Chọn mũi nhọn mới cho trái cây xuất khẩu
Ngành nông nghiệp đang gấp rút khơi thông các dòng chảy mới cho xuất khẩu trái cây khi sầu riêng gặp khó tại Trung Quốc, thanh long 'rơi khỏi' nhóm tỷ đô.
Thay đổi chiến lược, định vị lại tiềm năng các loại trái cây
Tại diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế”, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 18/7 tại TP. Hồ Chí Minh, bốn loại trái cây là chuối, dứa, dừa và chanh dây đã được xác định là những ứng viên sáng giá kế thừa vai trò đầu tàu sau sầu riêng và thanh long.

Ông Nguyễn Như Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Minh Khuê.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trái cây đang trở thành động lực then chốt của ngành trồng trọt, với diện tích canh tác lên đến 1,3 triệu ha và sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, chuối, dứa, dừa, chanh dây là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện sinh thái và đang tăng trưởng tốt về sản lượng lẫn thị trường xuất khẩu.
“Phát triển sản phẩm quốc gia không thể thiếu vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến và thương hiệu. Trái cây Việt Nam có thể vươn xa nếu tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, chinh phục thị trường bằng chất lượng và sự chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, trong khi sầu riêng vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trái cây với 3,3 tỷ USD năm 2024, thì thanh long từng là niềm tự hào - đã tụt xuống còn 534 triệu USD. Các loại trái cây khác như chuối (380 triệu USD), dừa (1,1 tỷ USD), chanh dây (172 triệu USD), dứa (đang tăng trưởng) vẫn ở mức tiệm cận, nhưng chưa vượt qua ngưỡng “tỷ đô”. Trong bối cảnh xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2025 giảm tốc, nhu cầu tái định vị và chuyển hướng chiến lược là điều tất yếu.
Không chỉ dừng lại ở tiềm năng, 4 loại trái cây nói trên đang cho thấy sức bật rõ rệt. Cụ thể, chuối với 161.100 ha diện tích canh tác, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu chuối đứng thứ 9 thế giới, xếp thứ 4 về tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Dứa đạt 860.000 tấn, trồng chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, dự kiến đạt gần 1 triệu tấn, với diện tích mở rộng và trồng rải vụ để phục vụ chế biến, trái vụ. Dù đã xuất sang 122 quốc gia, Việt Nam chưa mở hồ sơ kỹ thuật cho thị trường mới. EU là thị trường tiềm năng có thể tận dụng qua EVFTA.
Chuối hiện đạt sản lượng 3 triệu tấn, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Với hơn 625.000 tấn xuất sang Trung Quốc năm 2024, ngành chuối được định hướng giữ vững thị phần bằng cách nâng cao chất lượng, mẫu mã và xây dựng thương hiệu.
Dừa là loại trái cây có diện tích lớn nhất, 202.000 ha, sản lượng 2,28 triệu tấn, chủ yếu từ Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Tới năm 2030, ngành sẽ chuyển sang chế biến sâu, sản xuất theo quy trình GAP, phát triển trồng xen, nuôi xen và tích hợp du lịch sinh thái miệt vườn, OCOP.
Chanh dây tuy chỉ có 12.000 ha nhưng lại là loại trái cây có tỷ lệ xuất khẩu cao nhất, với hơn 70% sản lượng được tiêu thụ tại hơn 20 thị trường.
Mỗi loại trái cây là một chiến lược chuyên biệt
Không thể tiếp cận thị trường quốc tế bằng tư duy “bán quả tươi giá rẻ”, ThS. Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II - cho biết: Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xác định rõ lộ trình phát triển chuyên biệt cho từng nhóm cây trồng, theo hướng chuẩn hóa vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và chinh phục các thị trường khó tính.

Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, thông tin về tình hình trái cây xuất khẩu tại sự kiện. Ảnh: Minh Khuê.
Với chuối, mục tiêu đến năm 2030 là ổn định diện tích 165.000 – 175.000 ha, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, ưu tiên các mô hình liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp - nhà máy chế biến. Song song với đó là đầu tư công nghệ sản xuất chuối sấy, bột chuối, chuối đông lạnh… để xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU.
Dứa sẽ được duy trì ở mức 55.000 - 60.000 ha, chuyển đổi mô hình canh tác sang trồng rải vụ, thu hoạch trái mùa để phục vụ cả tiêu dùng tươi lẫn chế biến. Các nhà máy cần đầu tư vào dây chuyền sản xuất nước ép, dứa đóng hộp, mứt dứa… nhằm tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
Còn dừa, là cây thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ sẽ được phát triển ổn định trên diện tích 195.000 - 210.000 ha. Bộ khuyến khích trồng xen canh (ca cao, cây ăn quả) và nuôi xen (thủy sản, gia cầm) trong vườn dừa để tối ưu đất đai. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm chế biến sâu: dầu dừa tinh luyện, nước dừa đóng lon, mỹ phẩm từ dừa… đồng thời kết hợp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP.
Với chanh dây, diện tích sẽ được mở rộng lên 15.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 300.000 tấn. Bộ sẽ ưu tiên các chương trình nghiên cứu giống kháng bệnh, nâng cao chất lượng, và mở rộng thị trường sang Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, bên cạnh các thị trường truyền thống như: EU, Trung Quốc, Nhật Bản.
Điểm chung của bốn loại trái cây này là có khả năng chế biến tốt, giá trị gia tăng cao, thích hợp với mô hình canh tác tập trung và đặc biệt dễ tiếp cận các xu hướng tiêu dùng mới: thực phẩm xanh, sản phẩm tiện lợi, nguồn gốc rõ ràng.
Trong bối cảnh thị trường trái cây toàn cầu đang tái định hình bởi biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các chiến lược nêu trên không chỉ là tầm nhìn đến năm 2030 mà còn là mệnh lệnh hành động ngay từ bây giờ.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chon-mui-nhon-moi-cho-trai-cay-xuat-khau-411084.html