Cổ phiếu của Điện lực Miền Trung (LEC) bị đưa vào diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/06/2024.
Ngày 18/6/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (mã chứng khoán LEC) vào diện cảnh báo. Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/6/2024.
Theo đó, cổ phiếu LEC bị đưa vòa diện kiểm soát vì tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán, thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (LEC) đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức với tình hình kinh doanh sa sút nghiêm trọng. Theo đó, LEC ghi nhận tổng doanh thu đạt 124 tỷ đồng, giảm 35,25% so với năm 2022, hoàn thành 38,49% kế hoạch.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, nhưng chi phí lãi vay trong năm tăng mạnh so với năm 2022, dẫn đến lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2023 bị lỗ 27.057 triệu đồng, tương đương giảm 204,49% so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra.
Về tình hình đầu tư, thực hiện dự án, LEC không có các khoản đầu tư lớn trong năm qua. Các chỉ tiêu tài chính trong BCTC năm 2023 đều có biến động, cụ thể:
Hệ số thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh năm 2023 tăng nhẹ so với năm 2022 lần lượt đạt các mức 1,41 lần và 1,34 lần. Nguyên nhân là do tài sản ngắn hạn giảm 22,46% và nợ ngắn hạn giảm 27,15%.
Doanh thu thuần hợp nhất năm 2023 của LEC chỉ đạt 104,34 tỷ đồng, giảm 42,37% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của LEC bị lỗ 27.057 triệu đồng chủ yếu do doanh thu hoạt động giảm mạnh, đồng thời chi phí lãi vay trong năm tăng. Do đó, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời như tỷ suất lợi nhuận thuần, ROA, ROE đều giảm mạnh so với năm 2022.
Hệ số nợ tổng tài sản và hệ số nợ vốn chủ sở hữu lần lượt đạt 58,94% và 143.57% so với 66,18% và 196.55% của năm 2022. Các khoản mục trong nợ phải trả giảm 26,86% chủ yếu đến từ khoản mục vay ngắn hạn giảm 30,87% và người mua trả tiền trước giảm 60,39% đã dẫn đến cơ cấu vốn năm 2023 của LEC giảm nhẹ nhưng vẫn trong mức an toàn.
Giá vốn hàng bán năm 2023 giảm mạnh 38,15%, đồng thời, hàng tồn kho giảm 32,31% so với cùng kỳ dẫn đến vòng quay hàng tồn kho năm 2023 đạt 0,95 vòng, giảm so với 1,75 vòng của năm 2022.
Sau khi hợp nhất, hoạt động xây dựng công trình vẫn là mảng kinh doanh lớn của Công ty khi chiếm 93,69% trong cơ cấu doanh thu năm 2022 và 58,31% trong cơ cấu doanh thu năm 2023, tương đương 60,8 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí tăng đạt 43,4 tỷ đồng, tương đương 41,69% cơ cấu doanh thu.
Thời gian tới, Tổng Công ty vẫn sẽ chú trọng vào mảng xây dựng công trình và dịch vụ thương mại nhằm đảm bảo doanh thu cho LEC.
Nhìn chung trong năm qua, tình hình tài sản LEC không có biến động nhiều, tổng tài sản giảm 19,63% (đạt 971,99 tỷ đồng) so với năm 2022. Sự biến động chủ yếu đến từ khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng giảm 39,55% và hàng tồn kho giảm 47.97% so với năm 2022, chủ yếu đến từ việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và nguyên vật liệu của công ty con - Công ty CP Đầu tư và xây dựng P&P.
Năm 2023, các công ty con không thực hiện mua sắm thêm tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nên khiến cho tài sản dài hạn năm qua giảm nhẹ 2,80% so với năm trước và đạt 169 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, LEC còn phải đối mặt với áp lực nợ nần lớn. Tổng nợ phải trả của công ty lên tới 575 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn. Nhiều khoản vay ngắn hạn của LEC và các công ty con đã phải gia hạn nhiều lần, gây áp lực lên khả năng thanh toán của công ty.