Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/11

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/11 của các công ty chứng khoán.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu GVR nằm tại mức 18.75

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu GVR nằm tại mức 18.75

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vẫn đang ở trong xu hướng tăng giá từ đầu tháng 8 đến nay với xuất phát điểm từ vùng hỗ trợ xung quanh 9.5.

Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay 3/11, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nhưng chỉ báo RSI đã đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể đi ngang tích lũy trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GVR nằm tại xung quanh giá 15. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 18.75, cắt lỗ nếu ngưỡng 13 bị xuyên thủng.

Có khả năng điều chỉnh giảm dự báo đối với HVN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng 2020 với doanh thu đạt 33 nghìn tỷ đồng (giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái) và khoản lỗ 10,5 nghìn tỷ đồng so với lợi nhuận ròng 2,3 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng 2019. Khoản lỗ của HVN tương ứng với 71% kế hoạch lỗ trong năm 2020 và 103% dự báo lỗ 2020 của chúng tôi.

Trong quý 3/2020, doanh thu của HVN giảm mạnh 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,6 nghìn tỷ đồng với lỗ ròng 4 nghìn tỷ đồng so với 1 nghìn tỷ đồng trong LN ròng trong quý 3/2019.

Với khoản lỗ lớn trong 9 tháng 2020, vốn chủ sở hữu của HVN giảm còn 6,6 nghìn tỷ đồng so với 18,6 nghìn tỷ đồng tính đến cuối 2019. Nếu công ty đạt mức lỗ theo kế hoạch trong năm 2020, vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2020 sẽ là khá thấp và sẽ không còn ở mức dương nếu quý 1 năm 2021 lại lỗ lớn khoảng 3,9 nghìn tỷ đồng (tương tự khoản lỗ trong quý 2 và quý 3/2020).

Chúng tôi chủ yếu cho rằng khoản lỗ lớn trong quý 3/2020 của HVN do doanh thu hàng không trong nước và quốc tế thấp, cũng như tỷ lệ đòn bẩy cao của của hãng hàng không. Lưu lượng hàng không trong nước phục hồi kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong nước vào giữa tháng 5; tuy nhiên, đà phục hồi đã chững lại do làn sóng dịch COVID-19 vào cuối tháng 7.

Trong khi đó, lưu lượng hàng không quốc tế duy trì trầm lắng khi Việt Nam tiếp tục hạn chế nhập cảnh sau khi nối lại hạn chế các chuyến bay trong nước đã được thông qua vào giữa tháng 9.

Khi kết quả kinh doanh của HVN thấp hơn dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Có khả năng điều chỉnh giảm dự báo đối với POW

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020 với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 105 tỷ đồng.

Nhìn chung, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo 9 tháng năm 2020 của POW đạt 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 71% dự báo cả năm của chúng tôi (lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi 9 tháng năm 2020 hoàn thành 64% dự báo cả năm của chúng tôi).

Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết, chủ yếu do chênh lệch giá khí bất ngờ tại nhà máy điện Cà Mau, chi phí bảo trì cao hơn dự kiến tại nhà máy Vũng Áng, diễn biến kém tích cực của NT2 và giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) thấp hơn kỳ vọng do lượng mưa lớn gần đây sẽ ảnh hưởng lợi nhuận của tất cả các nhà máy nhiệt điện trong quý 4/2020.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý 3/2020 của POW giảm 595 tỷ đồng chủ yếu do (1) lợi nhuận gộp từ danh mục điện khí của POW giảm 340 tỷ đồng do sản lượng điện thương phẩm thấp hơn (khi hoạt động bảo trì dự kiến tại NT2 khiến sản lượng giảm), sản lượng theo hợp đồng tại Nhơn Trạch 1 giảm và doanh thu giảm do chênh lệch giữa chi phí khí thực tế và chi phí khí hợp đồng tại các nhà máy điện Cà Mau;

(2) lợi nhuận gộp từ nhà máy điện than Vũng Áng giảm 272 tỷ đồng do chi phí bảo trì cao hơn; (3) khoản dự phòng nợ xấu bổ sung trị giá 85 tỷ đồng liên quan đến nhà máy điện Cà Mau được ghi nhận trong khoản mục chi phí G&A và phần nào được bù đắp bởi (4) chi phí tài chính thấp hơn và thu nhập tài chính cao hơn, theo ước tính của chúng tôi.

Có khả năng điều chỉnh giảm dự báo đối với VJC

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Hàng không Viet Jet (VJC) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020 với doanh thu giảm 79% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận lỗ 971 tỷ đồng so với lợi nhuận ròng 1,7 nghìn tỷ đồng trong quý 3/2019.

Trong 9 tháng 2020, doanh thu của VJC đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 51% dự báo 2020 của chúng tôi. Khoản lỗ trong 9 tháng 2020 đạt 925 tỷ đồng (giảm 125%) so với lợi nhuận ròng dự báo của chúng tôi là lãi 5 tỷ đồng cho cả năm 2020.

Kết quả kinh doanh thấp của VJC được dẫn dắt bởi mức giảm mạnh trong doanh thu của các mảng kinh doanh, bao gồm vận tải hành khách, dịch vụ phụ trợ và các hoạt động bán máy bay do tác động của dịch COVID-19.

Dù chúng tôi dự báo VJC sẽ ghi nhận lãi từ 4 giao dịch bán và thuê lại (SALB) trong quý 4/2020, khiến kết quả kinh doanh quý 4 sẽ tích cực hơn, kết quả 9 tháng 2020 vẫn thấp hơn dự báo của chúng tôi. Do đó, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-4-11-post254224.html