Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/2
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/2 của các công ty chứng khoán.
CTCK MB (MBS)
Giá sữa nguyên liệu đã giảm từ quý III/2022 và vẫn đang trong xu thế giảm: Biên lợi nhuận gộp dự kiến sẽ tăng từ quý IV/2022 nhưng do lượng hàng nguyên liệu tồn kho được chốt ở giá cao vẫn còn khiến việc hồi phục bị chậm lại. Tuy nhiên, với diễn biến giá sữa nguyên liệu vẫn đang giảm, biên lợi nhuận gộp sẽ có quý đầu tiên tăng trưởng từ quý 1/2023.
Bên cạnh đó, thị trường sữa Việt Nam vẫn hấp dẫn: Mặc dù có thể bị ảnh hưởng bởi giai đoạn kinh tế khó khăn trước mắt, thu nhập của người tiêu dùng bị cắt giảm nhưng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sữa vẫn ở mức 12,4% trong giai đoạn 2021-2031.
CTCP Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE) là doanh nghiệp đầu ngành, chiếm thị phần lớn nhất thị trường sản phẩm sữa Việt Nam. Tình hình tài chính của VNM chắc chắn với lượng tiền mặt và tiền gửi gần 20 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ lần lượt ở mức thấp 10,2% và 15%.
Rủi ro đầu tư: Giá sữa nguyên liệu tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp: do biến động tình hình thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó khăn về vận chuyển bất ngờ ảnh hưởng đến giá sữa.
Thêm vào đó là doanh thu giảm do nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng: người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Công ty phải giảm giá sản phẩm để giữ thị phần.
Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu VNM vào khoảng 89.963 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFE. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 25,37 lần (theo EPS 2023F khoảng 3.546 đồng/CP). Đồng thời, khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PLC, giá mục tiêu 37.500 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh các động lực khác suy giảm tăng trưởng, Chính phủ đã công bố ngân sách đầu tư công cho năm 2023 vào khoản 793 nghìn tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), trong đó các 12 dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được chú ý và quan tâm nhất. Ước tính dự án sẽ cần 2,4 triệu tấn nhựa đường, tương đương mức sản lượng tiềm năng của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex – CTCP (mã PLC) có thể cung cấp trong 5 năm tới là 733 nghìn tấn (giả định thị phần không đổi ở mức 30%).
Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030. Bên cạnh 12 dự án cao tốc Bắc – Nam, PLC có thể tham gia vào các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông khác tại các tỉnh. Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 15 dự án có thể sẽ được khởi công trong năm 2023, với tổng nhu cầu nhựa đường trong 5 năm tới vào khoảng 3,5 triệu tấn. Đây sẽ là động lực tăng trưởng nếu PLC có thể tham gia cung cấp cho các dự án này.
Nhờ hệ thống kho trải dài từ Bắc vào Nam, cùng năng lực sản xuất hàng năm là 400.000 tấn, cao nhất thị trường, khiến PLC có lợi thế rất lớn để cung cấp nhựa đường đúng lúc với chi phí hiệu quả cho bất kì dự án nào.
Điểm rơi lợi nhuận vào năm 2024. Thường việc rải nhựa đường sẽ diễn ra vào cuối giai đoạn xây dựng (thường kéo dài khoảng 9-12 tháng sau khi đã bàn giao xong mặt bằng), do đó chúng tôi cho rằng PLC sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ cuối quý IV/2023.
Mảng dầu nhờn dự kiến tăng trưởng ổn định, không có nhiều đột biến. Tăng trưởng sản lượng dầu nhờn của PLC sẽ tương đương tốc độ tăng trưởng chung của ngành, đạt 1,6%/năm. Động lực tăng trưởng doanh thu đến từ việc gia tăng tỉ trọng sản phẩm cao cấp có giá bán và biên gộp cao hơn.
Mảng hóa chất: kì vọng vào quá trình tái cơ cấu trong tương lai. Hiện tại mảng hóa chất là mảng có hiệu quả hoạt động kinh doanh kém nhất. Nếu cổ phần hóa thành công, kì vọng sẽ giúp tăng nguồn vốn, giảm áp lực nợ vay, qua đó giúp hiệu quả của mảng này phần nào được cải thiện.
Sử dụng phương pháp định giá DCF, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM trong năm 2023 mục tiêu là 37.500 đồng/CP, tương ứng upside 24,6% so với giá đóng cửa ngày 17/02/2023.
>> Tải báo cáo
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-212-post315542.html