Quản lý thị trường Ninh Bình: Khẳng định vai trò chủ công trong chống hàng giả, gian lận thương mại

Quản lý thị trường Ninh Bình nhanh chóng thích nghi với mô hình tổ chức mới; triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác.

Sau gần 4 tháng kể từ khi được chuyển giao về địa phương hoạt động theo mô hình mới và gần 1 tháng sau khi sáp nhập, hợp nhất với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nam và Chi cục Quản lý thị trường Nam Định, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình mới đã luôn chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành.

Dù còn nhiều thách thức, song Quản lý thị trường Ninh Bình luôn xác định, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường là nhiệm vụ thường xuyên, không ngừng nghỉ, không để gián đoạn ngay cả trong quá trình tinh gọn, sắp xếp bộ máy.

Ông Phan Thế Anh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình

Ông Phan Thế Anh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình

Nhằm làm rõ hơn vai trò của lực lượng Quản lý thị trường trên địa bàn, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thế Anh - Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Ninh Bình:

- 6 tháng đầu năm, hoạt động trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, thách thức, song Quản lý thị trường Ninh Bình đã phát huy vai trò, là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả trên địa bàn.

Xin ông cho biết những kết quả cụ thể trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát bảo vệ thị trường của lực lượng trong nửa đầu năm 2025?

Chi cục trưởng Phan Thế Anh: Trong 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình (mới) đã kiểm tra 396 vụ, trong đó xử lý 388 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 4,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá trên 2,6 tỷ đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm với trị giá gần 300 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả; sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc đáng chú ý về sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, giả mạo nhãn hiệu liên quan đến mặt hàng thực phẩm, quần áo may sẵn... Cùng đó, chú trọng công tác kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: thực phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, thuốc tân dược, mỹ phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại, cùng với giá trị xử phạt và tịch thu lớn, cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả thực chất

Việc xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại, cùng với giá trị xử phạt và tịch thu lớn, cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả thực chất

Việc xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại, cùng với giá trị xử phạt và tịch thu lớn, cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả thực chất. Đồng thời, các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an, y tế... cũng được đẩy mạnh, góp phần răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Thích nghi nhanh chóng với mô hình hoạt động mới

- Từ tháng 3/2025, Quản lý thị trường đã được chuyển giao về Sở Công Thương thành phố, thành lập Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình. Sau khoảng 4 tháng tổ chức hoạt động theo mô hình mới, lực lượng đã gặp những thuận lợi, khó khăn như thế nào trong công tác thực thi công vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường?

Chi cục trưởng Phan Thế Anh: Sau khoảng 4 tháng hoạt động theo mô hình mới, có thể nhận thấy những thuận lợi và khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Cụ thể, từ tháng 3/2025, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy, lực lượng Quản lý thị trường chính thức được chuyển giao từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Tại Ninh Bình, Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động từ thời điểm này.

Sau khoảng 4 tháng tổ chức thực hiện công vụ theo mô hình mới, lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình ghi nhận nhiều thuận lợi bước đầu, song cũng đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi và triển khai nhiệm vụ.

Về thuận lợi:Việc chuyển giao về Sở Công Thương giúp lực lượng Quản lý thị trường gần gũi hơn với chính quyền địa phương, từ đó nắm bắt nhanh hơn tình hình thị trường, nhu cầu chỉ đạo điều hành, đặc biệt trong các tình huống đột xuất, bất thường.

Sự phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Sở cũng trở nên chặt chẽ và kịp thời hơn, giúp triển khai đồng bộ các chương trình kiểm tra liên ngành, kiểm soát giá cả, quản lý an toàn thực phẩm, kiểm tra xăng dầu… Tính chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành được nâng cao rõ rệt.

Ngoài ra, việc tổ chức lại bộ máy theo mô hình Chi cục cũng tạo điều kiện để tinh gọn đầu mối quản lý, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời tạo khí thế mới trong đội ngũ cán bộ, công chức Quản lý thị trường.

Lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu cao nhất là chống hàng giả

Lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu cao nhất là chống hàng giả

Về khó khăn: Việc chuyển đổi tổ chức trong thời gian ngắn cũng khiến lực lượng Quản lý thị trường Ninh Bình đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là sự thay đổi về cơ chế chỉ đạo từ trung ương sang địa phương, dẫn đến một số lúng túng ban đầu trong phối hợp, phân công và quy trình xử lý công vụ. Một số nghiệp vụ chuyên sâu vốn trước đây do Tổng cục chỉ đạo trực tiếp, nay cần xây dựng cơ chế phối hợp lại từ đầu.

Thứ hai, chính sách về tài chính, biên chế, chế độ lương và phụ cấp cho lực lượng Quản lý thị trường địa phương chưa kịp hoàn thiện, gây tâm lý lo lắng và ảnh hưởng nhất định đến tinh thần công tác của cán bộ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song sau 4 tháng tổ chức hoạt động theo mô hình mới, Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình đã cho thấy sự thích nghi nhanh, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như an toàn thực phẩm, hàng giả, gian lận thương mại...

4 giải pháp để vận hành Quản lý thị trường theo mô hình mới

- Xin ông cho biết, trong thời gian qua, Chi cục đã triển khai những hoạt động nào để nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương?

Chi cục trưởng Phan Thế Anh: Từ ngày 1/7/2025, cùng với 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình bước vào giai đoạn theo chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ. Đây là dấu mốc quan trọng, mang tính chiến lược trong mô hình quản lý thị trường của Việt Nam năm 2025.

Ngay trong quá trình triển khai, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Quản lý thị trường phải hoạt động liên tục, không để bị ảnh hưởng, gián đoạn trong quá trình tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy”. Chi cục Quản lý thị trường Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, bảo đảm hoạt động xuyên suốt, không gián đoạn.

Chi cục duy trì nghiêm chế độ trực đường dây nóng và tiếp nhận thông tin 24/7, bảo đảm phản ứng kịp thời trước mọi tình huống phát sinh trên thị trường. Việc phân công công chức phụ trách theo từng địa bàn, lĩnh vực được thực hiện rõ ràng, không để xảy ra tình trạng “trống vị trí, thiếu trách nhiệm” trong quá trình chuyển đổi.

Thứ hai, chủ động trong tổ chức và điều hành.

Chi cục đã xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng tiến độ chỉ đạo, đồng thời kiện toàn lại các đội Quản lý thị trường trực thuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân. Trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị được tăng cường, bảo đảm hoạt động điều hành thống nhất, không chồng chéo, gián đoạn.

Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trong thời gian kiện toàn tổ chức, chờ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp Phòng, cấp Đội, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã tập trung tăng cường giám sát địa bàn, nắm bắt tình hình thị trường, đặc biệt tại các khu vực phức tạp, các mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, thực phẩm bảo vệ, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật...

Chi cục duy trì cơ chế nắm bắt thông tin qua cơ sở, đường dây nóng, phản ánh của người dân và lực lượng cơ sở. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm, đảm bảo không để xảy ra “khoảng trống” trong công tác quản lý thị trường.

Thứ tư, ổn định tư tưởng, củng cố lực lượng.

Chi cục đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng trong nội bộ, kịp thời thông tin, quán triệt chỉ đạo để công chức, người lao động yên tâm công tác, không bị dao động tâm lý khi tổ chức thay đổi. Song song đó, công tác rà soát, sắp xếp và kiện toàn nhân sự tại các Đội Quản lý thị trường được thực hiện bài bản, nhằm duy trì đủ quân số, đảm bảo lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát.

- Ngay từ khi có chủ trương tinh giản, sắp xếp của Bộ Chính trị, lãnh đạo Bộ Công Thương, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những chỉ đạo sát sao và có nhiều buổi làm việc để đôn đốc cũng như động viên lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình sắp xếp bộ máy.

Ông có đánh giá như nào về sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ trong việc hỗ trợ, tạo động lực để công chức, kiểm soát viên thị trường an tâm làm việc?

Chi cục trưởng Phan Thế Anh: Ngay từ khi có chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, lãnh đạo Bộ Công Thương - đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có nhiều chỉ đạo sâu sát, kịp thời, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, điều hành xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường.

Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần quyết liệt nhưng đầy trách nhiệm và chia sẻ từ lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng không chỉ đưa ra những định hướng rõ ràng, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, mà còn trực tiếp làm việc, lắng nghe tâm tư, tháo gỡ vướng mắc, từ đó giúp lực lượng Quản lý thị trường địa phương yên tâm công tác, ổn định tư tưởng trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng.

Việc Bộ trưởng thường xuyên trực tiếp làm việc với lục lượng Quản lý thị trường giúp công chức có thể giải tỏa những lo ngại, đồng thời thấy rõ được tầm nhìn và chiến lược của Bộ trong việc phát triển ngành.

Đặc biệt, các chỉ đạo từ Bộ luôn nhấn mạnh yêu cầu duy trì hoạt động liên tục, không để đứt gãy trong quản lý thị trường, đồng thời quan tâm sâu sắc đến chính sách, điều kiện làm việc, quyền lợi của công chức, kiểm soát viên thị trường. Đây chính là nguồn động viên lớn, tạo động lực để toàn lực lượng tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dù đang trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức.

- Nhằm đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng như hướng tới mục tiêu nâng cao tính chủ động, linh hoạt, nắm bắt sát tình hình thị trường, có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn đối với những biến động của thị trường tại địa phương.

Chi Cục Quản lý thị trường Ninh Bình có những kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Chi cục trưởng Phan Thế Anh: Nhằm đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đồng thời hướng tới mục tiêu nâng cao tính chủ động, linh hoạt, phản ứng kịp thời với những biến động của thị trường tại địa phương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình kiến nghị một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp liên ngành sau khi sắp xếp tổ chức, đặc biệt là quy định rõ chức năng, thẩm quyền, mối quan hệ công tác giữa Chi cục Quản lý thị trường địa phương với các đơn vị cấp Trung ương cũng như giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Công Thương.

Thứ hai, kiến nghị ổn định sớm về tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ chính sách cho công chức, kiểm soát viên thị trường. Việc đảm bảo điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ phù hợp sẽ là yếu tố then chốt để duy trì tinh thần, động lực và sự gắn bó lâu dài của đội ngũ thực thi nhiệm vụ.

Thứ ba, đề xuất tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý địa bàn, xử lý dữ liệu thị trường. Đặc biệt, cần hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ cho các đội Quản lý thị trường, nhất là tại các khu vực giáp ranh, địa bàn phức tạp.

Thứ tư, mong muốn Bộ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời về nghiệp vụ chuyên sâu thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức.

Với tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cam kết tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, góp phần giữ vững ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh tại địa phương.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Nửa đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình (mới) đã kiểm tra 396 vụ, trong đó xử lý 388 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 4,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá trên 2,6 tỷ đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm với trị giá gần 300 triệu đồng.

Hoàng Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-ninh-binh-khang-dinh-vai-tro-chu-cong-trong-chong-hang-gia-gian-lan-thuong-mai-412454.html