Cổ phiếu chứng khoán nhạy tin lãi suất
Nhóm cổ phiếu chứng khoán rất 'nhạy' với thông tin hạ lãi suất, chủ yếu dựa trên kỳ vọng thị trường sẽ dần sôi động trở lại, nên thường có diễn biến tăng giá đón đầu.
Giá và thanh khoản nhóm chứng khoán tăng
Ngay từ tháng 3/2023, khi Ngân hàng Nhà nước có đợt hạ lãi suất điều hành đầu tiên, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán đã phản ứng khá tích cực. Trong tuần qua, nhóm này cũng có những phiên giao dịch sôi động, một phần đến từ kỳ vọng hạ lãi suất lần 3 trong năm nay. Thực tế, ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm thêm một số loại lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tối đa tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, có hiệu lực từ 25/5/2023.
So với đầu tháng 3/2023, một số cổ phiếu chứng khoán hiện có mức tăng cao so với thị trường chung như BSI, FTS, CTS, BVS, nhưng cũng có những mã tăng nhẹ như HCM, SSI, VND, bởi nhà đầu tư có động thái chốt lời theo hướng “tin ra là bán”.
“Mặc dù nhóm cổ phiếu chứng khoán chưa tạo được sóng mạnh trong đợt vừa qua, nhưng dự báo, chứng khoán vẫn là nhóm tích cực ở giai đoạn cuối năm 2023. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng trong tình huống bất thường, không nên mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng, mà chờ đợi các nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ để tham gia mua mới, vì nhóm ngành này có hệ số beta cao, giá thường tăng nhanh, giảm sốc”, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeace nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, lợi nhuận của khối công ty chứng khoán trong quý đầu năm 2023 suy giảm đà tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm, nhưng điều này đã được dự báo từ trước. Một phần do bối cảnh thị trường chung ảm đạm, một phần do nền so sánh rất cao của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn khó khăn (quý IV/2022) thì lợi nhuận của hầu hết công ty chứng khoán cho thấy sự cải thiện, mang đến kỳ vọng về việc lợi nhuận của nhóm ngành này đã tạo đáy và có thể tăng trưởng trở lại trong các quý tới.
Hiện tại, định giá P/B nhóm chứng khoán ở mức 1,2 - 1,3 lần, mặc dù tăng khá mạnh từ đáy nhưng vẫn hấp dẫn so với định giá bình quân trên thị trường. Về tổng thể, những tín hiệu lạc quan ngày một xuất hiện nhiều hơn, nhưng trong ngắn hạn, thách thức với ngành chứng khoán vẫn còn, bởi những biến động khó lường của thị trường.
Ông Bùi Anh Quân, một nhà đầu tư tại TP.HCM nêu quan điểm, đầu tư vào cổ phiếu chứng khoán cần nhìn vào triển vọng thực tế tại mỗi công ty khi mà ngành chứng khoán đang có mức độ cạnh tranh khốc liệt. Các công ty chứng khoán có xu hướng giảm và miễn phí giao dịch, nên giá cổ phiếu đắt hay rẻ cần được nhìn nhận trên mô hình kinh doanh.
Có công ty kinh doanh theo mô hình ngân hàng đầu tư, công ty chuyên cho vay giao dịch ký quỹ (margin), công ty quản lý tài sản, có công ty không có bản sắc gì và dần thụt lùi. Dựa vào đó, nhà đầu tư xác lập lại mức định giá cho các cổ phiếu chứng khoán, khi đó sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư “ăn xổi” theo hướng “tin ra là bán”.
Dự báo tác động giảm lãi suất tới các nhóm ngành
Thống kê nhiều năm qua cho thấy, mỗi lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, chỉ số VN-Index thường có xu hướng đi lên, bởi thị trường kỳ vọng, điều này sẽ giúp dòng tiền luân chuyển nhiều hơn vào kênh chứng khoán do chi phí cơ hội đầu tư giảm, các doanh nghiệp niêm yết giảm chi phí tài chính...
Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank đánh giá, đợt hạ lãi suất điều hành lần này sẽ có tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế nhiều hơn là tập trung vào một nhóm ngành nhất định.
Nhìn lại quá khứ, những nhóm ngành thường phản ứng tích cực nhất khi lãi suất hạ là chứng khoán, bán lẻ, bất động sản. Riêng ngành bất động sản, lãi suất ảnh hưởng đến cả đầu vào (lãi suất vay thực hiện dự án) và lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay mua nhà), nên việc giảm lãi suất sẽ giúp quá trình tạo đáy của ngành này diễn ra nhanh hơn.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, trong bối cảnh lãi suất giảm, không chỉ ngành chứng khoán được hưởng lợi do giảm chi phí vốn, mà nhóm ngân hàng thương mại cũng đáng quan tâm, bởi lãi suất đầu vào thường giảm nhanh hơn lãi suất đầu ra. Bên cạnh đó, các nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng trong thời gian tới hoặc được hưởng lợi từ chính sách như đầu tư công, năng lượng (điện, dầu khí) cũng được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất giảm, do đây là những ngành có tỷ lệ đòn bẩy, nợ vay tương đối cao.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng, lãi suất điều hành giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó hạ lãi suất cho vay, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hộ gia đình, thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định và lạm phát được kiểm soát (CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng 3), đồng thời thanh khoản hệ thống dồi dào với lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, hiện thấp hơn 1 - 2%/năm so với đầu tháng 5.
Theo thống kê của Agriseco từ năm 2008 đến nay, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, thị trường chứng khoán thường tăng trong 1 năm sau đó, với mức tăng bình quân 19%/năm. Năm nay, một số nhóm ngành nhạy cảm với sự thay đổi của mặt bằng lãi suất như chứng khoán, bất động sản và ngân hàng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi trước tiên.
“Hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong quý III/2023, mức giảm từ 0,5 - 1%/năm, qua đó tác động mạnh hơn đến tình hình lãi suất trên thị trường và tác động tích cực hơn lên diễn biến thị trường chứng khoán”, ông Nguyễn Anh Khoa nói.
Công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục giảm, từ ngày 25/5/2023 xuống còn 5%/năm, sẽ có tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao. Dựa theo số liệu năm 2022, công ty chứng khoán này cho biết, 5 ngành có mức vay nợ cao là bất động sản, thép, thực phẩm, xây dựng, nuôi trồng nông và hải sản.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-chung-khoan-nhay-tin-lai-suat-post322469.html