Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/7
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu TCB
CTCK BIDV (BSC)
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB – sàn HOSE) vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý II/2025 đạt 7,9 nghìn tỷ (tăng 1% so với cùng kỳ), phù hợp kỳ vọng trước đó của BSC. Lũy kế nửa đầu năm 2025, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 15,1 nghìn tỷ (giảm 3%), hoàn thành 48% dự báo của BSC.
Động lực chính trong quý II đến từ (1) kiểm soát tốt chi phí dự phòng (giảm 38% so với cùng kỳ và giảm 7% so với quý trước) và chất lượng tài sản (tỷ lệ nợ quá hạn nhóm 2-5 giảm 10bps so với quý trước), trong khi (2) NIM trong quý cải thiện nhẹ khoảng 20bps so với quý trước lên 4,1% theo cách tính của BSC nhờ lợi suất tài sản tăng nhanh hơn chi phí vốn, có thể là nhờ tối ưu cơ cấu tài sản sinh lời (tỷ trọng FI-bond tăng nhanh) và tỷ lệ nợ xấu danh mục cho vay người mua nhà có dấu hiệu ổn định trở lại so với quý trước tăng cao.
Với CAR hiện ở mức 15%, BLĐ cho biết việc chi trả cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/CP trong năm nay vẫn sẽ đảm bảo CAR >14%, nằm trong định hướng của ngân hàng. Thời điểm chi trả cổ tức muộn nhất là tháng 10/2025.
Lợi nhuận quý II/2025 của TCB phù hợp với kỳ vọng của BSC, với điểm sáng đến từ sự cải thiện NIM và CASA so với quý liền trước, trên nền tảng chất lượng tài sản được duy trì và chi phí trích lập dự phòng tốt hơn kỳ vọng. Với kết quả nửa đầu năm 2025 như trên, BSC tiếp tục duy trì dự báo lợi nhuận tổng thể 2025F-2026F đối với TCB lần lượt là 31,8 nghìn tỷ (tăng 16% so với cùng kỳ) và 38,2 nghìn tỷ (tăng 20% so với cùng kỳ), và sẽ điều chỉnh chi tiết các cầu phần nhỏ ở cập nhật sau. TCB đã có hiệu suất tương đối vượt trội (tăng 19% YTD) kể từ thời điểm báo cáo gần nhất của BSC so với VN-Index (tăng 15% YTD).
TCB đang có mức P/B TTM ở 1.6x, tiệm cận mức +1 độ lệch chuẩn so với trung bình lịch sử. BSC hiện khuyến nghị nắm giữ với TCB dựa trên giá mục tiêu điều chỉnh trước đó trong báo cáo triển vọng ngành là 39.800 đồng/cp (tương đương upside 14% so với giá đóng cửa ngày 24/07/2025), với giả định chính là thương vụ IPO TCBS đạt P/B = 3.0x hay mức giá 45,000 đồng/cp. Yếu tố bất ngờ có thể đến từ mức giá chào bán công chúng còn cao hơn dự tính của BSC, từ đó tạo thêm tiềm năng tăng giá cho cổ phiếu.
Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu LPB
CTCK BIDV (BSC)
Ngân hàng TMCP LPBank (LPB – sàn HOSE) công bố lợi nhuận trước thuế quý II/2025 đạt 2.989 nghìn tỷ (giảm 1,4% so với cùng kỳ), và lũy kế 6 tháng đạt 6,2 nghìn tỷ (tăng 4,1%). Kết quả này hoàn thành 48% dự báo của BSC, và 41% kế hoạch của Ngân hàng.
Kế hoạch kinh doanh 2025 của LPB đang cao hơn khoảng 15% so với kì vọng của chúng tôi. BSC hiện đang dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 của LPB đạt 13 nghìn tỷ (tăng 8% so với năm ngoái), với giả định mức tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 20%.
BSC hiện chưa đưa ra khuyến nghị đối với LPB. Về mặt định giá, cổ phiếu LPB đang được giao dịch quanh mức P/B = 2.6x, cao hơn tới 70% so với mức trung bình 5 năm là 1,5 lần. Với việc kết quả kinh doanh quý II không quá ấn tượng, cùng vùng định giá cao hiện tại, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thêm về Ngân hàng trong thời gian tới.
Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu FPT
CTCK SHS
Doanh thu 6 tháng 2025 của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) tăng trưởng chậm lại do thị trường ngoài nước tuy nhiên lợi nhuận vẫn duy trì tăng trưởng 20%.
Với quan điểm thận trọng chúng tôi chưa thay đổi dự báo về kết quả kinh doanh 2025 của FPT và duy trì giá mục tiêu 102.200 đồng/CP (đã điều chỉnh sau chia cổ tức và cổ phiếu thưởng). Với diễn biến khá tích cực của thị trường thời gian gần đây, nhà đầu tư khuyến nghị tiếp tục nắm giữ đối với cổ phiếu FPT.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HT1
CTCK SSI
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HT1 và nâng giá mục tiêu lên 15.700 đồng/cp, tương ứng với hệ số EV/EBITDA mục tiêu 6,0x và tiềm năng tăng giá 12,1% so với giá hiện tại.
HT1 được kỳ vọng hưởng lợi từ tiến độ giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của thị trường bất động sản tại miền Nam. Công ty có bề dày thương hiệu tại khu vực cùng chất lượng sản phẩm ổn định.
Mặc dù áp lực cạnh tranh trên toàn ngành vẫn lớn do dư cung – đặc biệt tại miền Bắc và miền Trung, nhưng thị trường miền Nam đang có áp lực thấp hơn nhờ công suất hạn chế và nhu cầu tăng trưởng tích cực.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-287-post373737.html