Index từ ngày 31/03/2025, trong khi khoảng 9 cổ phiếu tăng thấp hơn VN-Index. Thậm chí có đến gần một nửa cổ phiếu Top50 vẫn chưa phục hồi về thời điểm trước thuế quan.

Biến động giá của các cổ phiếu Top50 vốn hóa lớn từ ngày 31/3 (trước cú sốc thuế quan) cho đến ngày 4/7/2025.
Theo đánh giá của MBS, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ công bố áp dụng đối với Việt Nam thuận lợi hơn so với các nước cạnh tranh, đồng thời triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên rõ ràng hơn, đà bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ bị đảo ngược mạnh mẽ trong nửa sau 2025, đích đến của dòng tiền nước ngoài chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn và có đủ tỷ lệ room nước ngoài.
Tính đến ngày 4/07/2025, VN-Index đang giao dịch ở mức 14 lần P/E, cao hơn mức trung bình 3 năm gần đây (13,5x) , tuy nhiên vẫn thấp hơn 17% so với mức đỉnh 3 năm (16,9 lần vào quý IV/2021).
Định giá của nhóm VN30 (với tỷ trọng vốn hóa đa số là nhóm ngân hàng) là 12,7 lần P/E, cao khoảng 3% so với trung bình 3 năm gần đây là 12,3 lần, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đỉnh 15 lần vào quý IV/2021. Điều này cho thấy định giá của thị trường nói chung và nhóm vốn hóa lớn nói riêng vẫn hấp dẫn so với tăng trưởng lợi nhuận cũng như kỳ vọng nâng hạng của thị trường.
Trong nửa cuối năm 2025, MBS cho rằng dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.
Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 17% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 13,5 – 13,8 lần P/E, công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.500 – 1.540 điểm trong những tháng cuối năm.
Ở kịch bản tích cực hơn, tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ ít hơn so với dự kiến, dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam nhờ triển vọng nâng hạng, tăng trưởng lợi nhuận của thị trường được kỳ vọng đạt 19%, P/E kỳ vọng ở mức 13,5 – 14 lần, chỉ số VN-Index có thể tiến lên vùng 1.580 điểm vào cuối năm.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-bluechips---dich-den-cua-dong-tien-ngoai-d334260.html