Cổ phiếu chứng khoán cho hiệu suất đầu tư tốt nhất, một mã phá 'đỉnh'
Tính từ đầu năm đến nay, nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán tăng bằng lần, trong đó BSI của Chứng khoán BIDV đã phá đỉnh lịch sử.
Dữ liệu thống kê mới nhất từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 9,4%. Trong khi đó, nhiều nhóm cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng bình quân hàng chục %. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm ngành chứng khoán với mức tăng 81,19%.
Theo thống kê của Mekong ASEAN, từ tháng 1/2023 đến phiên giao dịch 6/12, nhiều cổ phiếu trong nhóm ngành chứng khoán đã ghi nhận đà tăng bằng lần. Đó là VIX của Chứng khoán VIX với mức tăng gấp 3 lần, từ vùng 6.000 đồng lên 18.000 đồng; FTS của Chứng khoán FPT với mức tăng gấp 2,5 lần, từ vùng giá 17.000 đồng lên gần 45.000 đồng;
SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội tăng gấp 2,3 lần, từ vùng 8.000 đồng lên 19.000 đồng; VCI của Chứng khoán Vietcap tăng 1,8 lần, từ vùng giá 26.000 đồng lên 44.000 đồng; MBS của Chứng khoán MB tăng giá gấp đôi, từ vùng 11.000 đồng lên 23.000 đồng… Hai mã đầu ngành là SSI và VND có mức tăng chậm hơn nhưng cũng đều đạt hiệu suất 80-90%.
Đáng chú ý trong nhóm là BSI của Chứng khoán BIDV chính thức phá “đỉnh” lịch sử vào những phiên cuối tháng 11 ở vùng giá 46.000 đồng/cp. Phiên sáng 6/12, mã tiếp tục vươn lên mức hơn 48.000 đồng, tăng 2,8 lần so với hồi đầu năm.
Cổ phiếu vào đà tăng, BSC dự kiến sẽ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ đang nắm giữ với số lượng 505.660 đơn vị (chiếm 0,25% vốn điều lệ). Mục đích bán nhằm tăng vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 30/11 đến 29/12. Giá bán theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 24.391 đồng/cp.
BSI miệt mài “leo dốc” trong bối cảnh công ty đạt kết quả kinh doanh vượt trội trong quý 3/2023. Cụ thể, công ty chứng khoán mang về 386 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, gấp 6,5 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSI ghi nhận 990 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 344 tỷ đồng, gấp 3,6 lần.
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, danh mục tự doanh (tài sản FVTPL) của BSI có giá trị 1.257 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Danh mục chiếm phần lớn là chứng chỉ tiền gửi (829 tỷ đồng), xếp sau là trái phiếu chưa niêm yết của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (201 tỷ đồng). Dư nợ cho vay của BSI tại thời điểm 30/9 ở mức 4.592 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu năm.
Không chỉ BSI, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý 3/2023 với mức tăng trưởng 141% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2022 (theo dữ liệu của FiinGroup). Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của top 20 công ty chứng khoán hàng đầu đạt 42,7% so với quý trước và 101,3% so với cùng kỳ 2022, nhờ đà tăng tốt của thị trường cũng như sự cải thiện đáng kể của thanh khoản trong quý 3.