Cổ phiếu của Gạo Trung An được giao dịch trở lại trên sàn UPCoM
78,3 triệu cổ phiếu TAR sẽ giao dịch trở lại kể từ ngày 31/5 với giá tham chiếu 6.100 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa đạt khoảng 478 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc chấp thuận cho hơn 78,3 triệu cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An) giao dịch trên sàn UPCoM.
Thông tin trên được đưa ra sau khi HNX có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với TAR từ ngày 21/5 do công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023, thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Trước khi bị hủy niêm yết, Gạo Trung An bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023.
Như vậy, 78,3 triệu cổ phiếu TAR sẽ giao dịch trở lại kể từ ngày 31/5/2024 với giá tham chiếu 6.100 đồng/cổ phiếu. Với mức giá tham chiếu trên, vốn hóa của Gạo Trung An ước khoảng 478 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, trong quý I/2024, doanh thu thuần của Trung An ghi nhận đạt 715 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Trung An đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.100 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 31 tỷ đồng. Như vậy kết thúc quý I, Gạo Trung An đã thực hiện được 23% chỉ tiêu doanh thu và khoảng 9% kế hoạch lợi nhuận.
Trên thị trường, trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Nhìn về triển vọng chung ngành lúa gạo, VCBS cho rằng, hiện tượng El Nino khiến mưa đến muộn và kết thúc sớm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông sản ở nhiều quốc gia.
Việc chính phủ Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo khác (trừ gạo basmati), giá gạo xuất khẩu tăng đã khiến gạo Ấn Độ kém cạnh tranh hơn các loại gạo khác.
Bên cạnh đó, lo ngại thời tiết El Nino khô hạn, khiến các nhà nhập khẩu tích cực mua vào để dự trữ trong khi nguồn cung từ một số nước xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam, đang dần cạn kiệt, cũng là nguyên nhân khiến giá gạo leo thang.
Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.