Cổ phiếu châu Á giảm mạnh sau khi Iran bắn tên lửa căn cứ của Mỹ ở Iraq
Chứng khoán châu Á nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 8/1 do lo ngại căng thẳng bùng phát tại Iraq sau đợt tấn công trả đũa Mỹ của Iran.
Chứng khoán châu Á và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lao dốc trong ngày 8/1, trong khi đồng yen Nhật tăng vọt sau khi Iran bắn tên lửa vào căn cứ lực lượng quân đội Mỹ ở Iraq, làm dấy lên nỗi lo sợ về xung đột leo thang ở Trung Đông.
Các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Ain Al-Asad và một cơ sở khác ở Erbil (Iraq) diễn ra chỉ vài giờ sau đám tang của tướng Iran vừa bị giết trong vụ không kích của Mỹ - một yếu tố khiến căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Ngày 7/1, Lầu Năm góc xác nhận về thông tin trên và cho biết: “Iran đã phóng hơn một chục tên lửa vào lực lượng quân đội và liên minh của Mỹ ở Iraq. Rõ ràng những tên lửa này xuất phát từ Iran và nhắm vào ít nhất hai cơ sở quân sự của Mỹ là Al-Assad và Irbil”.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,13%, trong khi Topix hạ 1,26%. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là đã hủy bỏ chuyến đi tới Trung Đông, theo Reuters.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc lùi 0,83% sau khi mất 1,23%, trong khi chỉ số ASX 200 của Australia giảm 0,32%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khởi phiên trong sắc đỏ với chỉ số Shanghai Composite giảm 0,57%, Shenzhen Composite hạ 0,11% và Shenzhen component gần như đi ngang.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) rớt 0,73%. Chỉ số Straits Times của Singapore rớt 0,77%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) giảm 1% ngay sau khi thị trường cổ phiếu Trung Quốc bắt đầu giao dịch.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,7534%, giảm hơn 7 điểm cơ bản từ mức 1,825% trong ngày 7/1). Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm xuống 1.4982%, thấp hơn so với mức đóng cửa hôm trước là 1.546%.
“Đây là làn sóng né tránh rủi ro rất điển hình”, Rob Carnell, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại ING ở Singapore, cho hay.
“Nếu nhận thấy giá trái phiếu Chính phủ Mỹ leo dốc một chút trong buổi sáng hôm nay, giá trái phiếu sẽ tăng thêm nếu Mỹ đưa ra động thái quyết liệt. Theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư chỉ có thể tháo chạy ra khỏi thị trường này” – chuyên gia Carnell nhận xét.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD giảm mạnh so với yen Nhật, sụt 0,28% xuống mức 108,11 yen đổi 1 USD.
Đồng yen Nhật chạm mức cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 10/2019. Chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,12 xuống còn 96,891 điểm.
“Nếu xảy ra thương vong về phía Mỹ, tôi không nghĩ ông Trump sẽ lùi bước và chấp nhận điều đó”, chuyên viên thị trường Matt Simpson tại Gain Capital ở Singapore, cho biết.
Thông tin về vụ tấn công của Iran khiến thị trường chao đảo mặc dù trước đó, dữ liệu tốt hơn dự báo trong lĩnh vực phi sản xuất của Mỹ. Thị trường chứng khoán châu Á phục hồi mạnh trong ngày 7/1 khi nhà đầu tư bớt lo ngại về căng thẳng Trung Đông.
Trên thị trường Phố Wall, các chỉ số chính cũng giảm nhẹ vào ngày 7/1), khi các nhà giao dịch đánh giá rủi ro địa chính trị gia tăng từ căng thẳng Mỹ - Iran cùng với dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/1, chỉ số Dow Jones giảm 119.70 điểm (tương đương 0.4%) xuống 28,583.68 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.3% còn 3,237.18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite khép phiên ngay dưới mức hòa vốn là 9,068.58 điểm.
Các chỉ số chính nhanh chóng xóa bớt đà giảm điểm hồi đầu phiên sau khi Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số phi sản xuất tiến từ 53.9 trong tháng 11/2019 lên 55 trong tháng 12/2019, cao hơn dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi tuần trước rằng Mỹ đã giết được Chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran ở Baghdad, Tướng Qasem Soleimani. Tổng thống Trump cũng cho biết hôm Chủ nhật (05/01) rằng ông có thể áp lệnh trừng phạt Iraq, sau khi Quốc hội nước này thông qua một nghị quyết kêu gọi Chính phủ trục xuất quân đội nước ngoài ra khỏi đất nước./.