Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/4

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/4 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Dự báo biên lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) được cải thiện trong năm 2023 nhờ giá NVL chính là than cốc và quặng sắt giảm dù giá bán thép khó tăng mạnh khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chưa mạnh.

Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ hồi phục lên 12,9% so với mức 11,9% của năm 2022. Lỗ tỷ giá của HPG dự báo giảm xuống 578 tỷ đồng so với mức 1.864 tỷ đồng trong năm 2022.

Chúng tôi ưa thích cổ phiếu HPG trong triển vọng hồi phục ngành thép năm 2023. HPG là doanh nghiệp thép có quy mô lớn nhất tại Việt Nam và có sức khỏe tài chính tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh. HPG có tiềm năng dài hạn lớn khi hoàn thành dự án Dung Quất 2 sẽ giúp nâng công suất thép thô lên gấp 1,6 lần tương đương 14 triệu tấn/năm.

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu là 26.275 đồng/CP, cao hơn giá đóng cửa ngày 31/03/2023 là 26%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

CTCK MB (MBS)

Luận điểm đầu tư: Chúng tôi cho rằng với những nỗ lực đáng ghi nhận của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB – sàn HOSE) trong việc gia tăng độ dày vốn cấp 1, hệ số an toàn vốn (CAR) của VPB sẽ được nâng lên đáng kể, từ đó tạo lợi thế cho ngân hàng trong việc ưu tiên giành hạn mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) cao từ NHNN. Đặc biệt, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của NHNN đang ở mức thấp, việc bổ sung nguồn vốn ngoại tệ cho nền kinh tế cũng sẽ là một điểm cộng cho VPB. Chúng tôi dự phóng mức CAR của VPB sẽ đạt 15.6% vào cuối năm 2023, cao nhất toàn ngành.

NIM cải thiện trong năm 2023 nhờ biên lợi nhuận tăng trong nửa cuối năm. Tác động kép từ lãi suất huy động gia tăng cùng với hoạt động cho vay tiêu dùng suy giảm trong năm 2021 và 2022 khiến NIM của VPB bị suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn là mức NIM cao nhất thị trường tính đến cuối năm 2022. NIM của ngân hàng mẹ có sự tăng trưởng mạnh nhờ các mảng cho vay chủ lực. Cụ thể, NIM 2022 của ngân hàng mẹ đạt 5.5%, tăng 20 bps so với năm 2021 và là mức NIM cao thứ 2 toàn ngành, sau MBB.

Hiệu quả hoạt động tiếp tục nằm trong nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh kết quả kinh doanh của VPB trong năm 3 năm gần đây đến từ sự cải thiện rất đáng kể của tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR). CIR hợp nhất của VPB giảm từ mức 34,2% trong năm 2019 xuống còn 24,4% trong 2022, mức giảm lớn nhất trong các NHTM. Điều này đạt được nhờ các hoạt động chuyển đổi số được đầu tư mạnh mẽ giúp chi phí hoạt động giảm trong khi vẫn duy trì đà tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động.

Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB và điều chỉnh tăng mức giá mục tiêu lên mức 25.540 đồng/CP.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

CTCK BIDV (BSC)

BSC dự phóng năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) lần lượt đạt 10.485 tỷ đồng (tăng 15,9% so với năm trước) và 1.133 tỷ đồng (giảm 2,4%), EPS FW = 2.560 đồng/CP với giả định (1) Giá thuê tàu định hạn trung bình tăng 20% YoY (2) PVT đầu tư mua 5 tàu mới trong 2023 gồm: 2 tàu chở hóa chất, 1 tàu chở hàng rời, 1 tàu chở LPG và 1 tàu handysize, (3) Lợi nhuận khác đạt 51 tỷ đồng từ việc thanh lý tàu PVT Dragon.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng của PVT sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 do không còn ghi nhận các khoản thu nhập bất thường từ thanh lý tàu cũ. Nếu chỉ tính thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVT, chúng tôi dự báo lợi nhuận của công ty sẽ tăng 15,2%.

Quan điểm đầu tư: Cước vận tải dự kiến duy trì ở mức cao do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi nhu cầu dự kiến phục hồi từ Trung Quốc mở cửa; Cước vận tải của PVT dự kiến tăng trưởng khả quan trong giai đoạn tới nhờ gia hạn các hợp đồng mới kể từ cuối năm 2022, Tiến độ đầu tư đội tàu có thể chậm lại do mặt bằng giá cao.

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với PVT, và nâng giá mục tiêu cho năm 2023 lên 25.000 đồng/CP (tương đương upside 21.4% so với giá đóng cửa ngày 31/03/2023 là 20.700 đồng/CP) dựa trên hai phương pháp định giá FCFF và P/E với tỷ trọng là 50% - 50%.

Chúng tôi cho rằng PVT có tiềm năng tăng trưởng cao trong những năm tới nhờ vào (1) Giá cước vận tải được cải thiện do nguồn cung bị thắt chặt, và (2) tiềm năng mở rộng và trẻ hóa đội tàu PVT.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-44-post318408.html